Chuẩn bị tốt nhất tạo dấu ấn Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia

12:16, 20/03/2024

Đến chiều 19/3, cơ bản các đoàn về tham dự Cuộc thi đã có mặt tại TP Bắc Giang...

Thí sinh dự thi Khoa học kỹ thuật. Ảnh: TL

Trong 3 ngày (20, 21, 22/3), tại tỉnh Bắc Giang, Bộ GD&ĐT phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023 - 2024 (Cuộc thi).

149 dự án, 74 đơn vị dự thi

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023 - 2024 có sự tham gia của 74 đơn vị, trong đó có 62/63 sở GD&ĐT và 12 đơn vị thuộc các đại học, trường đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Năm nay, Cuộc thi có tổng số 149 dự án dự thi, thuộc 21 lĩnh vực bao gồm: Khoa học động vật, Khoa học xã hội và hành vi, Hóa sinh, Y sinh và khoa học sức khỏe, Kỹ thuật Y sinh, Sinh học tế bào và phân tử, Hóa học, Sinh học trên máy tính và Sinh tin, Khoa học Trái đất và Môi trường, Hệ thống nhúng, Năng lượng hóa học, Vật lý, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật môi trường, Khoa học vật liệu, Toán học, Vi sinh, Vật lý và Thiên văn, Khoa học thực vật, Robot và máy tính, Phần mềm hệ thống, Y học dịch chuyển.

Tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023 - 2024, tỉnh Đắk Lắk sẽ tham gia 2 dự án. TS Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc sở GD&ĐT chia sẻ thông tin đồng thời cho hay: 2 dự án khoa học, kỹ thuật tham dự Cuộc thi gồm “Xây dựng bộ công cụ lập kế hoạch tự động và quản lý học tập cho học sinh phổ thông” của các tác giả Phạm Ngọc Thiên Thư (lớp 11A5), Lê Trần Đăng Khoa (lớp 11A1) - Trường THCS và THPT Đông Du; “Nghiên cứu khả năng tạo thức ăn cho chim yến (Aerodramus fuciphagus) từ ruồi lính đen làm tăng hiệu quả trong nhà nuôi chim yến” của các tác giả Đào Nguyễn Ngọc Linh (lớp 12B1), Phạm Quang Minh Khuê (lớp 10A7) - Trường THPT Ngô Gia Tự. 2 dự án này tham dự ở 2 lĩnh vực là Phần mềm hệ thống và Khoa học động vật.

“2 dự án này nằm trong số 9 dự án xuất sắc nhất Cuộc thi cấp tỉnh (9 giải Nhất). 2 dự án có ý tưởng tốt, tính khoa học, thực tiễn. Các thí sinh đều có tâm lý thoải mái và tự tin trước khi bước vào Cuộc thi”, TS Hiệp nói.

Trong 2 đội dự thi, nếu như học sinh Trường THCS và THPT Đông Du (TP Buôn Ma Thuột) thường xuyên góp mặt ở sân chơi cấp quốc gia thì đội thi đến từ Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) là lần thứ 2 có được vinh dự này.

Cô Phạm Thị Dinh - Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự không giấu được niềm xúc động và tự hào: “Lần đầu học sinh trường huyện vinh dự góp mặt ở sân chơi quốc gia này cách đây gần 10 năm. Đây là lần thứ 2 các em đạt được thành tích xuất sắc, mang vinh dự về cho trường. Chúng tôi hy vọng, dự án sẽ đạt kết quả tốt, tạo động lực cho học sinh, thầy cô trong trường cũng như các trường ở vùng khó vươn lên trong dạy học, nghiên cứu khoa học”, cô Dinh cho hay.

Ban tổ chức trao giấy chứng nhận 2 dự án đại diện Đắk Lắk dự thi cấp quốc gia. (Ảnh: TL)

Tình nguyện viên sẵn sàng hỗ trợ

Chiều 19/3, ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia tại tỉnh Bắc Giang cho biết, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng cho lễ khai mạc.

Đây là năm thứ 12 Cuộc thi được tổ chức nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống; tạo cơ hội để nhà trường giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.

Cuộc thi nhằm gắn hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh với việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp, hình thức đánh giá kết quả học tập của học sinh, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đồng thời hình thành cho học sinh trung học tác phong khoa học, năng lực nghề nghiệp và tiềm năng khởi nghiệp góp phần thực hiện giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.

Là địa phương đăng cai, tỉnh Bắc Giang đã tích cực chuẩn bị tốt nhất để Cuộc thi diễn ra thành công, tạo dấu ấn cho các đoàn khi về dự thi tại địa phương. Tỉnh Bắc Giang đã thành lập Ban tổ chức đăng cai Cuộc thi gồm 37 thành viên, trong đó Trưởng ban Chỉ đạo là Giám đốc sở GD&ĐT, các Phó Trưởng ban là lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên các sở, ngành có liên quan. Ban tổ chức đã thành lập 4 tiểu ban; các tiểu ban đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để thực hiện.

Ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, phòng họp, phòng làm việc (Ban giám khảo, Thanh tra, Phòng Y tế, thư ký), phòng chuyên môn... đã được lắp đặt với đầy đủ trang thiết bị và sẵn sàng phục vụ.

Tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, Quảng trường 3/2 - nơi diễn ra các hoạt động chính của Cuộc thi, Ban tổ chức đã bố trí đầy đủ các khu vực, không gian trưng bày cho các đoàn dự thi. Mỗi dự án dự thi sẽ được bố trí 1 vị trí để trưng bày poster với kích thước được quy định theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Sở GD&ĐT Bắc Giang tổ chức 10 gian trưng bày sản phẩm giáo dục STEM và giới thiệu bằng hình ảnh về các thành tựu giáo dục, đặc trưng của huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Theo Ban tổ chức, đến chiều 19/3, cơ bản các đoàn về tham dự Cuộc thi đã có mặt tại TP Bắc Giang. Tình nguyện viên được giao nhiệm đón và sắp xếp, giới thiệu chỗ nghỉ ngơi thuận lợi cho các đoàn. Ban tổ chức cung cấp số điện thoại taxi, công ty du lịch để các đoàn về dự Cuộc thi thuận lợi di chuyển, tham quan các khu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

https://giaoducthoidai.vn/chuan-bi-tot-nhat-tao-dau-an-cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cap-quoc-gia-post676037.html