Chuyển đổi kỹ năng số các hệ thống giáo dục trong ASEAN
Ngày 15/10/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) và Ban Thư ký ASEAN tổ chức Hội nghị ASEAN - UNICEF về "Chuyển đổi kỹ năng số các hệ thống giáo dục trong toàn Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)”.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến kết nối với các Bộ trưởng Giáo dục và các quan chức cấp cao của 10 nước ASEAN; Ban thư ký ASEAN, UNICEF khu vực, UNESCO khu vực, đại diện các đối tác công nghệ liên quan.
Hội nghị ASEAN - UNICEF về “Chuyển đổi kỹ năng số hệ thống giáo dục trong khu vực ASEAN” sẽ thúc đẩy khả năng thích ứng, tăng cường tính sáng tạo, chủ động và linh hoạt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thông qua các cách tiếp cận kỹ thuật số và khai thác hợp tác với các đối tác tư nhân.
Một trong những vấn đề quan trọng mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đặt ra tại Hội nghị là việc nâng cao kỹ năng số, mở rộng khả năng tiếp cận thế giới số của học sinh, giáo viên.
Học sinh và giáo viên cần được tiếp cận không hạn chế ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, khai thác, tận dụng tri thức của nhân loại.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh việc tiếp cận kỹ năng chuyển đổi số đối với học sinh và giáo viên. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của chúng ta là tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình này, đồng thời thiết lập một nền tảng chung để chia sẻ tài nguyên kỹ thuật số, nhằm thu hẹp khoảng cách tiếp cận giáo dục do chênh lệch công nghệ trong khu vực gây ra”.
Bàn về mục tiêu của hệ thống giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng Nhạ khẳng định sự cần thiết của việc trang bị cho học sinh kỹ năng kỹ thuật số ở tất cả các cấp.
Đặc biệt, môn Tin học đã được đưa vào giảng dạy ngay từ bậc tiểu học, tập trung vào 3 lĩnh vực: Kỹ năng số, Ứng dụng Công nghệ thông tin và Khoa học máy tính, bao gồm các chủ đề mới nổi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn và người máy.
Bên cạnh đó, giáo dục STEM cũng được đẩy mạnh thông qua mô hình học tập dựa trên dự án và phát triển trung tâm đổi mới trong trường học.
Chương trình học không chỉ giới hạn trong việc truyền tải kiến thức mà còn chú trọng đến khả năng tiếp thu, khả năng tư duy kỹ thuật số cùng khả năng làm chủ công nghệ của người học.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo hàng năm tổ chức các cuộc thi quốc gia về thiết kế bài học điện tử nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số của giáo viên, góp phần xây dựng kho dữ liệu số để chia sẻ trong toàn ngành.
Hướng tới mục tiêu áp dụng công nghệ rộng rãi và có hệ thống, thiết lập một nền tảng chung để chia sẻ tài nguyên kỹ thuật số, thu hẹp khoảng cách tiếp cận giáo dục do chênh lệch công nghệ trong khu vực gây ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kêu gọi các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN cùng chung tay xây dựng một bộ tiêu chuẩn kỹ năng số thống nhất trong khu vực, hướng tới hình thành một khung năng lực số được các nước thành viên công nhận.
Kết nối này hứa hẹn sẽ tạo ra một tương lai cho tất cả người dân ASEAN, ở mọi lứa tuổi. Tương lai không chỉ dành cho những người hiểu biết về công nghệ, mà cho tất cả mọi người.
Hội nghị hướng tới mục tiêu xây dựng một bộ tiêu chuẩn kỹ năng số thống nhất. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Cả 10 Bộ trưởng Giáo dục ASEAN đều khẳng định vai trò của nền tảng kỹ thuật số đối với sự phát triển của giáo dục.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng đều nêu ra những cơ hội và thách thức của hệ thống giáo dục trong việc thúc đẩy phát triển kỹ năng số và kỹ năng chuyển đổi số cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp trong việc bảo vệ trẻ em khỏi các lạm dụng, ảnh hưởng xấu trên mạng.
Tại Hội nghị, Giáo sư Fernando Reimers – Trường Đại học Havard đã chia sẻ phương pháp tích hợp – mối liên hệ giữa các kỹ năng số và kỹ năng chuyển đổi (phát triển kỹ năng trong và ngoài trường học, khung kỹ năng chuyển đổi toàn cầu, đào tạo giáo viên).
Giáo sư Fernando Reimers cũng nhấn mạnh: “Dịch Covid-19 đã tác động đến mọi ngành nghề. Nó cũng tạo ra một lỗ hổng lớn về giáo dục. Nhiệm vụ của chúng ta là phải lấp đầy lỗ hổng đó.
Việc tăng cường tính đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa các nước là vô cùng quan trọng, đặc biệt là việc chuyển đổi kỹ năng số và phát triển cả kỹ năng mềm, khả năng ứng phó khi việc học tập bị gián đoạn”.
Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN đã thông qua Tuyên bố chung, khẳng định tầm quan trọng của các nỗ lực nhằm xóa mù công nghệ, tăng cường thúc đẩy phát triển kỹ năng số và kỹ năng chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục của các nước thành viên ASEAN; đồng thời nhấn mạnh vai trò của trẻ em, thanh thiếu niên và công việc trong tương lai trong chuyển đổi kỹ thuật số các hệ thống giáo dục.
Thùy Chi (T/h)