Chuyển đổi số là 'cơ hội vàng' để doanh nghiệp bứt phá

10:10, 06/12/2021

Doanh nghiệp Việt Nam có thể thua các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về năng lực cạnh tranh, nhưng về nền kinh tế số, Việt Nam có tiềm năng, có thể bứt phá. Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp khẳng định họ đã sẵn sàng cho sự thay đổi này và mong chờ chính sách đột phá để doanh nghiệp chuyển đổi số.

Tại Diễn đàn "Phát triển Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững" tổ chức ngày 5/12, các chuyên gia đã hiến kế các giải pháp phục hồi kinh tế trong bối cảnh Covid-19. Theo đó, bên cạnh việc kiểm soát dịch bệnh, phục hồi sản xuất, gói hỗ trợ doanh nghiệp, chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất... còn có một vấn đề quan trọng khác mà các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh, đó là doanh nghiệp phải đẩy mạnh câu chuyện chuyển đổi số.

Đầu tư cho KHCN mới chiếm 0,64% GDP

Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bên cạnh các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển như: chính sách hỗ trợ giảm, hoãn lãi suất, hỗ trợ về tín dụng… đủ quy mô, tính cấp thiết, kịp thời trong giai đoạn hiện nay, cũng cần tính đến giải pháp dài hạn.

kinh-te-so-4125-1638684990.jpg

Việt Nam đang có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế số.

Theo vị chuyên gia này, hiện nay có nhiều vấn đề phản ánh chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động đang ở vùng “trũng”, khiến Việt Nam đang bỏ lỡ cơ hội phát triển. "Chúng ta cần củng cố nền tảng cho tăng trưởng dài hạn bằng cách đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực có kỹ năng, nhân tài...", ông Tuấn nói.

Mặc dù hiện nay Việt Nam đã có những chính sách về chuyển đổi số, về tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhưng mới dừng lại ở chủ trương, chính sách. Do đó, ông Tuấn cho rằng, cần phải có sự quyết liệt, đặc biệt là nguồn lực dành cho mục tiêu này.

Dẫn chứng số liệu, ông Tuấn nói rằng, tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhà nước cho Khoa học và Công nghệ hiện nay rất thấp. "Năm 2012, chúng ta dành 0,6% GDP cho các hoạt động nghiên cứu, 2017 tăng lên 0,8 % GDP nhưng năm 2021 do ảnh hưởng dịch bệnh nên tỷ lệ này sụt giảm còn 0,64%. Như vậy không cải thiện, thậm chí gần như giữ nguyên".

Tuy nhiên về quy mô nền kinh tế số, PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội vàng. "Chúng ta có thể thua các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về năng lực cạnh tranh, nhưng về nền kinh tế số, Việt Nam có tiềm năng lớn để có thể bứt phá.

Số liệu tại Diễn đàn cho thấy, quy mô kinh tế số Việt Nam năm 2021 đạt 21 tỷ USD. Dự báo đến 2025, Việt Nam đứng thứ nhì Đông Nam Á (54 tỷ USD), chỉ thua Indonesia (146 tỷ USD), đứng trên Thái Lan.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã sẵn sàng thích nghi với sự thay đổi để đón cơ hội bứt phá trong thời gian tới. “Đại dịch Covid-19 bùng phát đã đặt cộng đồng DN trong bối cảnh khác. DN hiện nay không chỉ đối mặt với vấn đề trực tiếp của ngành mình mà vấn đề dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cạnh tranh trên thế giới ngày càng tăng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn của ông Tuấn, hiện có 5 xu hướng thay đổi của DN. Thứ nhất, DN thích ứng tốt hơn: biến đổi khí hậu VN là 1 trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu; Thứ hai, DN sẽ phải hướng nội hơn, xu hướng bảo hộ các quốc gia rõ nét, các nước sử dụng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước. Trong khi đó VN được đánh giá là thị trường lớn, nhiều tiềm năng, xu hướng DN sẽ quay trở lại thị trường trong nước; Thứ ba là xu hướng kinh doanh xanh, sản xuất xanh, bền vững. Đây cũng là xu hướng của thế giới; Thứ tư môi trường kinh doanh và hoạt động kinh doanh phải nhân văn hơn, vì con người hơn. Do đó những ngành nghề quan trọng như y tế, sức khoẻ, khoa học phải hướng đến con người. Thứ năm, DN đang đẩy mạnh chuyển đổi số.

“Trước đây, chuỗi sản xuất chỉ xuất hiện ở các nước lớn, thì nay họ đã cơ cấu lại và dịch chuyển các chuỗi cung ứng đó sang Việt Nam. Vì vậy, mô hình kinh doanh cũ đã không còn phù hợp với DN trong nước. Thay vào đó, DN phải thích nghi với chuyển đổi số, làm việc từ xa. DN đã sẵn sàng cho sự thay đổi này”, đại diện VCCI khẳng định.

Hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế số

Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, một trong số các giải pháp chủ yếu cho phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế, đó là tăng cường và đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, đặc biệt khối DN, phát triển hệ sinh thái cho chuyển đổi số và kinh tế số, kết hợp thị trường Nhà nước, DN.

"Đây là cơ hội vàng nên phải tăng cường đầu tư, bằng vật chất, nguồn lực, cải thiện và hoàn thiện về thể chế, trong đó có thí điểm về thể chế cho đổi mới sáng tạo, cho các nhà khoa học nghiên cứu. Chúng ta cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài, nâng cao kỹ năng số. Làm sao có các giải pháp, chính sách tạo ra Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số", Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.

Bên cạnh sự chủ động của DN, các chuyên gia cho rằng, cần phải có chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế số. Cụ thể, xác định phát triển kinh tế số là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo cơ chế thúc đẩy thương mại điện tử (sàn giao dịch điện tử, vận tải công nghệ, chợ đầu mối trực tuyến...); hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số (đào tạo nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ, tư vấn/định hướng ứng dụng công nghệ/số hoá quy trình quản trị doanh nghiệp…), tăng cường triển khai các chương trình đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, marketing số…

Khẳng định DN là trụ cột của nền kinh tế, sức khoẻ DN gắn liền với sức khoẻ của nền kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, trong thời gian qua cộng đồng DN đã có bước tăng trưởng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đã sánh vai với DN thế giới. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến sức khoẻ DN đã bào mòn.

"Vì vậy, bên cạnh các gói hỗ trợ chính sách cho người dân và DN, thời gian tới việc xây dựng chính sách để phục hồi và phát triển kinh tế cũng cần hướng tới những chính sách hỗ trợ cho chuyển đổi số, thương mại điện tử", ông Thanh nói.

Theo/vnbusiness.vn