Chuyển đổi số: Từ thách thức đến cơ hội của nông dân
Chuyển đổi số nông nghiệp khác với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Cần có quy trình và cách làm để người nông dân có thể tiếp cận được nhanh nhất với công nghệ.
Nông dân tại tỉnh Đồng Tháp dùng máy bay không người lái (Drone) để chăm sóc ruộng lúa - Ảnh: VGP/Đỗ Hương.
Nông dân đối diện với những thách thức chuyển đổi số
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX hữu cơ Bình Minh, tỉnh Bắc Giang cho biết: HTX hữu cơ Bình Minh có 4 trang trại với tổng diện tích khoảng 4,5 ha; quy mô trang trại có 1.000 con lợn nái, 10.000 con lợn thương phẩm. Hiện nay HTX áp dụng chuyển đổi số từ khâu chế biến rồi quay ngược lại khâu chăn nuôi.
Theo đó, việc quản lý sản xuất các sản phẩm chế biến như thịt lợn, giò lụa, chả lụa và xúc xích heo thảo dược... được gắn 34 mã truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Thông qua đó, người tiêu dùng nắm được các thông tin chi tiết của từng sản phẩm, từ đó tạo ra tính minh bạch của sản phẩm, tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng trong thời đại công nghệ số.
Công tác quản lý hệ thống trang trại được thực hiện toàn bộ trên hệ thống phần mềm quản lý trang trại từ đó HTX theo dõi được toàn bộ hoạt động của trang trại như: thông tin chi tiết về từng con vật (số hiệu, phả hệ, giống, tuổi, trạng thái sức khỏe ...), lập lịch theo dõi và ghi chép quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, theo dõi tiêm chủng phòng trị bệnh của đàn lợn.
Nhờ ứng dụng chuyển đổi số, HTX chăn nuôi ngày càng hiệu quả. Doanh thu mảng giết mổ, chế biến thịt năm 2023 đạt khoảng 41 tỷ đồng. HTX tạo việc làm cho 11 lao động chính thức và 31 công nhân thời vụ với mức lương bình quân đạt khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Ngọc Hải cũng chỉ ra những khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách để áp dụng vào HTX, chi phí hạ tầng ban đầu cho hệ thống áp dụng chuyển số và truy xuất nguồn gốc còn cao so với quy mô sản xuất của HTX. Bên cạnh đó khả năng chủ động tiếp cận với công nghệ số của nhiều nông dân còn hạn chế, cần có sự hỗ trợ về tập huấn, đào tạo.
"Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách, đặc biệt là các chính sách về tín dụng hỗ trợ các HTX, người nông dân mạnh dạn áp dụng chuyển đổi số và hệ thống truy xuất nguồn gốc vào trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo giá những giá trị mới cho các sản phẩm nông nghiệp. Thứ hai cần hỗ trợ công tác đào tạo trang bị cho người nông dân những kiến thức về chuyển đổi số và hệ thống truy xuất nguồn gốc. Thứ ba cần có các chương trình, dự án xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin ở vùng nông thôn để người dân nông thôn có cơ hội tiếp cận nhanh hơn với chuyển đối số", Giám đốc HTX hữu cơ Bình Minh đề nghị.
Ngày 25/6, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học cơ hội và thách thức đối với nông dân trong chuyển đổi số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.
Bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện có nhiều vấn đề về khó khăn, hạn chế, thách thức liên quan tới người nông dân khi thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp. Khó khăn chủ yếu là nhận thức về tầm quan trọng, hiệu quả của chuyển đổi số còn hạn chế, cùng với đó để thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân cần có kiến thức, kỹ năng về công nghệ và quản lý dữ liệu.
Bà Thơm cũng nhìn nhận chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp chưa phù hợp, chưa kịp thời, chưa quan tâm việc hỗ trợ cho các hợp tác xã và nông dân ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc.
Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, canh tác chủ yếu vẫn dựa theo phương pháp truyền thống và phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân, trình độ khoa học kỹ thuật của nông dân hạn chế, vì thế sự chuyển đổi thái độ, chấp nhận và thích nghi với các công nghệ mới có thể là một thách thức.
Chuyển đổi số: Cơ hội cho nông dân
Hiện nay, ngày càng nhiều nông dân trên cả nước, nhất là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào quản lý, tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản, trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, mang lại những kết quả hết sức khả quan.
Nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được nông dân giỏi áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên đất, nước, phân bón… để dần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Ông Đặng Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp Bộ NN&PTNT cho rằng có 3 hoạt động Hội Nông dân cần thực hiện đó là: Khai thác dữ liệu từ hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ NN&PTNT phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn; hỗ trợ các hội viên, nông dân công cụ truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là các HTX; tập huấn, đào tạo, hướng dẫn triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc với hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn.
Đối với người nông dân có 5 hoạt động cần thực hiện, đó là: Thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc; công dân số; tham gia các HTX; tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản; tham gia hệ thống khuyến nông phục vụ sản xuất.
Theo thống kê của Bộ KH&CN hiện mới có 38/63 địa phương triển khai truy xuất nguồn gốc. Mặc dù thời gian qua, các cơ quan liên quan đã tập trung xác định những nhiệm vụ cần triển khai, phương án và phân công trách nhiệm Bộ, ngành, các bên liên quan trong quá trình quản lý và thực thi hoạt động truy xuất nguồn gốc một cách bài bản, hiệu quả; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc nhưng vẫn còn khó khăn, thách thức trong tiến hành các nội dung về đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về truy xuất nguồn gốc.
Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, hiện nay, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo rất quyết liệt và đầu tư chuyển đổi số nông nghiệp ở cấp tỉnh trước rồi nhân rộng, trước mắt Bộ NN&PTNT đang thực hiện thí điểm ở tỉnh Đồng Tháp.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, hiện nay cơ hội về ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp của nông dân rất lớn. Trong đó, cơ hội về nhu cầu của người dùng và người sản xuất về truy xuất nguồn gốc hiện nay rất nhiều.
Bên cạnh những cơ hội, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng chỉ ra thách thức đó là sản xuất manh mún, chúng ta có 9,6 triệu hộ gia đình nhưng có đến 24 triệu mảnh ruộng. Tư duy và thói quen trong sản xuất nông nghiệp của nông dân và khả năng ứng dụng công nghệ rất thấp. Thứ 3, chi phí ứng dụng chuyển đổi số cao nhưng lợi ích không rõ ràng.
"Chúng ta phải xác định chuyển đổi số khác với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; vấn đề đặt ra là quy trình và cách làm. Làm thế nào để trong 1 khai báo truy xuất nguồn gốc, người nông dân phải khai báo ít nhất. Để làm được điều này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; Chính phủ, các bộ ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị, trong đó có vai trò rất lớn của Hội Nông dân Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho biết: Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân Việt Nam sẽ tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức cho nông dân về chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong nông nghiệp. Các cấp Hội cũng đẩy mạnh tuyên tuyên truyền vận động, hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất.
Theo Báo điện tử Chính phủ
https://baochinhphu.vn/chuyen-doi-so-tu-thach-thuc-den-co-hoi-cua-nong-dan-102240625192004441.htm