Chuyển Học viện CN BCVT về Viettel: Tốt nhất là đối tác của nhau
Tiếp theo tin Xã hội Thông tin đã đưa về đề nghị chuyển Học viện CN BCVT (Học viện) về Viettel của Bộ Quốc phòng, trong mấy ngày qua, xã hội tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.
Về việc này, Báo điện tử Vietnamnet đã có một cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son. Bộ trưởng cho biết, Bộ đang thực hiện tái cơ cấu VNPT theo Đề án tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty theo Quyết định 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Và việc tách Học viện ra khỏi Tập đoàn VNPT, đưa về trực thuộc Bộ TT&TT là đúng chủ trương.
Quang cảnh Học viện CN BCVT lúc tan trường - Ảnh Internet.
Đáng chú ý là, để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc tách bạch giữa kinh doanh và hoạt động công ích, không để đơn vị sự nghiệp nằm trong doanh nghiệp, phải sau 3 phiên họp của Thường trực, Ban cán sự đảng Chính phủ (vào ngày 7/8/2013, 14/8/2013 và 31/3/2014), Học viện CN BCVT mới chính thức được quyết định tách ra khỏi Tập đoàn VNPT để đưa về trực thuộc Bộ. Cùng đó, hai Trường Trung cấp BCVT và CNTT cũng đã được Thủ tướng quyết định điều từ Tập đoàn VNPT về hai tỉnh Hà Nam và Thái Nguyên. Còn Bệnh viện Bưu điện được tách khỏi Tập đoàn VNPT về trực thuộc Bộ Y tế.
Kể từ ngày 1/7/2014, Học viện CN BCVT chính thức về Bộ TT&TT. Học viện đang được Bộ tập trung củng cố, phát triển đúng với yêu cầu trong Quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: "Chỉ đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hoạt động bảo đảm cân đối thu chi, không sử dụng ngân sách nhà nước". Theo đó, Bộ đang tập trung xây dựng Học viện thực sự là đơn vị sự nghiệp công lập, từng bước trở thành một trung tâm đào tạo lớn của Ngành, của đất nước trong việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực về CNTT, truyền thông cho xã hội nói chung và cho Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel nói riêng.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, việc Bộ Quốc phòng đề xuất xin Học viện CN BCVT về Tập đoàn Viettel cũng chỉ là một phương án. Nếu Thủ tướng không chấp thuận việc này, Học viện vẫn thuộc Bộ như Quyết định 888/QĐ-TTg, ông tin tưởng rằng Lễ ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược giữa Viettel và Học viện CN BCVT sẽ sớm được tổ chức, và đây chắc chắn sẽ là phương án tốt nhất: “Là đối tác của nhau”.
Cũng đề tài này, báo Tuổi trẻ và nhiều tờ/trang báo khác đã dẫn ý kiến của các nhà quản lý, giáo sư, tiến sỹ có tâm huyết với lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Chẳng hạn, GS.TS khoa học Hoàng Xuân Sính - Chủ tịch HĐQT Đại Học Thăng Long cho rằng, tốt nhất hai bên nên là hai đối tác độc lập hợp tác với nhau. Viettel có thể hỗ trợ tài chính để đặt hàng phía Học viện để nghiên cứu một vấn đề nào đó như một dạng hợp đồng. Hoặc ngay cả khi không cần đặt hàng, phía doanh nghiệp vẫn có thể tài trợ những đề tài nghiên cứu mà Học viện cần. Đó chính là cách hợp tác lâu dài của 2 bên.
Hay, theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, việc kết hợp giữa doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, trường đại học sẽ mang đến những hiệu quả có lợi cho cả đôi bên. Tuy nhiên, cách Bộ quốc phòng đề nghị Viettel trực tiếp quản lý Học viện CN BCVT lại chưa phù hợp, gây nên những bất ngờ và hoang mang cho sinh viên cũng như cán bộ giảng dạy tại đây. Ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, nếu có sự đầu tư của doanh nghiệp cho một trường đại học thì sẽ mang lại nhiều mặt tích cực. Còn nếu có sự sáp nhập và quản lý thì hai bên phải bàn bạc thật kỹ. Nếu không, môi trường đại học sẽ bị “kinh doanh hóa” và bị ảnh hưởng bởi cơ chế kinh doanh của doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến chất lượng và chức năng vận hành vốn có của trường đại học.
Thanh Trà (tổng hợp)