Chuyện một “bác sĩ” Mobile

00:00, 22/03/2010

Tốt nghiệp khoa Luật Kinh tế, trường Đại học Phương Đông năm 1999, ra trường, anh bắt tay ngay vào… kinh doanh điện thoại. 5 năm trên thương trường, anh quyết định đi học, học để biết về sửa điện thoại di động, để khi cần, biết mà thuê thợ. Học sửa điện thoại một năm, đã có lúc muốn bỏ cuộc. Nhưng, duyên đời đã dẫn đường cho anh trở thành thợ sửa điện thoại thực thụ…

Nghề “Lọ mọ”

Cuối năm 2004, sau gần 5 năm lăn lộn trên thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ), anh Nam quyết định đi học lấy cái nghề, nghề Sửa ĐTDĐ. Khi còn kinh doanh ĐTDĐ, biết có người sửa ĐTDĐ tốt, rất giỏi nghề, anh đã tìm đến xin học nghề, ở một trung tâm sửa chữa điện thoại khá uy tín và chuyên nghiệp bấy giờ, ở 139 Nguyễn Thái Học. Một thầy, một trò, cứ thế, miệt mài suốt một năm trời, thực hành không ngơi nghỉ.

Chia sẻ về nghề, anh Nam cho biết: “Đây là một nghề khó, đòi hỏi tư duy có chiều sâu, kiên nhẫn, tỉ mỉ. Có khi ngồi cả ngày chỉ để “thăm bệnh” một chiếc điện thoại. Đã rất nhiều người học được một thời gian, có khi chưa đầy tháng đã bỏ cuộc vì không thể kiên nhẫn mà rèn cho: Mắt sáng, lưng thép và đôi bàn tay khéo léo, tài tình, chính xác đến từng chi tiết. Sửa chữa ĐTDĐ, cơ bản cũng như nghề kim hoàn vậy, cần cặm cụi, tỉ mỉ, nhưng đòi hỏi cao hơn là cần có kiến thức và am hiều về điện tử, cơ khí chính xác”. Thời anh đi học nghề, rất khó tìm một trung tâm đào tạo nghề bài bản. Nên chỉ có qua quen biết, và thực sự có nhân duyên, thì Thầy-Trò mới gặp nhau. Học một thầy một trò, chỉ toàn là học thực hành, từ dễ đến khó, từ tháo lắp cơ bản, đến sửa chữa, hàn, thay thế linh kiện, phụ kiện… Cứ liên quan đến ĐTDĐ là anh học. Cả ngày học thực hành, “khám rồi phá”, tối đêm mới mò mẫm tìm tài liệu học lý thuyết, lúc học trên mạng, hôm thì lang thang đi tìm tài liệu, không chỗ nào là không lọ mọ.  

Đã có lúc, nản, rất nản vì thất bại liên tục, không ít lần bỏ tiền túi ra đền vì làm hỏng máy, anh muốn dừng lại lắm, như bao người đã từng bỏ cuộc. Nhưng vượt lên tất cả, anh lại cặm cụi, miệt mài, rồi quen dần. Và cứ như thế, sau một năm, anh “tốt nghiệp”, sẵn sàng trên con đường sửa ĐTDĐ chuyên nghiệp. “Ra trường”, anh được nhận vào làm ngay cho Anh Vũ Mobile, ở Chùa Bộc. Được một năm gắn bó với công ty Anh Vũ, duyên nghiệp đã dẫn anh ra ở riêng. Năm 2006, anh chính thức là chủ một “phòng mạch” nhỏ, chuyên ĐTDĐ, ở 563A Kim Mã, hotline: 0903 28 58 28.

Tiếp tục về nghề, anh Nam nói: Khi “bắt bệnh” được ở ĐTDĐ, sẽ thấy các triệu chứng nó liên quan đến nhau, rất có tính hệ thống. Chữa được bệnh này, sẽ phát sinh bệnh kia, nên rủi ro rất cao. Nhiều khi, do máy cũ, linh kiện đã “quá đát”, chưa kịp đụng chạm gì, máy đã quay đơ. Hơn nữa, sửa ĐTDĐ, khó nhất là khi phải thay linh kiện mà đụng tới vi mạch, nan giải là lúc cần phải hàn keo chống thấm nước, cần hết sức tập trung, nhẹ nhàng và kiên nhẫn. Sơ sảy, “Dã Tràng xe cát ngay”.

Chuyện buồn, vui…

Học xong, anh đi làm một thời gian rồi chính thức ra ở riêng. Khi đó, thợ sửa điện thoại lành nghề, chuyên nghiệp chỉ lác đác trên đầu ngón tay. Mới đầu, “phòng mạch” cũng thưa thớt khách, bởi vị trí khá bất lợi, không nằm trên tuyến phố chính, đường lại ngược. Nhưng sau vài tháng, khách đã đến nhiều hơn, tất nhiên, không gì ngoài mục đích cứu “dế cưng” của mình. Nghề nào cũng lắm chuyện buồn vui, kể ra có mà cả năm không hết chuyện. Nhớ lại từng kỷ niệm, có câu chuyện buồn nhưng phải phì cười: Thường, khi đi sửa ĐTDĐ, khách hàng hầu như không để ý đến các phụ kiện như pin, thẻ nhớ. Chỉ khi sửa xong, đến nhận lại máy, mới chú ý, xem xét kỹ lưỡng như… chưa bao giờ thấy. Và không ít lần, khách hàng thắc mắc bị đổi pin? Anh lại cẩn thận dán tem của cửa hàng lên pin, nhẹ nhàng nói với khách hàng mang pin lên hãng kiểm tra, và chẳng có ai quay lại hỏi thêm gì cả. Nhưng, có lần, khách khi nhận lại máy, xem pin, giật mình khi thấy trên pin có chữ “Made in China”, nhất mực nói pin xịn của tôi đâu rồi, đây là pin rởm… Anh lại phiền khách lên hãng kiểm tra lại. Xong thủ tục ở hãng, rõ ràng pin xịn rồi, nhưng khách vẫn quay lại, ừ, pin xịn nhưng không phải của tôi. Anh đành bấm bụng nín cười, đổi cho khách pin khác. Thực ra, pin mà ghi rõ Made in China, và có tem cửa hãng là pin xịn rồi, nhưng khách hàng mấy ai để ý đâu. Anh Nam vui vẻ, nhắc lại câu chuyện buồn… cười ra nước mắt.

Suốt 5 năm trong nghề “bác sĩ Mobile”, tiếng lành đồn xa, khách hàng không hẹn mà đến. Có những người ở rất xa cũng sẵn sàng tìm đến phòng mạch của anh. Có những người là chủ cửa hàng ĐTDĐ, cũng không ngại dành thời gian, đích thân đến tận nơi. Mới đây, anh vừa sửa và thay cable màn hình cho 2 con iPhone, chủ nhân là anh Đinh Văn Châu, cửa hàng điện thoại ở 380 Xã Đàn. Gặp anh Châu, hỏi về “bác sĩ Nam”, anh Châu cho biết: “Không bởi biết anh Nam từ trước, mà tôi thấy anh Nam sửa điện thoại rất tốt. Khi đã “khám” cẩn thận, anh Nam khẳng định, yên tâm chắc chắn sửa được, bận quá thì cứ để máy lại, anh kiểm tra xong, sẽ thông báo tình hình cụ thể. Hơn nữa, anh Nam không chỉ nhiệt tình, mà còn rất “Y đức” nữa. “Bệnh nhân” nào phải lưu trú dài hạn, thì chủ nhân cứ yên tâm. “Chữa” khỏi hẳn, bác sĩ sẽ gọi điện cho chủ nhân đến nhận máy, lại “như mới”, và quan trọng là, khách hàng không phải bận tâm về linh kiện, phụ kiện. Chữ Tín đã trở thành từ duy nhất khi tôi đến cửa hàng của anh Nam. Tôi rất yên tâm khi mang ĐTDĐ đến phòng mạch của bác sĩ Nam. Nhanh, nhiệt tình, chu đáo, “viện phí” hợp lí, đó là những từ ít ỏi tôi muốn nói”.

5 năm, “phòng mạch” của anh Nam đã cứu thành công hàng ngàn ca, với đủ loại “bệnh nhân”. Từ hàng bình dân, đến cao cấp, anh đều sửa tốt. Gắn với anh, là những tên tuổi điện thoại quen thuộc như Nokia, Sony Ericsson, Samsung… Gần đây, khi “quả táo” đang rầm rộ trên thị trường, anh cũng đã rất thành công với những “bệnh nhân” họ iPhone. Đây là dòng máy khó “chơi” nhất, vì là sản phẩm mới, công nghệ hiện đại, và chưa có tài liệu sửa chữa, không có sơ đồ mạch nên phải tự đo, mày mò, ngoài kinh nghiệm, cần hết sức tỉ mỉ và kiên nhẫn, khi sửa điện thoại di động họ nhà Táo này. Chỉ riêng năm 2009, anh đã “cứu” thành công hơn 100 chiếc iPhone.

Box: Nghề sửa điện thoại di động mới phổ biến 2 năm trở lại đây. Từ khoảng giữa năm 2008, xuất hiện nhiều những Trung tâm dạy nghề sửa chữa điện thoại. Thế nhưng, qua tìm hiểu thực tế, các Trung tâm sửa chữa điện thoại đào tạo nặng về lý thuyết hơn là thực hành. Học viên rất ít có cơ hội thực tế để nắm bắt và nâng cao kỹ năng sửa điện thoại di động. Không như giai đoạn đầu những năm 2000, Trung tâm dạy nghề ít, nhưng chuyên nghiệp và “truyền nghề” là chính, lý thuyết, sách vở, ai theo nghề thì tự học mà thôi.

Ngọc Linh