Công bố 26 khung hướng dẫn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ
VINASA cho biết thêm, sau 4 tháng xây dựng với sự đóng góp của hơn 40 chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp CNTT cung cấp dịch vụ chuyển đổi số, bộ tài liệu hướng dẫn với 26 lĩnh vực riêng biệt thuộc 03 khối thương mại, dịch vụ và sản xuất (quy mô nhỏ) đã được hoàn thành.
Sáng 2/12, trong khuôn khổ Diễn đàn Chuyển đổi số Việt Nam (Vietnam DX Summit) 2021 đã diễn ra Lễ công bố 26 Khung hướng dẫn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thuộc 26 lĩnh vực.
Khung hướng dẫn chuyển đổi số (CĐS) cho mỗi lĩnh vực bao gồm 5 phần cơ bản: Thực trạng và xu hướng phát triển; Khung hướng dẫn chuyển đổi số, Bộ giải pháp chuyển đổi số, Khuyến nghị những kỹ năng số cần đào tạo cho nhân sự, và Bộ tiêu chí đánh giá.
Thực trạng và xu hướng phát triển
Phần này đưa ra cái nhìn cái nhìn tổng thể về thực trạng, mô hình, loại hình doanh nghiệp trong từng lĩnh vực, và quan trọng hơn là đưa ra được những xu hướng phát triển của ngành đó trong thời gian tới.
Khung hướng dẫn CĐS
Đây là phần quan trọng nhất. Mỗi khung hướng dẫn được chia làm 2 loại: Khung giải pháp cơ bản và Khung giải pháp chuyên dụng
Khung giải pháp cơ bản: Là các giải pháp và dịch vụ CĐS cơ bản, nền tảng hầu hết lĩnh vực nào cũng cần sử dụng như phần mềm Tài chính kế toán, Kinh doanh/Marketing, quản trị Nhân sự, quản lý điều hành nói chung.
Khung được chia làm 3 cấp độ cho 3 quy mô doanh nghiệp: siêu nhỏ, nhỏ, và vừa, để các doanh nghiệp có thể thấy mình cần gì ở từng quy mô.
Khung giải pháp chuyên dụng: Là các giải pháp chỉ ngành nghề/lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mới cần sử dụng, chẳng hạn như Phần mềm bán hàng cho Lĩnh vực Bán lẻ; Phần mềm quản lý khách sạn cho Lĩnh vực Du lịch; Phần mềm quản lý sản xuất cho doanh nghiệp có nhà máy sản xuất…
Bộ giải pháp này được chia làm 3 cấp độ, chính là 3 cấp độ CĐS cho một doanh nghiệp.
Cấp độ 1: Sẵn sàng. Ở cấp độ này, các hoạt động thiết yếu như kinh doanh/bán hàng, sản xuất, cung cấp dịch vụ cho khách hàng đều sử dụng nền tảng/giải pháp số.
Cấp độ 2: Phát triển. Cấp độ này hướng đến ứng dụng CĐS giúp tự động hóa nâng cao năng suất, như Tự động hóa bán hàng và vận hành nội bộ, triển khai Mobile App cho khách hàng & nhân viên. Mọi Dữ liệu tập trung trên cloud để làm nền tảng cho cấp độ 3.
Cấp độ 3: Đột phá. Cấp độ này sử dụng dữ liệu/Big Data, AI để phân tích dự báo kinh doanh, từ đó phát hiện thị trường mới, phát triển sản phẩm và dịch vụ mới; giúp doanh nghiệp phát triển đột phá.
Bộ tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp SMEs thuộc 26 lĩnh vực.
Bộ giải pháp
Ứng với mỗi công cụ các doanh nghiệp SME cần trong các cấp độ chuyển đổi số, VINASA xây dựng một bộ giải pháp kèm theo.
Đây chính là những giải pháp chất lượng không chỉ được lựa chọn kỹ lưỡng mà còn đã từng được thẩm định qua các giải thưởng uy tín như Giải thưởng Sao Khuê.
Khuyến nghị kỹ năng số cần đào tạo
CĐS thành công hay không thì con người vẫn là yếu tố quyết định. Vì vậy, tất cả các tài liệu đều đưa ra khuyến nghị những kỹ năng số cần được đào tạo cho các lãnh đạo, cán bộ nhân viên.
Các nhân sự được phân loại theo yêu cầu hệ thống và theo trình độ để đào tạo.
Bộ tiêu chí đánh giá
Đây là một số tiêu chí để các doanh nghiệp SMEs có thể tự đánh giá mức độ chuyển đổi số của mình.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Lữ Thành Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Chủ tịch Hội đồng chuyên gia xây dựng Khung hướng dẫn CĐS cho các doanh nghiệp SME cho biết: “Hội đồng hướng đến mục tiêu tạo ra một bộ bản đồ CĐS bài bản, đầy đủ nhưng đơn giản từ phương pháp luận đến giải pháp cụ thể.
Bản đồ này sẽ giúp doanh nghiệp SME dù ở bất cứ quy mô nào, thuộc ngành nghề hoạt động gì cũng có thể xem và biết mình đang ở đâu, lộ trình CĐS của mình sẽ như thế nào và cần chuẩn bị hành trang gì, hành trang đấy ai cung cấp”.
Toàn bộ tài liệu sẽ được phát hành công khai và hoàn toàn miễn phí trên website www.dx4sme.vn. Các doanh nghiệp SME có thể tải tài liệu để nghiên cứu và có thể trực tiếp đăng ký kết nối, yêu cầu tư vấn chuyên sâu trên website.
Theo ông Lữ Thành Long, việc cho ra đời 26 bộ tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số cho 26 ngành nghề chưa phải là đích đến cuối cùng của Hội đồng xây dựng.
Ông Lữ Thành Long, Phó Chủ tịch VINASA, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia xây dựng Khung hướng dẫn CĐS cho các doanh nghiệp SME.
Được sự hưởng ứng và bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng sự đồng hành của Hiệp hội và doanh nghiệp, VINASA sẽ cùng các thành viên hội đồng, các doanh nghiệp, phối hợp cùng các ban, ngành, hiệp hội… thực hiện các chương trình tập huấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp SME theo từng ngành, từng lĩnh vực chuyên biệt để hướng đến mục tiêu.
Ngay trong lễ công bố, VINASA đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 3 hiệp hội: Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme), và Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA) để triển khai các chương trình CĐS cho các doanh nghiệp hội viên.
Tính đến tháng 12/2020, Việt Nam có hơn 811.000 doanh nghiệp. Doanh nghiệp SMEs chiếm tới 98,1% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp tới 45% GDP. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, qua các đợt đại dịch Covid-19 bùng phát, có trung bình 10.000 doanh nghiệp dừng hoạt động mỗi tháng, hầu hết trong số này cũng là các doanh nghiệp SME. Đây là một thành phần quan trọng nhưng lại dễ bị tổn thương nhất trong nền kinh tế. Chuyển đổi số được xem làm một trong những giải pháp then chốt giúp SMEs từ sống sót đến bứt phá.
Đến nay, Chuyển đổi số đã trở thành một khái niệm phổ biến, một vấn đề nóng từ trong các chương trình nghị sự cấp cao đến những câu chuyện thường ngày của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, khảo sát của VINASA tại Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020, cho biết 69% doanh nghiệp được khảo sát không biết lựa chọn đối tác nào để triển khai chuyển đổi số, 72% không biết bắt đầu từ đâu, 92% không biết chuyển đổi số như thế nào.
Hiểu được khó khăn chồng khó khăn của các doanh nghiệp SMEs, VINASA đã thành lập hội đồng chuyên gia xây dựng Khung hướng dẫn Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp SMEs bao gồm gần 40 chuyên gia là lãnh đạo cao cấp các doanh nghiệp công nghệ đang dẫn đầu về Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực MISA, SAPO, SSG, Bravo, FSI, An Vui, Nexttech, FPT, Viettel, VNPT, VCCorp, Hài Hòa, Getfly, VietISO, BASE, SmartLog, Savis, EzCloud, FSI….
Hội đồng đã lựa chọn và phân nhóm chuyên gia theo kinh nghiệm thực tiễn triển khai chuyển đổi số cho từng ngành. Kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn, thực trạng và xu hướng phát triển của từng ngành nghề và tham khảo mô hình tham chiếu, 26 lĩnh vực đã được lựa chọn để xây dựng khung chuyển đổi số phù hợp nhất với SMEs của Việt Nam.
Chân Hoàn (T/h)