Thiết bị mạng 5G “make in Vietnam” được thương mại hóa
Ngày 13/11, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech, thuộc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội - Viettel) đã công bố thương mại diện rộng trạm phát sóng 5G Open RAN “Make in Vietnam, Made by Viettel”. Đây là trạm phát sóng 5G Open RAN đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset Qualcomm, do Viettel và Qualcomm đồng nghiên cứu phát triển…
Theo đó, ngay từ đầu năm 2025, Viettel sẽ triển khai hơn 300 trạm 5G Open RAN tại một số tỉnh thành, tiến tới mở rộng quy mô lớn tại Việt Nam và thị trường quốc tế từ năm 2025.
Viettel cho biết, những trạm phát sóng đầu tiên được triển khai đã chứng minh được các ưu điểm của công nghệ Open RAN. Các chỉ số kỹ thuật về tốc độ download, upload, vùng phủ sóng, số lượng người dùng, độ tiêu hao năng lượng, cho thấy chất lượng của mạng Open RAN do Viettel phát triển đã đạt đến mức tương đương với những mạng 5G truyền thống, trong khi đó chi phí đầu tư hạ tầng và vận hành khai thác tối ưu hơn. Những yếu tố này có vai quan trọng để phổ cập hóa công nghệ 5G trên mọi miền đất nước.
Sự kiện công bố thương mại diện rộng trạm phát sóng 5G Open RAN “Make in Vietnam, Made by Viettel” của Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel ngày 13/11.
Việc đưa vào triển khai các trạm phát sóng 5G Open RAN, Viettel High Tech đã hoàn thiện danh mục các giải pháp 5G trọn bộ từ mạng lõi (core network) đến các khối vô tuyến (RAN). Viettel High Tech có thể cung cấp toàn bộ giải pháp cho khách hàng triển khai mạng riêng (private network) hoặc mạng công cộng (public network).
Tại sự kiện, ông Nguyễn Minh Quang, Phó tổng giám đốc Viettel High Tech, cho biết Viettel High và đối tác chiến lược Qualcomm đã làm chủ công nghệ Open RAN và sẵn sàng thương mại hóa thiết bị trạm gốc 5G gNodeB, dựa trên nền tảng chipset tiên tiến từ Qualcomm.
Theo ông Quang, việc tự chủ công nghệ và sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là sứ mệnh của Viettel, đưa Việt Nam tiến xa hơn trong chiến lược quốc gia “Make in Vietnam”.
Trạm phát sóng 5G của Viettel.
Ông Nguyễn Vũ Hà, Tổng Giám Đốc Viettel High Tech, cho biết giải pháp mạng 5G Open RAN của Viettel đã đạt đến mức độ thương mại hóa sau quá trình phát triển và thử nghiệm nghiêm ngặt. “Hợp tác giữa Viettel High Tech và Qualcomm Technologies đã giúp rút ngắn chu kỳ phát triển sản phẩm nhiều năm, qua đó giúp cả hai bên cung cấp các giải pháp 5G chất lượng cao, chi phí hiệu quả cho thị trường quốc tế và xây dựng một hệ sinh thái bền vững”, ông Hà cho hay.
Theo ông Durga Malladi, Chủ tịch cấp cao kiêm Tổng giám đốc mảng 5G của Qualcomm Technologies, những công nghệ mới nhất của Viettel và Qualcomm được áp dụng trong các khối vô tuyến và hệ thống quản lý mạng tự động sẽ đem đến tính linh hoạt, hiệu năng cao, đồng thời giảm chi phí đầu tư cho các mạng 5G.
Ông Julian Gorman, Trưởng bộ phận khu vực Châu Á Thái Bình Dương của GSMA, đánh giá Open RAN mang lại một cơ hội biến đổi cho ngành di động để tăng tốc đổi mới mạng, nâng cao tính cạnh tranh và cho phép triển khai hạ tầng bền vững.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết trước đây 90% trạm gốc - tức là 90% trong số hơn 300.000 trạm gốc ở Việt Nam do ba nhà cung cấp: Nokia, Ericsson và Huawei đảm nhận. Rất khó để một nhà cung cấp mới tham gia. Điều này không phải vì vấn đề tiêu chuẩn 4G; 3GPP đã phát hành nhiều tiêu chuẩn LTE và tất cả các nhà cung cấp đều có chứng nhận. Nhưng chính khả năng tương tác đã khiến cho các nhà cung cấp mới khó gia nhập thị trường.
Vì thế, theo ông Nghĩa, OpenRAN đại diện cho một phương pháp tiếp cận mang tính cách mạng trong ngành viễn thông, tạo ra một mạng truy cập vô tuyến mở, linh hoạt và không phụ thuộc vào một nhà cung cấp cụ thể. OpenRAN giúp tách biệt phần cứng và phần mềm, cho phép các nhà mạng sử dụng phần cứng chuẩn hóa và kết hợp các giải pháp phần mềm từ nhiều nhà cung cấp. Điều này không chỉ gia tăng tính linh hoạt mà còn giảm sự phụ thuộc vào hệ sinh thái của một nhà cung cấp duy nhất. Điều này cũng rất phù hợp với chính sách của chính phủ Việt Nam về chủ quyền và khả năng chống chịu trong mạng viễn thông.
Trong dự án phát triển trạm phát sóng 5G Open RAN, đội ngũ kỹ sư của Viettel High Tech và Qualcomm cùng tham gia vào các công đoạn thiết kế công nghệ lõi và ứng dụng vào sản phẩm. Đây là sản phẩm có hàm lượng công nghệ rất cao, là sự tổng hợp của nhiều kỹ thuật như vô tuyến, xử lý tín hiệu, tối ưu công suất, quản lý thiết bị.
Dự án được thực hiện bởi hơn 500 kỹ sư đầu ngành của hai tập đoàn từ các nước Việt Nam, Mỹ, Phần Lan, Israel, Ấn Độ, Đài Loan... Các kỹ sư của Viettel đảm nhiệm việc thiết kế hệ thống, phát triển phần mềm, phần cứng. Phía Qualcomm đảm nhiệm các hạng mục về chipset 5G. Không chỉ triển khai diện rộng tại Việt Nam từ đầu năm 2025, sản phẩm này cũng sẽ được hai bên triển khai tới các khách hàng quốc tế từ năm 2025.
Open RAN (mạng truy nhập vô tuyến - Radio Access Network - RAN) đã tạo điều kiện cho nhiều đối tác được tham gia vào việc nghiên cứu và sản xuất thiết bị viễn thông 5G - sân chơi trước đây vốn chỉ thuộc về một số ít nhà sản xuất trên thế giới. Open RAN thúc đẩy sự sáng tạo, đồng thời góp phần giảm chi phí đầu tư hạ tầng 5G. Open RAN đang tạo ra những thay đổi mang tính căn bản cho lĩnh vực viễn thông, tạo ra sân chơi mở và tạo điều kiện cho nhiều đối tác có thể tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu phát triển các giải pháp hạ tầng mạng 5G, 6G. |