Công nghệ - yếu tố quan trọng quyết định tăng trưởng năng suất trong dài hạn
Có nhiều cách giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu tăng năng suất được đưa ra như áp dụng các phương pháp quản lý, công cụ cải tiến năng suất,… trong đó, áp dụng công nghệ được xem là một trong những yếu tố quyết định quan trọng của tăng trưởng năng suất trong dài hạn.
Công nghệ được coi là xương sống giúp doanh nghiệp phát triển và tăng năng suất lao động. (Ảnh minh họa).
Tăng năng suất, thu được nhiều lợi nhuận hơn với đầu vào ít hơn là vấn đề cốt lõi của bất kỳ doanh nghiệp hay quốc gia nào trên thế giới. Đối với một quốc gia, tăng năng suất giúp cho Chính phủ có nhiều nguồn lực hơn để đầu tư trở lại đối với các dịch vụ công. Đối với doanh nghiệp, tăng năng suất dẫn đến tăng lợi nhuận, qua đó tăng thu nhập của người lao động.
Các chuyên gia đánh giá, logic đằng sau cải tiến năng suất rất đơn giản, đó là “tạo ra nhiều hơn, sử dụng ít hơn”. Làm nhiều hơn có thể bao gồm tăng đơn vị sản xuất (tạo ra nhiều đơn vị hơn) hoặc tăng giá trị sản xuất (tạo ra các đơn vị bán nhiều hơn).
Vì vậy, có nhiều cách giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu tăng năng suất được đưa ra như áp dụng các phương pháp quản lý, công cụ cải tiến năng suất,… trong đó, áp dụng công nghệ được xem là một trong những yếu tố quyết định quan trọng hơn của tăng trưởng năng suất trong dài hạn.
TS. Nguyễn Tùng Lâm - Viện trưởng Viện năng suất Việt Nam cho rằng, với một doanh nghiệp thì công nghệ luôn được coi là xương sống giúp doanh nghiệp phát triển và tăng năng suất lao động, điều này một lần nữa khẳng định vai trò của ứng dụng công nghệ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Ví dụ, đối với ngành dệt may, những năm gần đây, nhiều công ty may mặc đã trang bị máy móc hiện đại và tự động hóa một số công đoạn sản xuất, góp phần tăng năng suất và chất lượng hàng hóa. Chẳng hạn, Tổng Công ty May Bắc Giang LGG và Công ty Cổ phần May Hưng Việt đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các hệ thống thiết bị hiện đại vào khâu chuẩn bị sản xuất, giúp giảm 30%-45% thời gian và lao động.
Việc trang bị công nghệ hiện đại giúp ngành dệt may nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, việc áp dụng công nghệ chỉ cải thiện năng suất nếu được triển khai cùng với những thay đổi đồng thời trong cách thức thực hiện công việc. Nhiều nghiên cứu chỉ ra lợi nhuận được tạo ra bởi các khoản đầu tư vào công nghệ cho thấy tăng trưởng năng suất chỉ xảy ra khi công nghệ đi kèm với đổi mới quy trình kinh doanh phù hợp điều kiện cụ thể của doanh nghiệp. Trên thực tế, việc áp dụng công nghệ riêng rẽ không dẫn đến những thay đổi trong thực tiễn của doanh nghiệp, có rất ít, thậm chí có tác động tiêu cực đến năng suất.
Các chuyên gia cũng cho biết, trong giai đoạn tới, nâng cao năng suất lao động cần chú trọng đến cải thiện thể chế, chính sách, đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như đầu tư cho nguồn nhân lực. Cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) nhiều hơn, liên kết với nhau để tăng quy mô kinh tế và phát huy lợi thế so sánh. Đặc biệt, cần tận dụng cơ chế thị trường để đưa những sản phẩm khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và biến thành động lực cho tăng trưởng.