Công nghệ đang bỏ quên nhóm người cao tuổi
Già hóa dân số là vấn đề không thể tránh khỏi trên phạm vi toàn cầu, tuy nhiên, công nghệ lại chưa dành sự quan tâm đúng mức cho nhóm người cao tuổi.
- Các ông lớn công nghệ có cổ phiếu tăng mạnh nhất năm 2021
- Những "thất bại công nghệ" đáng chú ý nhất trong năm 2021
- Năm 2021 có những sự kiện công nghệ thông tin và truyền thông nổi bật nào?
- Dự báo những xu hướng công nghệ mới sẽ lên ngôi trong năm 2022
- Niềm vui khi người nông dân làm chủ công nghệ tài chính số
Già hoá dân số, câu chuyện không của riêng ai
Hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật sự dễ tổn thương đối với đối tượng người cao tuổi. Nhiều người trong chúng ta chỉ có thể nhìn thấy những người thân lớn tuổi của họ qua màn hình điện thoại hay máy tính. Cộng đồng công nghệ, những nhà sáng lập, đầu tư, hay báo chí, tất cả đều cần chú ý hơn tới công nghệ dành cho đối tượng này.
Các sản phẩm công nghệ dành cho người cao tuổi không phải dành cho thị trường ngách, khi vấn đề già hoá dân số là câu chuyện không của riêng quốc gia nào.
“Quá trình già hoá dân số bắt đầu ở các nước có thu nhập cao (ví dụ như tại Nhật Bản, 30% dân số đã trên 60 tuổi), thì hiện nay đã lan sang các nước có thu nhập thấp và trung bình”, trích báo cáo của WHO. Tổ chức này cũng đưa ra dự báo “đến năm 2050, 2/3 dân số thế giới, tập trung tại các nước thu nhập thấp và trung bình, sẽ trên 60 tuổi”.
Theo WHO, vấn đề toàn cầu hoá, sự phát triển của công nghệ (trong giao thông và liên lạc), quá trình đô thị hoá, di cư và thay đổi các chuẩn mực về giới đã và đang tác động tới đối tượng người cao tuổi theo những cách trực tiếp và gián tiếp. Cộng đồng cần “dựa trên xu hướng hiện tại và đưa ra các khung chính sách phù hợp”.
Già hoá dân số không phải câu chuyện của một vài quốc gia. Theo WHO (tổ chức Y tế thế giới), tới năm 2030, cứ 6 người sẽ có 1 người 60 tuổi, và số người trên 80 tuổi sẽ tăng gấp 3 trong giai đoạn 2020-2050, lên con số 426 triệu người.
Các gã khổng lồ công nghệ đã bắt đầu khai thác tiềm năng mang lại từ đặc điểm nhân khẩu học này, khi tạo ra dịch vụ mới trên các nền tảng và phần cứng sẵn có của họ. Ví dụ, đầu tháng này, Amazon chính thức ra mắt Alexa Together, biến thiết bị Alexa trở thành “người chăm sóc” với những tính năng cho phép người dùng kêu cứu, gọi tới đường dây khẩn cấp, phát hiện người dùng bị ngã, tuỳ chọn hỗ trợ từ xa giúp quản lý cài đặt thiết bị và thông báo tới các thành viên trong gia đình nếu người thân của họ bỗng “ít hoạt động” hơn bình thường.
Trong lúc đó, Google bắt đầu thí điểm đơn giản hoá giao diện Nest Hub Max (sản phẩm màn hình thông minh) từ năm ngoái tại các nhà nghỉ hưu (trung tâm chăm sóc được thiết kế cho những cá nhân độc lập, những người cần sự trợ giúp tối thiểu hoặc không cần sự trợ giúp y tế liên tục), với nỗ lực giúp những người tại đây bớt cảm thấy cô độc trong thời gian giãn cách xã hội.
Tại Hội chợ điện tử tiêu dùng (CES) tháng 1/2021, một trong những sản phẩm thú vị nhất là đèn thông minh của công ty Nobi, chiếc đèn trần nhỏ gọn giúp cảnh báo người chăm sóc khi phát hiện có người ngã hoặc chuyển động bất thường, tự động chiếu sáng khi có người đứng dậy đi lại.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm cũng hướng tới các giải pháp công nghệ giúp người lớn tuổi có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục sống trong ngôi nhà của họ càng lâu càng tốt (già hoá tại chỗ), thay vì phải chuyển tới ở viện dưỡng lão. Có thể kể tới sản phẩm Wheel Pad (thiết bị hỗ trợ người cao tuổi đi lại), có khả năng lắp ghép theo module, phù hợp với nhiều khu vực và cấu trúc không gian; Zibrio (cân điện tử), sử dụng tại nhà cho phép cảnh báo sớm nếu người dùng có nguy cơ ngã quỵ; FallCall Solutions được phát triển trên ứng dụng Apple Watch và các thiết bị đeo tay hay trang sức khác, giúp thành viên trong gia đình nắm được tình hình của người đeo.
Cung cấp giải pháp hỗ trợ những người chăm sóc cũng rất cần thiết
Hỗ trợ phần cứng chỉ là một phần của giải pháp. Các công ty khởi nghiệp trên thế giới đang quan tâm tới nhu cầu của người chăm sóc. Việc người chăm sóc cảm thấy kiệt sức là một vấn đề nghiêm trọng và công nghệ có thể hỗ trợ. Ví dụ, trường hợp của Homage, startup hoạt động tại Singapore và Malaysia có kế hoạch mở rộng sang 5 quốc gia khác trong vài năm tới.
Để đánh giá mức độ “tương hợp” giữa người chăm sóc với các bệnh nhân, công ty đã xây dựng hồ sơ của từng nhà cung cấp, cũng như làm việc với các y tá để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ thiết yếu của công việc chăm sóc như một quá trình chuyển giao thủ công. Tất cả dữ liệu đó được tích hợp trong công cụ so sánh, cho phép gia đình người có nhu cầu và người chăm sóc nhanh chóng tìm thấy nhau.
Trong khi đó tại Anh, nền tảng chăm sóc người cao tuổi Birdie đang xây dựng công cụ phần mềm hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc, gồm công cụ giảm chi phí hành chính và thông báo thời gian “check-in” cũng như dùng thuốc. Công ty hướng tới cung cấp dịch vụ chăm sóc mang tính cá nhân hoá và chủ động để người già có thể tiếp tục sống trong ngôi nhà của họ.
Cấu trúc gia đình thay đổi, đồng nghĩa với việc những người cao tuổi trên khắp thế giới ngày càng có xu hướng trở nên cô lập và là một bài toán khó đối với công nghệ. Papa, nền tảng đồng hành và hỗ trợ người già theo yêu cầu, cho thấy việc giải quyết sự cô đơn của người cao tuổi có thể trở thành một mô hình kinh doanh đầy hứa hẹn. Startup trụ sở tại Miami, đang hoạt động tại 27 bang, tháng trước đã thông báo gọi vốn thành công 150 triệu USD vòng Series D, dẫn đầu bởi SoftBank Vision Fund 2, chỉ 7 tháng sau khi gọi được 60 triệu USD ở Series C.
Mọi người đều xứng đáng được tận hưởng một cuộc sống không chỉ an toàn, mà còn tiện nghi và thoải mái và công nghệ có thể giúp những người cao tuổi tiếp tục cuộc sống mà họ mong muốn.
Theo/ictnews.vietnamnet.vn