Công nghệ số và chuyển đổi số là cốt lõi của công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 năm 2023 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức chiều ngày 14/6/2023 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, công nghiệp hóa, hiện đại hóa luôn gắn với tri thức và công nghệ mới, tức là gắn với các cuộc cách mạng công nghệ mới.
Bộ trưởng cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 hiện nay, công nghiệp hóa, hiện đại hóa có nội hàm chuyển đổi số.“Công nghệ số và chuyển đổi số là cốt lõi của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và mô hình phát triển”.
Theo Bộ trưởng, mỗi quốc gia phải đi con đường riêng của mình để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa Việt Nam phải đi con đường Việt Nam, dựa trên bối cảnh văn hóa, trình độ phát triển, chế độ, tố chất con người và những bài toán Việt Nam.
CMCN lần thứ 4 có đến 50% là các công nghệ số, 50% các công nghệ còn lại là dựa trên công nghệ số để phát triển. Vì vậy, nhiều người coi CMCN lần thứ 4 là cuộc cách mạng công nghệ số.
Việt Nam hiện có rất nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc và đây chính là lợi thế của Việt Nam để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nói đến các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây là nói đến máy móc hay lao động chân tay. Lao động chân tay là cái có tính vật chất, vật chất thì hữu hạn, máy móc có thể thay thế cái hữu hạn.
Còn nói đến CMCN lần thứ 4 là nói đến máy móc hay lao động trí óc, nói đến thông minh hóa, nói đến trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ và trí óc là cái phi vật chất, vì vậy là cái vô hạn.
Máy móc thay đổi một phần hữu hạn của trí tuệ con người, giải phóng con người khỏi những hành động lặp đi lặp lại, nặng nề, nhàm chán, giúp trí não của mỗi con người khai phá được nhiều hơn phần vô hạn của trí tuệ, chứ không thay thế con người.
Như vậy, CMCN lần thứ 4 là trao thêm quyền năng cho con người thay vì thay thế con người. Nếu hiểu theo nghĩa này thì cuộc CMCN lần thứ 4 là cuộc cách mạng về trao thêm quyền năng cho toàn dân, là một cuộc cách mạng toàn dân, người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông bày tỏ tin tưởng.
Bộ trưởng Bộ TT&TT phân tích những cơ hội mà CMCN lần thứ 4 mang lại cho các quốc gia đang phát triển. Nếu các CMCN trước đây thì công nghệ nguồn và sản phẩm đi liền với nhau. Các nước đã phát triển chỉ bán sản phẩm, không bán công nghệ nguồn. Còn các nước đang phát triển chỉ là người sử dụng công nghệ, có rất ít cơ hội trở thành người phát triển công nghệ.
Với công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, công nghệ nguồn được tách khỏi sản phẩm và được cung cấp dưới dạng dịch vụ. Người dùng sử dụng công nghệ dạng này để phát triển sản phẩm và bán sản phẩm với giá cao hơn rất nhiều so với giá thuê dịch vụ công nghệ. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước đang phát triển tham gia vào quá trình sáng tạo, phát triển sản phẩm, giải quyết các bài toán mang tính ngữ cảnh địa phương để vừa phát triển đất nước vừa tham gia vào quá trình làm chủ công nghệ.
Do đó, xuất hiện một thành tố rất quan trọng của hạ tầng số là cung cấp công nghệ dưới dạng dịch vụ. Các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, từng cá nhân đều có thể sở hữu công nghệ cao để sáng tạo sản phẩm của mình. Như vậy, CMCN 4.0 là cuộc cách mạng về phát hiện vấn đề và nhu cầu. Các cuộc CMCN trước đây đầu tư là quan trọng, phát triển công nghệ nền là quan trọng. CMCN 4.0 thì phát hiện nhu cầu, phát hiện vấn đề là quan trọng.
Trong CMCN 4.0, ai nhiều vấn đề, nhiều nhu cầu thì người đó hưởng lợi. Nhưng phải chính mình phát triển sản phẩm để giải quyết vấn đề chứ không phải là người khác.
Việt Nam là nước thu nhập trung bình thấp, có khát vọng vươn lên, có rất nhiều nhu cầu và vấn đề. Đây chính là lợi thế cho Việt Nam. Nhưng để ứng dụng công nghệ mới, mô hình mới thì phải thay đổi thể chế. Vì thế mà cuộc CMCN lần thứ 4 là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Thành Nam (T/h)