Công ty mẹ của kỳ lân VNPAY vừa huy động thành công 250 triệu USD, dẫn đầu là các "ông lớn" đầu tư từ Mỹ

18:15, 31/07/2021

Được biết, vòng huy động này được coi là bước đột phá trong việc thu hút 2 nhà đầu tư lớn ở Mỹ nói trên. Trong khi trước đó, tại thị trường châu Á, General Atlantic chỉ hoạt động tích cực ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Còn Drangoneer - một nhà đầu tư có khẩu vị với ngành công nghệ tại Mỹ - thì rất hạn chế tiếp cận khu vực Đông Nam Á

Công ty mẹ của kỳ lân VNPAY vừa huy động thành công 250 triệu USD, dẫn đầu là các

VNLIFE - công ty mẹ của dịch vụ thanh toán VNPAY - vừa huy động thành công hơn 250 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B. Dẫn đầu là các nhà đầu tư Mỹ gồm General Atlantic và Dragoneer Investment Group.

Được biết, vòng huy động này được coi là bước đột phá trong việc thu hút 2 nhà đầu tư lớn ở Mỹ nói trên. Trong khi trước đó, tại thị trường châu Á, General Atlantic chỉ hoạt động tích cực ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Còn Drangoneer - một nhà đầu tư có khẩu vị với ngành công nghệ tại Mỹ - thì rất hạn chế tiếp cận khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, tham gia đợt rót vốn lần này còn có PayPal Ventures và EDBI, cùng với các nhà đầu tư hiện tại GIC và SoftBank Vision Fund 1, theo Tech In Asia.

Nguồn vốn huy động trong vòng Series B sẽ được VNLIFE sử dụng để tận dụng hơn nữa các cơ hội thị trường rộng lớn trong bối cảnh việc số hóa đang ngày một phát triển ở Việt Nam.

Được biết, VNLIFE – tên chính thức là CTCP Tập đoàn cuộc sống Việt  - là công ty holding được lập ra với mục đích ban đầu là để sở hữu toàn bộ cổ phần VNPAY. Trong đó, CTCP Giải pháp Thanh Toán Việt Nam (VNPAY) được thành lập tháng 3/2007 là công ty hàng đầu trong lĩnh vực thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Theo giới thiệu, VNPAY là công ty cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho hơn 40 ngân hàng, 5 công ty viễn thông và hơn 20.000 doanh nghiệp. Tính đến tháng 7/2020, vốn điều lệ của doanh nghiệp này được tăng mạnh từ 150 tỷ 1.000 tỷ đồng.

Công ty cũng điều hành VNPay-QR, một mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt có thể tương tác phục vụ 22 triệu người dùng và hơn 150.000 người bán. Các công ty con khác của VNLife bao gồm VNTravel và một bộ phận bán lẻ mới nhằm giúp các doanh nghiệp số hóa các dịch vụ.

Về phía VNLIFE, trong năm 2019 Công ty đã thực hiện tăng vốn từ 150 tỷ lên 217,7 tỷ đồng và tính đến tháng 8/2019 xuất hiện 2 cổ đông nước ngoài là Ardolis Investment Pte Ltd – đại diện quỹ GIC – sở hữu 13,24% cổ phần và SVF Pioneer Subco (Singapore) Pte Ltd – đại diện SoftBank – sở hữu 19,62% cổ phần.

Cũng vào tháng 7/2019, một số tờ báo quốc tế đã đưa tin về việc 2 quỹ đầu tư hàng đầu thế giới là GIC và SoftBank có mong muốn rót 300 triệu USD vào VNPAY. Với khoản đầu tư kỷ lục vào một công ty công nghệ như vậy, khi đó VNPAY đã được đồn đoán là có thể là kỳ lân (startup có định giá tối thiểu 1 tỷ USD) tiếp theo của Việt Nam, sau CTCP VNG.

Việc tung ra rất nhiều khuyến mãi để hướng người dùng làm quen với việc thanh toán bằng mã QR khiến chi phí của VNPAY tăng lên rất nhiều tuy nhiên với doanh thu khá lớn và tăng trưởng cao nên VNPAY vẫn có lợi nhuận, thậm chí là lãi khá cao.

Ghi nhận giai đoạn 2017 - 2018, VNPAY có lãi trước thuế lần lượt là 125 tỷ và 194 tỷ đồng trước khi giảm mạnh xuống còn 45 tỷ đồng năm 2019 do chi phí bán hàng tăng rất mạnh. Ngược lại, hầu hết các ứng dụng thanh toán khác như Ví điện tử Momo, Moca hay ZaloPay đều đang lỗ rất lớn.

Theo/doanhnghieptiepthi.vn