Cước 3G sẽ tiếp tục tăng?

08:00, 29/09/2013

Mặc dù mới thực hiện tăng giá trong những tháng đầu năm từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng song các nhà mạng 3G đang đánh tiếng sẽ tiếp tục tăng giá dịch vụ này trong thời gian tới. 

Thông điệp tăng giá cước dịch vụ 3G được phát đi từ phía cả 3 nhà mạng lớn và vấn đề dường như chỉ là chờ thời điểm thích hợp. Bên cạnh nguyên nhân khách quan là do quy luật cung cầu của thị trường thì một yếu tố khác đang buộc các nhà mạng phải tăng giá, đó là sự phát triển bùng nổ của dịch vụ OTT.

Tăng giá 3G: theo quy luật thị trường

Sau thời gian dài cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà mạng 3G, giá dịch vụ 3G tại Việt Nam đang ở mức thấp nhất thế giới. Tình trạng này đã duy trì 3 - 4 năm nay và đang khiến các nhà mạng thực sự thấm mệt. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện và phát triển mạnh của các dịch vụ OTT đã như giọt nước làm tràn ly, khiến các nhà mạng dường như không thể chịu đựng thêm được nữa. Thông điệp “Tăng giá” đã được các nhà mạng đưa ra khá dứt khoát, nó đang khiến thị trường 3G dậy sóng. 

Còn nhớ, ở thời điểm năm 2009, khi Vinaphone lần đầu tiên cung cấp dịch vụ 3G tại Việt Nam, mức giá của gói cước Mobile Internet không giới hạn dung lượng là 300.000 đồng/tháng. Sau đó, cùng với sự ra đời dịch vụ 3G của Mobifone và Viettel, mức độ cạnh tranh trong phân khúc 3G ngày càng cao đã khiến mức giá này liên tục giảm. Sau 4 năm, đến thời điểm hiện nay, giá cước đã giảm 6 lần, chỉ còn 50.000 đồng/tháng.  

Mức giá này tại Việt Nam hiện đang rẻ hơn 40 lần so với các nước châu Âu, 30 lần so với các nước ở châu Á và 10 lần nếu so với nước láng giềng Trung Quốc. Giá cước 3G của Việt Nam đang làm giật mình nhiều khách du lịch quốc tế và thậm chí được… lên báo. 

Trang PC World của New Zealand (pcworld.co.zn) đã cho đăng tải bài của phóng viên Juha Saarinen viết về sự thuận tiện và giá rẻ khi du khách nước ngoài đến Việt Nam và sử dụng dịch vụ Wi-Fi, 3G. Tại Việt Nam. Trong đó cho biết “Có thể tìm thấy Wi-Fi ở khắp mọi nơi – và thường là được dùng miễn phí. Ngoài ra, 3G ở đây cũng rất rẻ và chạy rất tốt. Du khách nước ngoài có thể sử dụng 3G bằng cách mua một thẻ SIM trả trước với giá 65.000 đồng, tương đương 4 đô la New Zealand”.

Với thực trạng đó có thể nói người Việt Nam đã được hưởng lợi từ dịch vụ 3G trong thời gian khá dài nhờ mức giá 3G ở vào hàng thấp nhất thế giới. Thời gian đầu các nhà mạng cạnh tranh rất mạnh nên đặt giá cước thấp hơn giá thành để mong lấp đầy lưu lượng đã đầu tư. Mức cước thấp khiến doanh nghiệp không đủ sức để tiếp tục đầu tư mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đại diện Mobifone cũng chia sẻ: “Giá cước 3G hiện chỉ bằng 50% so với giá thành dịch vụ, thấp hơn Singapore 30 lần, rẻ hơn cước của Malaysia 5 lần… Vì vậy, Mobifone đã trình Bộ Thông tin - Truyền thông lộ trình điều chỉnh cước 3G trong khoảng 1 năm tới, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của khách hàng và doanh nghiệp.”

OTT: Giọt nước tràn ly

Bên cạnh việc dịch vụ 3G đang được cho là bán dưới mức giá thành, thì một nhân tố khác đang “cấu” một phần không nhỏ doanh thu của các nhà mạng càng phải chịu áp lực tăng giá, đó là dịch vụ OTT. 

Hàng loạt dịch vụ OTT đang tăng mạnh khiến các nhà mạng di động đang bị thiệt hại hàng chục nghìn tỉ đồng/năm. Dịch vụ OTT chạy trên nền mạng Internet của các nhà mạng. Nghĩa là doanh nghiệp nước ngoài thu lợi trên nền tảng đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó Việt Nam chưa có chính sách quản lý cho dịch vụ này. 

Theo thống kê chưa chính thức của các nhà mạng, Vinaphone đang bị giảm khoảng 267,5 tỷ đồng/tháng do 1,9 triệu thuê bao 3G của nhà mạng này sử dụng Viber. Trong khi đó Mobifone cũng cho biết tháng 5/2013 doanh thu giảm 5% so với tháng 5/2012 do các dịch vụ OTT. Nhà mạng Viettel cũng thống kê sụt giảm 5-10% doanh thu vì OTT. 

Để giảm bớt thiệt hại này, như một giải pháp tình thế, đầu tháng 7 vừa qua, các nhà mạng đã gần như đồng loạt đề nghị cơ quan chủ quản cho tăng cước sau khi đã tăng cước 3G 10.000 đồng từ tháng 4. Điều này ít nhiều gây dư luận trong người tiêu dùng, song nhìn một cách toàn cảnh thì xem ra các nhà mạng di động cũng đang ở trong tình thế cực chẳng đã mà phải tăng giá. 

Mới đây nhất, tháng 8/2013, trước sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ OTT tại Việt Nam, Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT cần sớm ban hành chính sách quản lý dịch vụ này. Điều này cho thấy OTT đã đang tác động lớn tới các nhà mạng và cả hành vi sử dụng dịch vụ của người dùng. Sớm ban hành một chính sách quản lý rõ ràng sẽ giúp các doanh nghiệp định hướng và lựa chọn chính xác con đường phát triển tiếp theo của mình.

TN

TIN LIÊN QUAN