Cước băng rộng di động Việt Nam đắt hay rẻ?
07:00, 09/10/2013
Theo báo cáo mới của ITU, Áo là nước có mức cước di động băng rộng rẻ nhất thế giới với 4,7 USD/500MB/tháng, chiếm chỉ 0,1% tổng thu nhập quốc gia (gross national income – GNI) trên mỗi người. Mức cước băng rộng di động của Việt Nam theo báo cáo của ITU là 4,8 USD/500MB/tháng, chiếm 2% GNI. Những quốc gia có mức cước băng rộng di động đắt có thể chiếm đến trên 100% GNI. Theo báo cáo này, Việt Nam thuộc nhóm những nước có mức cước băng rộng di động khá rẻ, thuộc nhóm có mức cước chiếm từ 0 - 2,5% GNI.
Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) vừa công bố một báo cáo hàng năm “Measuring the Information Society”, trong đó tuyên bố Áo là nước có giá cước băng rộng di động rẻ nhất thế giới.
Theo báo cáo của ITU, hiện nay có 2,1 tỷ kết nối băng rộng di động trên toàn thế giới, với tỷ lệ thâm nhập là 30%. Ngoài ra, ITU cho biết đã có khoảng 50% dân số thế giới tiếp cận được với mạng 3G, tuy nhiên, mức giá và tốc độ hoàn toàn khác nhau ở từng quốc gia. Theo báo cáo này, Áo là nước có giá cước băng rộng di động trả trước rẻ nhất thế giới. Mức cước này được tính toán theo số phần trăm tổng thu nhập quốc gia (gross national income – GNI) trên mỗi người. Theo Wikipedia, tổng thu nhập quốc gia (Gross national income – GNI) là chỉ số kinh tế xác định tổng thu nhập của một quốc gia trong một thời gian, thường là một năm. Nó bao gồm tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ tạo ra trong quốc gia (chính là Tổng sản phẩm nội địa - GDP), cộng với thu nhập nhận được từ bên ngoài (chủ yếu là lãi vay và cổ tức), trừ đi những khoản tương tự phải trả ra bên ngoài.
Nhìn chung giá cước băng rộng di động tại các nước phát triển rẻ hơn so với các nước đang phát triển. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là giá cước băng rộng di động tại Mỹ lại khá cao, trong đó giá của 500 megabyte (MB) dữ liệu trả trước một tháng là 85 USD, hay 2,1% GNI. Theo báo cáo của ITU, mức cước băng rộng di động của Việt Nam là 4,8 USD/500 MB/tháng, chiếm 2% GNI.
Các nhà phân tích cho rằng mức cước băng rộng di động tại Mỹ cao có thể do cấu trúc thị trường hiện có 2 nhà cung cấp chính là Verizon và AT&T. Ngoài ra, mức cước tại Mỹ cao cũng có thể vì nhà mạng Mỹ phải đầu tư nhiều hơn khi xây dựng mạng lưới so với các nhà mạng châu Âu. Tại châu Âu, nhà mạng gặp thuận lợi hơn khi xây dựng mạng lưới tại những nước nhỏ, mật độ dân cư cao.
“Áo là nước có giá cước băng rộng di động thấp nhất trên thế giới, với 4,7 USD/500 MB/tháng, chỉ chiếm 0,1% GNI. Trong khi đó, Sao Tomé và Principe, Zimbabwe và Cộng hoà Dân chủ Congo là những nước có mức cước đắt nhất, với mức phí dịch vụ tương đương hoặc cao hơn mức GNI trung bình hàng tháng của mỗi người dân”, ITU nói. Tại Cộng hoà Dân chủ Congo, mức cước băng rộng di động là 32,5 USD/500 MB/tháng, chiếm tới 126,4% GNI. Qatar, Anh, Đức, Kuwait và Pháp cũng là những nước được xếp vào hàng có mức phí băng rộng di động cao.
Ngoài ra, mức cước thuê bao trả trước đắt hơn thuê bao trả sau, nhưng thuê bao trả trước lại phổ biến hơn tại các nước đang phát triển. Mức cước băng rộng di động trả sau trung bình chiếm chỉ 1,3% GNI/người tại các thị trường phát triển, trong khi mức cước băng rộng di động trả sau tại các nước đang phát triển chiếm trung bình tới 11,3% GNI/người. Đối với mức cước trả trước, tại các thị trường phát triển là 1,1% GNI còn tại các thị trường đang phát triển là 15,7%.
Kết nối băng rộng di động trên smartphone và tablet là mảng phát triển nhanh nhất của thị trường ICT toàn cầu. Các kết nối băng rộng di động – trên mạng 3G và nhanh hơn – đang phát triển với tỷ lệ trung bình 40%/năm. ITU dự đoán sẽ có 6,8 tỷ thuê bao di động trên thế giới vào cuối năm nay.
Mức cước băng rộng di động của Việt Nam chiếm 2% mức tổng thu nhập quốc gia (GNI) trên đầu người, thuộc vào nhóm những quốc gia có mức cước thấp, chiếm từ 0-2,5% GNI. Nguồn: ITU
Theo báo cáo của ITU, mức cước băng rộng di động của Việt Nam là 4,8 USD/500MB/tháng, thuộc vào nhóm những nước có mức cước rẻ, từ 0-20 USD. Nguồn: ITU
Hoàng Hải