Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và mục tiêu phát triển ba đô thị thông minh tại Việt Nam
Xây dựng thành phố thông minh đang là hướng đi được nhiều thành phố trên thế giới lựa chọn trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng đang trở thành vấn đề ngày càng nhức nhối. Tại Việt Nam, những năm gần đây vấn đề phát triển thành phố thông minh đã nhận được sự quan tâm của nhiều địa phương trên cả nước.
Phát triển thành phố thông minh là nhu cầu tất yếu.
Nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống tại đô thị
Hiện nay, trên thế giới chưa có định nghĩa chung cụ thể về “thành phố thông minh”. Về cơ bản, thành phố thông minh được hiểu là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống tại đô thị, thông qua cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên. Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng, thành phố thông minh là nơi áp dụng các giải pháp kỹ thuật số phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp sẽ giúp các mạng lưới và dịch vụ truyền thống được thực hiện hiệu quả hơn.
Thành phố thông minh không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, mà việc sử dụng tài nguyên, năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và ít phát thải hơn. Mô hình này còn có nghĩa là mạng lưới giao thông đô thị thông minh hơn, các cơ sở cung cấp nước và xử lý chất thải được nâng cấp, hệ thống chiếu sáng và sưởi ấm cho các tòa nhà được cải thiện hiệu quả. Thành phố thông minh cũng có nghĩa là tại đó, chính quyền của thành phố tương tác và nhạy bén hơn, không gian công cộng an toàn hơn, đáp ứng nhu cầu của các nhóm yếu thế, nhất là nhóm dân số già.
Thành phố thông minh được hình thành để nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống tại đô thị.
Theo công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Co, có ba yếu tố kết hợp cùng nhau để tạo nên một thành phố thông minh. Đầu tiên là nền tảng công nghệ, bao gồm một khối lượng lớn điện thoại thông minh và cảm biến được kết nối bằng mạng internet tốc độ cao. Yếu tố thứ hai gồm các ứng dụng cụ thể hỗ trợ nền tảng xã hội. Yếu tố còn lại là mức độ sử dụng ứng dụng của các thành phố, doanh nghiệp và người dân. Nhiều ứng dụng chỉ thành công nếu được áp dụng rộng rãi và quản lý để thay đổi hành vi người dùng. Các ứng dụng này khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện ngoài giờ cao điểm, thay đổi tuyến đường, sử dụng ít năng lượng và nước hơn, đồng thời giảm bớt căng thẳng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe thông qua tự chăm sóc và phòng ngừa.
Nơi kết nối mọi lĩnh vực với nhau
Xây dựng thành phố thông minh thường trải qua lộ trình dài và phức tạp. Dự án với quy mô lớn và dài hạn như vậy đặt ra yêu cầu cao và đa dạng đối với hệ thống cơ sở hạ tầng địa phương. Kết nối kỹ thuật số phải tin cậy, có khả năng đáp ứng các giao tiếp theo thời gian thực của thiết bị cảm biến. Nhiều lĩnh vực trước đây chưa từng phối hợp với nhau thì nay trong thành phố thông minh phải được liên kết chặt chẽ.
Theo IntechnologySmartCities, tổ chức đồng hành cùng nhiều thị trấn và thành phố của Vương quốc Anh đã gặt hái nhiều thành công trong việc hướng tới quản lý đô thị bằng công nghệ tiên tiến, ba yếu tố từ kinh nghiệm thực tế để bắt đầu xây dựng thành phố thông minh gồm: tư duy kết nối mở, phát triển hệ thống chiếu sáng, xây dựng cơ sở hạ tầng sẵn sàng cho kết nối.
Tư duy kết nối mở được hiểu là sự sẵn sàng cho việc liên kết các lĩnh vực quan trọng khác nhau trong quản trị thành phố nhằm nâng cao tương tác và đem lại lợi ích thật sự cho người dân. Nhiều thành phố trên thế giới đang thúc đẩy việc gom các bộ phận hành chính công lại với nhau, bước đầu xây dựng đơn vị được gọi là “cơ quan hành chính công thông minh”. Cơ quan này có nhiệm vụ giám sát tiến trình đổi mới, tham vấn các lãnh đạo của các bộ phận hành chính công, tập hợp các bên liên quan để giải quyết khó khăn và kêu gọi đầu tư. Một nhiệm vụ quan trọng nữa của cơ quan hành chính công thông minh là chứng minh cho người dân thấy được lợi ích trực tiếp, hiệu quả của các khoản đầu tư.
Hệ thống chiếu sáng công cộng được kết nối là nơi hoàn hảo để bắt đầu áp dụng công nghệ thông minh. Hệ thống chiếu sáng công cộng gồm cột đèn đường, nguồn điện… vốn được phát triển khá hoàn thiện tại các thành phố, do đó có thể trở thành lĩnh vực thuận lợi nhất để bắt đầu thực hiện đổi mới hướng tới thành phố thông minh đối với các chính quyền địa phương còn lúng túng khi chưa biết triển khai giải pháp công nghệ từ đâu.
Giải pháp chiếu sáng thông minh, điều chỉnh cường độ ánh sáng, chỉ bật sáng khi có người, phương tiện tới gần giúp tiết kiệm điện năng tại nhiều thành phố được đông đảo người dân ủng hộ. Giải pháp thông minh bắt đầu với hệ thống chiếu sáng mang tới kết quả dễ thấy, người dân được thụ hưởng lập tức và trong cuộc sống hằng ngày nhận thấy sự hiện diện của công nghệ ở nhiều nơi quen thuộc. Xa hơn nữa, các cảm biến lắp đặt với mục đích ban đầu cho việc điều khiển ánh sáng còn có thể tích hợp để trở thành cảm biến đa năng, dùng cho các ứng dụng kiểm soát giao thông, liên lạc với xe tự hành, kiểm tra tình trạng đường sá, đo lường chất lượng không khí…
Xây dựng thành phố thông minh trải qua lộ trình dài hạn.
Mục tiêu cuối cùng của xây dựng thành phố thông minh là kết nối giữa các lĩnh vực khác nhau để quản lý đô thị, cung cấp một hệ thống điều khiển thông tin tập trung, qua đó giúp thu thập thông tin chi tiết. Với nền tảng công nghệ trước đây việc kết nối hệ thống điều khiển thông tin tập trung là không thể thực hiện được tại khu vực rộng lớn như các thị trấn và thành phố hiện đại. Hệ thống wifi công cộng còn chắp vá và không đáng tin cậy. Do đó, các thành phố cần sẵn sàng cho các nền tảng kết nối công nghệ cao như 5G và internet vạn vật (IoT). Một nền tảng hoàn hảo sẽ phải truy cập được trong phạm vi toàn thành phố, cho phép chính quyền, doanh nghiệp, người dân tương tác với nhau thông qua các thiết bị kết nối.
Xây dựng thành phố thông minh - Nhu cầu bức thiết của các đô thị tại Việt Nam
Tại Việt Nam, những năm gần đây vấn đề phát triển thành phố thông minh đã nhận được sự quan tâm của nhiều địa phương trên cả nước. Một số địa phương đã triển khai và đạt được kết quả ban đầu. Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung để đến năm 2030 sẽ hình thành một chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế này, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho rằng, xây dựng đô thị thông minh đang là một nhu cầu bức thiết của các đô thị. Đại dịch Covid-19 bùng phát gần 2 năm qua đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình xây dựng, phát triển thành phố thông minh với nhiều bài toán về thu thập, quản lý dữ liệu, giải pháp phòng chống dịch, quy hoạch, vận hành và quản lý cho các tỉnh, thành phố và đặc biệt là cho giai đoạn phục hồi và phát triển như hiện nay. Cùng với chuyển đổi số, thành phố thông minh đang trở thành một trong những chuẩn mực để phát triển, trở thành một trong những phương thức mới của các đô thị trong kỷ nguyên thông minh hóa, giúp các đô thị tối ưu hóa các nguồn lực, phát triển bền vững, đem lại sự an toàn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế.
Nhiều địa phương tại Việt Nam đang rất quan tâm đến vấn đề xây dựng thành phố thông minh.
Hiện nay, Việt Nam là một quốc gia đang trên đà phát triển, có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân cư đang dịch chuyển về các thành phố lớn, có khả năng ứng dụng công nghệ vào phát triển kinh tế cũng như môi trường sống. Việc áp dụng mô hình thành phố bền vững thông minh cho các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng… với việc triển khai những ứng dụng công nghệ để phát triển xã hội thông minh như 5G, di động (mobility), Internet vạn vật (Internet of Things), giao thông thông minh, khám chữa bệnh từ xa (telehealth)… có thể giúp các thành phố giải quyết được không ít tồn tại gây bức xúc xã hội hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. 5 năm qua, 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai thành phố thông minh. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ các tỉnh đã triển khai cao nhất 100% (6/6 địa phương đã triển khai). Ngoài ra, 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án/Chương trình/Kế hoạch phát triển đô thị thông minh; 15 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh; 38 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp tỉnh; 21 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp đô thị, thành phố thuộc tỉnh.
Thành phố Đà Nẵng của Việt Nam đã được vinh danh về nỗ lực này không chỉ với Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam trong 2 năm liên tiếp 2020 - 2021 mà cả Giải thưởng Smart City của ASOCIO vào năm 2019.
Đại dịch Covid-19 không những không kìm hãm được xu hướng Smart City mà thậm chí còn làm động lực phát triển nhanh hơn nữa tiến trình này. Các thành phố đang coi Smart City và chuyển đổi số như một nhân tố quan trọng hàng đầu giúp các thành phố nhanh chóng phục hồi sau đại dịch. Điều này có thể thấy rõ qua sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng dịch vụ công trực tuyến, giáo dục thông minh, y tế thông minh, và quản lý điều hành, dịch vụ an sinh xã hội được chuyển đổi số, thông minh hóa một cách mạnh mẽ tại hầu hết các thành phố trên thế giới và trong khu vực.
Sự chia sẻ và liên kết giữa các thành phố, cùng với sự chung tay của các doanh nghiệp công nghệ trong xu hướng này sẽ giúp các thành phố trở lại nhịp độ phát triển, cuộc sống của người dân sẽ sớm bình an, thịnh vượng.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam hiện đang gặp một số khó khăn. Cụ thể, nhận thức về đô thị thông minh của xã hội nói chung chưa được cao. Tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị thông minh và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ. Việc triển khai đô thị thông minh còn riêng lẻ, manh mún. Các đô thị thông minh chưa mang tính đặc thù cho mỗi đô thị... Chính vì vậy, để phát triển đô thị thông minh cần có những giải pháp cụ thể trong quy hoạch, quản lý, điều hành.
Theo Tạp chí in số tháng 1+2/2022