Cuộc chạy đua phát triển công nghệ 6G
Trong lúc mạng 5G chưa kịp phủ sóng rộng rãi trên thế giới, các hãng công nghệ đã bắt đầu chạy đua phát triển mạng di động thế hệ thứ 6 (còn gọi là 6G), hiện tại, Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc và Huawei của Trung Quốc đang tạm dẫn đầu.
Theo Nikkei Asian Review, 2 tập đoàn này có lợi thế về công nghệ trạm thu phát sóng di động (BTS), vốn sẽ là trụ cột cho các mạng thế hệ mới, trong khi Nhật Bản và Mỹ đang cố gắng chạy đua theo sau.
Giới công nghệ dự báo, việc chuẩn hóa các thông số kỹ thuật cho mạng 6G sẽ bắt đầu vào khoảng năm 2023. Khi đó, tiêu chuẩn này sẽ là cú hích lớn cho việc phát triển các thiết bị, linh kiện trước khi dịch vụ được thương mại hóa vào khoảng năm 2027. Hiện Hàn Quốc và Trung Quốc - những nhà sản xuất lớn trên toàn cầu về điện thoại di động, BTS và linh kiện - đang tận dụng lợi thế chuyên môn của các công ty nhằm đi đầu trong việc thiết lập tiêu chuẩn kỹ thuật cho mạng 6G thông qua hình thức hợp tác công - tư.
Hàn Quốc đang hy vọng trở thành nước đầu tiên cung cấp dịch vụ 6G thương mại, với các tập đoàn Samsung và LG thành lập các trung tâm nghiên cứu và chính phủ đang cân nhắc đầu tư đến 976 tỉ won (18.687 tỉ đồng) cho dự án phát triển. Bắc Kinh cũng công bố chương trình nghiên cứu và phát triển mạng 6G vào tháng 11 năm ngoái và Huawei đã ra mắt nhóm nghiên cứu chuyên trách.
Về kỹ thuật, các BTS dự kiến sẽ phải thay đổi cả về chất lượng lẫn số lượng để tương thích với mạng 6G. Mạng này có thể sẽ hỗ trợ tốc độ lên đến hơn 1 terabit/giây, nhanh hơn gấp 10 lần so với mạng 5G. Tuy nhiên, để truyền sóng 6G, các trạm BTS có thể sẽ phải nằm cách nhau trong phạm vi tối đa là 200 m hoặc thậm chí gần hơn. Giáo sư Tetsuya Kawanishi tại Đại học Waseda (Nhật) cho biết hiện Nhật có 600.000 BTS. Nhưng theo giáo sư này, để cung cấp dịch vụ 6G, nước này sẽ cần 1 tỉ trạm trong khi thế giới sẽ cần đến 100 tỉ trạm.
Tuy nhiên, mạng 6G sẽ sử dụng bước sóng ngắn hơn nên cần ăng ten nhỏ hơn. Do đó, các BTS cũng có thể sẽ nhỏ gọn như một chiếc điện thoại cầm tay. Thậm chí các thiết bị chiếu sáng, bảng hiệu hay các xe khách cũng có thể lắp thêm BTS.
Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường HIS Market, hiện 3 công ty gồm Huawei, Ericsson (Thụy Điển) và Nokia (Phần Lan) chiếm 80% thị phần BTS và nhiều công ty đang chạy đua phát triển các trạm thông minh để dẫn đầu cuộc đua ở mảng này. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng muốn nước này dẫn đầu về công nghệ 6G. Giới công nghệ cho rằng Mỹ muốn dẫn đầu về vi mạch để xử lý dữ liệu tốc độ cao, nhờ Tập đoàn Intel cùng các công ty khác.
Tận dụng lợi thế từ việc phát triển các BTS hiện đại, một số “ông lớn” công nghệ đang nhắm đến nhiều dịch vụ mới dựa trên hạ tầng này. Tại Nhật, mạng di động KDDI đang hợp tác với Tập đoàn Amazon (Mỹ) phát triển dịch vụ Amazon Web nhằm cung cấp dịch vụ điện toán biên (Edge Computing - trung tâm tính toán nằm giữa đám mây và thiết bị), giúp xử lý dữ liệu ở khoảng cách vật lý gần hơn với người dùng.
Thùy Chi (t/h)