Cựu sinh viên công nghệ làm cẩm nang tâm lý mùa dịch Covid-19 phát miễn phí cho người dùng
Trong tình hình dịch bệnh do virus Covid 19 gây ra đang diễn biến phức tạp, Hoàng Anh Đức, CEO EdLab Asia, cựu sinh viên FPT đã cùng các cộng sự biên soạn và phát hành miễn phí “Sổ tay Nâng cao sức khoẻ tinh thần trong mùa dịch”.
Thông thường, các vấn đề về sức khỏe tinh thần thường được ít người quan tâm hơn so với sức khỏe thể chất. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, ưu tiên số 1 của người dân là làm sao để cơ thể khỏe mạnh và không bị nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, trên thực tế việc duy trì ổn định sức khỏe tinh thần cũng có vai trò to lớn không kém sức khỏe thể chất. Khi bệnh dịch xuất hiện, nếu như thể chất con người phải đối mặt các nguy cơ truyền nhiễm, suy giảm hệ miễn dịch thì mối lo với tinh thần lại là những xáo trộn trong cuộc sống hằng ngày và sự bùng nổ của nhiều thông tin trái chiều gây hoang mang, lo sợ.
Các quan sát trước đó từ dịch bệnh SARS năm 2003 cũng cho thấy những hệ quả đáng chú ý về mặt sức khoẻ tinh thần khi con người phải đối mặt với đại dịch như gia tăng kỳ thị, phân biệt đối xử; lo lắng, căng thẳng quá mức cần thiết…
Hiện tại, mọi người có thể truy cập và download hoàn toàn miễn phí nội dung “Sổ tay Nâng cao sức khoẻ tinh thần trong mùa dịch” tại địa chỉ edlabasia.org/covid19.
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch viêm phổi cấp Covid-19 ở cả Việt Nam và trên thế giới, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia đã kết hợp với Microsoft Việt Nam biên soạn và phát hành miễn phí “Sổ tay nâng cao sức khoẻ tinh thần trong mùa dịch”.
ICTnew cho biết, sổ tay gồm 4 nội dung chính: các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe tinh thần trong mùa dịch; các phương pháp để có được tinh thần lành mạnh; cách ứng phó với một số khó khăn tâm lý và những gợi ý cho cha mẹ để giúp trẻ ứng phó, “Sổ tay nâng cao sức khỏe tinh thần trong mùa dịch” cung cấp những kiến thức cơ bản về tâm lý cùng các giải pháp để mọi người tự nâng cao sức khỏe tinh thần của bản thân.
Thông qua 45 trang sách, các tác giả đã trình bày một cách đơn giản và cụ thể về các bước để nâng cao sức khỏe tinh thần trong mùa dịch bệnh. Đáng chú ý là phần đông các cách làm này mọi người đều có thể tự thực hiện tại nhà và sắp xếp nó một cách hợp lý với lịch sinh hoạt thông thường. Đồng thời, nhiều cách làm cũng giống như những phương pháp nâng cao thể chất thông thường như tập thể dục, hít thở, ăn uống… nhưng được giải thích cặn kẽ và rõ ràng hơn để người đọc có thể hiểu tầm quan trọng của nó với sức khỏe tinh thần.
Cẩm nang có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể cho người sử dụng.
Một nội dung được nhiều người chú ý đó chính là “Đánh giá thông tin và phát hiện tin giả”. Rõ ràng, cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội, những tin giả (Fake News) xuất hiện trong hoàn cảnh dịch bệnh với tần suất nhiều hơn bao giờ hết. Nhằm giúp độc giả “gỡ rối” khi phải tiếp nhận quá nhiều thông tin thất thiệt, cuốn cẩm nang này hướng dẫn mọi người xem xét thông tin qua các yếu tố cơ bản: nguồn thông tin, thời gian xuất bản, mục đích thông tin – đó có phải một trò đùa?, nguồn dẫn, định kiến của bản thân và đối chiếu với nguồn tin chính thống.
Bên cạnh đó, đứng trước vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử trong hoàn cảnh dịch bệnh, các chuyên gia đưa ra cảnh báo: “Cần phải giảm thiểu kỳ thị không chỉ bởi các vấn đề đạo đức có liên quan, mà còn bởi kỳ thị có thể tạo ra hoặc làm gia tăng những tác động có hại cho cả những cá nhân liên quan và toàn thể xã hội”. Cách để ứng phó vấn đề này chính là cả người nằm trong cộng đồng bị kỳ thị và người kỳ thị đều cần có các kiến thức và hành động đúng mực để giảm thiểu sự phân biệt đối xử.
“Chăm sóc cho tâm trí lành mạnh quan trọng không kém việc nâng cao sức khoẻ thể chất” là quan điểm chung của nhóm tác giả khi thực hiện cuốn sổ tay này. Không chỉ có ý nghĩa thời điểm trong hoàn cảnh hiện tại, những chỉ dẫn từ cuốn sổ này có thể được áp dụng trong nhiều tình huống khác nhau như thiên tai, khủng hoảng, bệnh dịch…
Thanh Thanh