Đà Nẵng tăng cường gắn kết giữa nhà trường với cộng đồng doanh nghiệp CNTT
Nhằm đảm bảo cho các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu xã hội, ngày 21/7, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn đã tổ chức hội thảo Nhà trường - Doanh nghiệp 2020 với chủ đề Vai trò của Doanh nghiệp trong định hướng và chiến lược phát triển.
Nhà trường và doanh nghiệp ký biên bản ghi nhớ hợp tác. |
Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 khách mời là lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT).
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, CNTT trở thành một trong những ngành khát nhân lực nhất hiện nay và cả trong tương lai.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, thành phố có 6.200 doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT chiếm 20% tổng số doanh nghiệp toàn thành phố. Doanh thu tăng trưởng bình quân hằng năm 20%.
Ông Thanh cho biết, thành phố đang tập trung phát triển một số lĩnh vực không sử dụng nhiều đất đai. Mặc dù ngành du lịch sử dụng tài nguyên đất đai gấp 15 lần nhưng tỷ lệ tăng trưởng doanh thu chỉ ngang với phát triển công nghiệp CNTT. Trong dịch Covid-19, dù rất nhiều ngành bị ảnh hưởng nhưng ngành CNTT truyền thông không bị ảnh hưởng nhiều.
Doanh thu 2019 của lĩnh vực CNTT đạt khoảng 19.570 tỷ đồng. Thị trường xuất khẩu đạt trên 78 triệu USD, tập trung vào hai thị trường lớn là Nhật Bản, Mỹ (36%).
“Qua đó cho thấy, nhà trường và doanh nghiệp cần định hình đào tạo cho các sản phẩm, ngôn ngữ, bảo đảm sinh viên ra trường có trình độ để làm trong các thị trường”, ông Thanh lưu ý.
Theo ông Thanh, để đảm bảo nhân lực cho ngành CNTT truyền thông, Đà Nẵng đang xây dựng khu CNTT, công viên phần mềm. Nhu cầu nhân lực CNTT trong lĩnh vực phần mềm, nội dung số rất cao vì thế ông hi vọng là trường đào tạo chuyên ngành sẽ tăng chỉ tiêu đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường; gắn kết nhu cầu đào tạo và sử dụng, tránh tình trạng doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực đều phải đào tạo bổ sung, gây tốn thời gian, kéo dài quá trình nghiên cứu đi đến ứng dụng. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết nhiều hơn để các sản phẩm có tầm nhìn lâu dài.
Về phía doanh nghiệp, ông Đoàn Văn Huy, Trưởng chi nhánh công ty TNHH Hitachi Vantara Việt Nam tại Đà Nẵng cũng thừa nhận, để sinh viên ra trường làm được việc, công ty phải chấp nhận mất thời gian đào tạo 2-3 tháng.
"Việc tuyển dụng sinh viên mới ra trường không quá khó khăn vì công ty có liên kết với các trường, còn để tuyển được nhân sự có kinh nghiệm thì gặp khó bởi thị trường rất cạnh tranh", ông Huy cho biết thêm.
Theo ông Huy, sinh viên học CNTT cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề tiếng Anh. Trong bối cảnh hội nhập thế giới, tiếng Anh là chìa khoá nghề nghiệp tương lai. Nếu không đó sẽ là trở ngại rất lớn đối với sinh viên khi ra trường.
Tại hội nghị, PGS.TS Huỳnh Công Pháp, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn bày tỏ mong muốn mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở mức độ hiện nay là tuyển dụng, thực tập và tham gia giảng dạy vài môn học mà nâng lên tầm cao hơn là hợp tác với nhau để phát triển nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đưa sản phẩm của sinh viên, giáo viên vào thị trường; mở các phòng thí nghiệm và ứng dụng công nghệ mới như Blockchain, trí tuệ nhân tạo; phát triển các mô hình làm việc chung, vườn ươm khởi nghiệp, công viên công nghệ ngay trong trường…
“Rất nhiều sản phẩm, đề tài của cán bộ, sinh viên không ra được thị trường, không thương mại được vì nhiều yếu tố. Hiện nay có một tình trạng doanh nghiệp thì không có nguồn lực nghiên cứu, nhà trường thì không định hướng được thị trường vì thế hai bên cần hợp tác, hỗ trợ với nhau để phát minh ra công nghệ mới, dẫn dắt công nghệ”, PGS.TS Huỳnh Công Pháp nói.
Bên cạnh đó, nhà trường cam kết sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp có tính hợp tác, có tính cộng đồng. Nhà trường rộng cửa chào đón các doanh nghiệp để cùng nhà trường tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, đóng góp cho sự phát triển ngành CNTT.
Lãnh đạo nhà trường cho biết, năm 2020 sẽ tuyển sinh 1.200 sinh viên cho 3 ngành đào tạo với các định hướng ngành, chuyên ngành mới các lĩnh vực công nghệ 4.0 như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, IoT, Robotics…
Thiên Thanh (t/h)