Đà Nẵng ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng, chống dịch Covid-19
Nhằm góp phần vào hiệu quả của công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, giảm bớt các thủ tục “thủ công”, thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều ứng dụng bằng công nghệ thông tin, bước đầu đã tạo được hiệu quả tích cực.
Quét mã QR qua điện thoại để kiểm tra thông tin chính xác.
Đi chợ bằng thẻ QR Code
Sáng đầu tuần, anh Trần Thanh Phương (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) quét thẻ đi chợ có mã QR để vào mua thực phẩm tại chợ đầu mối Hòa Cường. Chỉ qua 5 giây quét thẻ qua qua app, quản lý chợ đã kiểm tra được thông chính xác tên đại diện hộ gia đình và ngày đi chợ đúng để vào trong. Anh Thanh Phương cho hay: “Việc này rất tiện lợi với chúng tôi, không phải điền thông tin nhiều lần vào vé đi chợ cũ, thẻ mới vẫn có thể quét mã qua hình ảnh được chụp vào điện thoại, nên cả nhà đều có thể lưu lại thẻ”.
Việc áp dụng thẻ đi chợ QR Code đã được TP Đà Nẵng bắt đầu triển khai từ ngày 24-5, tại bốn chợ loại I: chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Hàn và người dân năm phường thuộc quận Hải Châu. Ngoài ra, các chợ trên địa bàn quận Sơn Trà đã bắt đầu áp dụng từ ngày 20-5, riêng Phước Mỹ áp dụng từ ngày 17-5.
Người dân đi chợ bằng thẻ QR Code.
Người dân tại các phường đã triển khai thẻ QR Code khi đến chợ sẽ xuất trình thẻ, lực lượng bảo vệ sẽ sử dụng phần mềm đã được cài đặt trong máy để quét mã. Nếu thẻ vào hợp lệ sẽ có thông báo dấu tích màu xanh, nếu thẻ không hợp lệ (sai ngày, đã từng vào chợ trong ngày được đi chợ) kết quả trả về sẽ là dấu tích màu đỏ. Tất cả các công đoạn kiểm tra chỉ chưa đến năm giây.
Việc kiểm soát vào chợ qua QR Code thuận lợi cho người dân (lưu giữ QR trên điện thoại, tránh mất, hỏng…); thuận lợi cho cơ quan quản lý chợ như nắm bắt số lượng người đi chợ tại một thời điểm hay trong ngày; truy vết nhanh các trường hợp, phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến ngày 25-5, đã phát sinh hơn 1.100 lượt ra/vào qua mã QR tại các chợ của Sơn Trà và tại các chợ loại I của thành phố.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Trừ cho biết: Trong thời gian tới, các quận, huyện còn lại cũng sẽ nhanh chóng nghiên cứu triển khai nhân rộng áp dụng ứng dụng thẻ vào chợ QR cho người dân trên địa bàn các phường, xã thuộc thẩm quyền quản lý.
Sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin
Từ đầu tháng 5-2021, TP Đà Nẵng đã yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào phòng, chống dịch, tập trung vào công tác khai báo y tế, kiểm soát người ra vào ở nơi đông người, xây dựng bản đồ phòng chống dịch, truy vết…
Đà Nẵng đã xây dựng các phần mềm để người dân có thể khai báo y tế điện tử thông qua ứng dụng: DaNang Smart City, qua Zalo Tổng đài 1022 hoặc website https://khaibaoyte.danang.gov.vn. Tính đến ngày 25-5, đã có hơn 864.000 lượt khai báo y tế qua các ứng dụng, chiếm hơn 50% dân số thành phố.
Ngay khi người dân thực hiện xong thao tác khai báo y tế và gửi đi, sẽ được cấp về một mã QR. Người dân chỉ cần lưu giữ lại mã QR vào thiết bị di động và có thể sử dụng xuất trình cho lực lượng kiểm soát người ra vào tại những nơi yêu cầu. Chị Lê Vân Anh (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) nhanh chóng thực hiện khai báo y tế online cho cả gia đình. Chị Vân Anh chia sẻ: “Nhiều lần đến một số đơn vị, siêu thị đều yêu cầu phải khai báo y tế qua bản giấy, trường học của con cũng yêu cầu cấp mã khai báo cho các con nên tôi đã thực hiện luôn qua web của thành phố, với mã QR này cũng giảm bớt các bước khi đến các nơi yêu cầu khai báo”.
Chị Vân Anh khai báo y tế trực tuyến tại nhà.
Các thông tin về tình hình dịch Covid-19 đến với người dân cũng được đẩy mạnh qua nhiều hình thức, đặc biệt là qua Chatbox, Zalo, Facebook... Từ ngày 19 đến 25-5, tổng đài 1022 đã cung cấp thông tin về dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đến hơn 5,7 triệu tài khoản Zalo; cung cấp khoảng 70 nghìn lượt thông tin cho người dùng mạng xã hội Facebook; gửi tin nhắn tự động từ Chatbot tổng đài 1022; giải đáp hơn 600 thông tin, yêu cầu qua tổng đài 1022…
Đà Nẵng còn ứng dụng CNTT vào xây dựng Bản đồ chống dịch - An toàn Covid-19; vận hành cơ sở dữ liệu bệnh nhân và bản đồ dịch tễ Covid-19 (Covidmaps) để kịp thời cập nhật thông tin dịch tễ ở các địa phương đang có dịch, đồng thời tích hợp ứng dụng này trên app Da Nang Smart City để người dân dễ dàng nắm bắt thông tin và sử dụng; ứng dụng truy vết sớm dịch tễ, đăng ký xét nghiệm Covid-19 trực tuyến...
Những nơi thường xuyên đông người như bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở kinh doanh thuốc; các chợ, trung tâm thương mại; các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; các trường học, ký túc xá sinh viên; các cơ sơ lưu trú, khu điểm du lịch... cũng được khuyến khích triển khai kiểm soát việc ra/vào qua mã QR Code.
Việc ứng dụng CNTT đã giúp giảm bớt các thủ tục, tiết kiệm chi phí, góp phần vào hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các lực lượng trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua của thành phố. Ngoài ra, các ứng dụng còn có thể tiếp tục duy trì trong thời gian tới, lâu dài hơn, giúp cho công tác kiểm soát dịch của thành phố được tốt hơn.
Theo nhandan.com.vn