Đại biểu đề nghị xử lý nghiêm các vụ lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng

13:15, 04/11/2024

Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho biết, số thông tin cá nhân của người dùng bị đánh cắp trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng 50% so với cùng kỳ 2023, gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội...

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 4/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn tỉnh Trà Vinh) nêu rõ, mặc dù tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, bất lợi của năm thứ 5 liên tiếp kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tiếp nối những diễn biến khó lường, khó đoán định, nhưng trong 9 tháng năm 2024, với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành rất linh hoạt, đạt được nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế xã hội rất đáng được trân trọng.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn tỉnh Trà Vinh) thảo luận tại hội trường. Ảnh: Quốc hội.

Từ đó, khẳng định khả năng thích ứng của Việt Nam trước những biến động kinh tế, chính trị toàn cầu, tiếp tục tạo động lực tích cực cho nền kinh tế nước ta trong những tháng cuối năm 2024 và năm 2025.

Đồng tình với 11 nhóm giải pháp Chính phủ đề ra trong báo cáo, đại biểu đoàn Trà Vinh đề nghị Chính phủ quan tâm giải quyết hai vấn đề nghiêm trọng.

Thứ nhất là tăng cường quản lý, ngăn chặn và xử lý hiệu quả các vụ lừa đảo và các vụ đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Hiện nay, mạng xã hội đang dần trở thành kênh thông tin phổ biến, cơ bản đáp ứng nhu cầu xã hội về thông tin nhanh, nhạy và tính thời sự.

Tuy nhiên, với sự gia tăng sử dụng các nền tảng mạng xã hội, nhiều trường hợp bị lừa đảo đã xảy ra; đặc biệt là quyền riêng tư của người dùng dễ bị xâm phạm, thông tin cá nhân dễ bị lạm dụng và mua bán công khai trên mạng xã hội.

“Số liệu thống kê cho thấy, năm 2023, Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới. Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam đã ghi nhận khoản 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, và nhận được gần 16.000 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trên mạng.

Tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so năm 2022, trong đó, 91% liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính. Bên cạnh đó, số thông tin cá nhân của người dùng bị đánh cắp trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 50% so với cùng kỳ 2023, gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội”, đại biểu cho biết.

Từ thực trạng trên, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung chỉ đạo có biện pháp chủ động phòng ngừa hiệu quả và xử lý kịp thời những vụ án khi phát hiện.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị ngoài việc nâng cao chất lượng giáo dục và kỹ năng mềm cho học sinh, thì công tác quản lý, giám sát học sinh kể cả các bảo mẫu tại các trường học, lớp học là việc làm cần thiết để giảm bớt những phát sinh tiêu cực tại đây.

Theo đại biểu, cử tri nhiều lần phản ánh về những tiêu cực đã xảy ra nhiều năm, nhưng chưa có chiều hướng giảm, như tình trạng bạo lực học đường; xâm hại trẻ em nhất là ở một số cơ sở chăm sóc trẻ em ngoài công lập, điển hình như vụ việc “nhét chăn vào miệng trẽ, nắm tóc, dúi đầu trẽ bị bệnh”… vừa mới xảy ra, gây bức xúc trong xã hội.

Bên cạnh đó là tình trạng lạm thu đầu năm học, ở một số trường học, ảnh hưởng lớn đến tâm lý lo lắng của các bậc phụ huynh khi con em bước vào năm học mới, hay một hiện tượng tiêu cực khác đang xảy ra đó là, có khá nhiều học sinh hút thuốc lá điện tử.

Các đại biểu họp phiên toàn thể tại hội trường sáng 4/11. Ảnh: Quốc hội.

Qua điều tra, đầu năm 2024 đã có đến 14% học sinh đã từng sử dụng thử thuốc lá điện tử và 1,8% sử dụng thuốc lá nung nóng, trong số đó có trên 50% sử dụng thường xuyên. Theo báo cáo Bộ Y tế, năm 2023 Việt Nam ghi nhận hơn 1.200 người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó có nhiều trẻ vị thành niên. So với cùng kỳ 2022, số ca nhập viện tăng đáng kể.

“Qua điều tra, tình hình sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 13-17 tuổi, đã tăng hơn 3 lần, từ 2,6% (năm 2019) lên 8,1% (năm 2023). Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% (năm 2022) lên 8% (năm 2023). Đặc biệt, ở nữ giới, tuổi 11-18, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% năm 2023”, lời đại biểu.

Cũng theo ông Tuấn, thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử đã gây tác hại lớn đến sức khỏe con người, làm suy kiệt và băng hoại sức trẻ, điều đáng báo động là, trong số những người bị suy kiệt ấy lại có khá nhiều học sinh, những mầm non tương lai của đất nước.

Vì vậy, ngoài những quy định cấm hút thuốc lá Chính phủ đã ban hành, ông Tuấn cho rằng, cần phải có sự phối hợp tuyên truyền giáo dục hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội đi cùng với những biện pháp mạnh mẻ, quyết liệt hơn trong kiểm tra, giám sát, có chế tài xử phạt thật nặng những trường hợp vi phạm kinh doanh thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

“Việc quét sạch thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và khẩn trương xây dựng trường học không khói thuốc là việc làm cấp thiết, ưu tiên thực hiện với quyết tâm cao, cử tri cả nước hoàn toàn tin tưởng chúng ta sẽ đạt được thành công, giống thành công từng đạt được như cấm đốt pháo hay cấm uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Có như vậy, Việt Nam mới có được những con người khỏe mạnh để sẵn sàng tham gia vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, đại biểu đoàn Trà Vinh nhấn mạnh.