Đại biểu Quốc hội: Sửa đổi Luật Đất đai để phản ánh đúng bản chất về đất đai
Sáng ngày 3/11, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội nghe Chính phủ trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật khác, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân.
Sửa đổi Luật Đất đai vì lợi ích quốc gia, dân tộc, doanh nghiệp và người dân.
Phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển của đất đai
óp ý tại phiên thảo luận, Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh Luật Đất đai là một luật rất quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và người dân.
Đại tướng Lương Cường bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai với những lý do như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Đánh giá việc chuẩn bị cho dự thảo luật trong thời gian qua rất nghiêm túc trên cơ sở tổng kết gần 10 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và nghiên cứu, tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế, Đại tướng Lương Cường nhấn mạnh, việc sửa đổi nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Đề xuất một số nội dung nhằm nâng cao chất lượng dự thảo Luật Đất đai, Đại tướng Lương Cường nhấn mạnh quan điểm việc sửa luật phải phản ánh đúng bản chất về đất đai; về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến đất đai; khắc phục được những hạn chế, thiếu sót, tồn tại mà qua tổng kết gần 10 năm thực hiện Luật Đất đai đã chỉ ra.
Đại tướng Lương Cường cũng dẫn số liệu thống kê cho thấy, có khoảng 60% các vụ khiếu kiện, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo là liên quan đến đất đai. "Trong thực tiễn cũng có hiện tượng nhiều người giàu lên từ đất, nhiều người lại nghèo đi vì đất, thậm chí là mâu thuẫn, tù tội vì liên quan đến đất….”, Đại tướng Lương Cường dẫn chứng và cho rằng, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là từ các chính sách pháp luật về đất đai còn nhiều vướng mắc.
Từ đó, Đại tướng Lương Cường đề nghị ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, thể chế hóa, cụ thể hóa tối đa mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII đã xác định – đó là năm 2023 phải sửa đổi được Luật Đất đai và các luật khác có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; làm cơ sở xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng đất hiện nay.
Một nội dung khác mà Đại tướng Lương Cường đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn là về tiêu chí, quy trình kiểm soát chặt chẽ khi phân công địa phương xác định giá đất.
“Đây là một vấn đề lớn nhất hiện nay, bởi lẽ khi giao cho địa phương quy định giá đất sẽ có nhiều phức tạp. Tôi đề nghị vấn đề này cần nghiên cứu kỹ càng; quy định rõ thế nào là giá đất bình thường và làm sao để xác định được giá đất gần nhất với thực tế?,” Đại tướng Lương Cường nêu rõ.
Đặc biệt quan tâm và bày tỏ đồng tình với việc tái định cư, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phải bảo đảm điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt tốt hơn nơi cũ cho người dân di dời được quy định trong dự luật, song Đại tướng Lương Cường đề nghị điều này cần phải quy định rất rõ, bởi lẽ thực tiễn còn phát sinh nhiều bất cập, phức tạp.
Giá bồi thường đất quá thấp, không phù hợp với thực tiễn
Cũng liên quan đến vấn đề về giá đất, theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn TP Hà Nội), hiện có nhiều vấn đề bất cập đang tồn tại như: Quy định pháp luật đất đai không phù hợp, chưa đầy đủ, mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác. Trong khi đó, quy định giá bồi thường đất quá thấp, không phù hợp với thực tiễn; chênh lệch giữa giá kinh doanh dự án và giá đền bù thấp; chênh lệch giá giữa thành phố và nông thôn, thành phố và các tỉnh lân cận, giữa thành thị và nông thôn quá cao… dẫn đến tình trạng người dân bức xúc, việc khiếu kiện kéo dài...
Nguyên nhân của tình trạng này, theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính, là do chúng ta chưa có cơ chế quản lý phù hợp, chưa có hướng dẫn cụ thể các phương thức thu hồi đất đai. Bên cạnh đó, việc cấp, thu hồi sổ đỏ, thu hồi đất đai của cơ quan nhà nước còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng bức xúc, khiếu kiện kéo dài, liên tục; các quyết định hành chính của Nhà nước về cấp, thu hồi đất chưa cao...
Từ thực trạng trên, đối với bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Hữu Chính nhất trí rằng việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở.
Tuy nhiên, với tiêu chí “bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn chỗ ở” trong dự luật, đại biểu cho rằng tiêu chí này rất khó thực hiện bởi nếu làm đúng nguyên tắc này, về mặt lý thuyết thì người dân sẽ rất vui sướng vì sau khi giải tỏa thì được bồi thường và có vị trí tốt hơn. Nhưng trên thực tế, điều này không thực hiện được bởi nhu cầu của người dân rất cao, sinh kế khó bảo đảm, quỹ đất lại có hạn… Từ đó, đại biểu đề nghị sửa thành “bố trí bảo đảm điều kiện phù hợp, thỏa đáng” trên cơ sở thực tiễn.
Cũng liên quan đến giá đất, đại biểu Trần Công Phàn (Đoàn Bình Dương) cho rằng, cần quy định chặt chẽ trong luật khi thay đổi quyền sử dụng đất, bởi nhiều trường hợp khi thay đổi mục đích sử dụng đất, giá đất có thể nhảy vọt, nhiều người giàu lên vì đất.
Do đó, đại biểu Trần Công Phàn đề nghị làm rõ mức giá sát với thị trường (khi có nhiều loại đất khác nhau), bởi lẽ, nếu không có định hướng về giá, việc xác định giá đất rất khó; việc sửa luật cần bảo đảm cân bằng lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, Nhà nước và đầu tư.
Bảo Trân (T/h)