Đằng sau cuộc chạy đua về nhu cầu chip máy tính hỗ trợ AI

17:43, 17/03/2024

Cuộc chạy đua toàn cầu nhằm xây dựng những con chip máy tính mạnh mẽ cần thiết cho thế hệ công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp theo có thể có tác động lớn đến chính trị và an ninh toàn cầu.

Đằng sau cuộc chạy đua về nhu cầu chip máy tính hỗ trợ AI

Chip máy tính hỗ trợ trí tuế nhân tạo (AI) đang khiến thế giới bước vào cuộc đua nóng bỏng.

Nhiều tham vọng, lắm trở ngại

Hoa Kỳ hiện đang dẫn đầu cuộc đua thiết kế những con chip máy tính thế hệ mới này. Nhưng hầu hết việc sản xuất được thực hiện ở Đài Loan. Việc này cũng khiến giới doanh nghiệp công nghệ Hoa Kỳ đau đầu và nảy sinh nhiều tranh cãi, song điều đó cũng đã được thúc đẩy bởi lời kêu gọi của Sam Altman - Giám đốc điều hành nhà phát triển OpenAI của ChatGPT, về khoản đầu tư toàn cầu trị giá từ 5 nghìn tỷ USD đến 7 nghìn tỷ USD để sản xuất chip mạnh hơn cho thế hệ nền tảng AI tiếp theo.

Số tiền mà Altman kêu gọi lớn hơn tổng số tiền mà ngành công nghiệp chip đã chi ra kể từ khi nó bắt đầu. Dù sự thật về những con số đó là gì thì những dự đoán tổng thể về thị trường AI vẫn rất đáng kinh ngạc. Theo dự báo của Công ty phân tích dữ liệu GlobalData, thị trường sẽ đạt trị giá 909 tỷ USD vào năm 2030. 

Không có gì đáng ngạc nhiên, trong hai năm qua, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu đã tăng phân bổ ngân sách, đồng thời đưa ra các biện pháp để đảm bảo hoặc duy trì thị phần trong ngành công nghiệp chip cho riêng mình. Trung Quốc đã bắt kịp nhanh chóng và đang trợ cấp hàng trăm tỷ chip, bao gồm cả chip thế hệ tiếp theo cho AI trong thập kỷ tới để xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất.

Trợ cấp dường như cũng là chiến lược ưa thích của Đức. Trong khi chính phủ Anh cũng đã công bố kế hoạch đầu tư 100 triệu bảng Anh để hỗ trợ các cơ quan quản lý và trường đại học giải quyết các thách thức xung quanh trí tuệ nhân tạo.

Chia sẻ với The Conversation của Anh, nhà sử học kinh tế Chris Miller, tác giả cuốn sách Chip War, đã nói về việc những con chip mạnh mẽ đang trở thành “hàng hóa chiến lược” như thế nào trên sân khấu địa chính trị toàn cầu.

Bất chấp nỗ lực của một số quốc gia trong việc đầu tư vào tương lai của chip, hiện tại vẫn thiếu các loại chip cần thiết cho hệ thống AI. Nhà sử học kinh tế Miller giải thích, rằng 90% chip được sử dụng để đào tạo hoặc cải tiến hệ thống AI chỉ được sản xuất bởi một công ty. Công ty đó là Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC). Sự thống trị của Đài Loan trong ngành sản xuất chip là điều đáng chú ý vì hòn đảo này cũng là tâm điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Và điều gì sẽ xảy ra với ngành công nghiệp chip khi căng thẳng gia tăng giữa những nước lớn này, đây rõ ràng vẫn là tâm điểm được thế giới quan tâm. Bởi nó có thể tác động trực tiếp khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, và sự gián đoạn này trong sản xuất chip có khả năng khiến toàn bộ ngành công nghiệp bị đình trệ. Việc tiếp cận các nguyên liệu thô, chẳng hạn như kim loại đất hiếm, được sử dụng trong chip máy tính cũng được chứng minh là một trở ngại quan trọng. Ví dụ, Trung Quốc kiểm soát 60% sản lượng kim loại gali và 80% sản lượng gecmani toàn cầu. Đây đều là những sản phẩm thô quan trọng được sử dụng trong sản xuất chip.

Ngoài ra, còn có những nút thắt khác ít được biết đến hơn. Một quy trình được gọi là quang khắc cực tím (EUV) rất quan trọng để có thể tiếp tục chế tạo chip máy tính ngày càng nhỏ hơn, và do đó mạnh hơn. Hiện tại công ty duy nhất ở Hà Lan là ASML - nhà sản xuất duy nhất hệ thống EUV để sản xuất chip.

Tuy nhiên, các nhà máy sản xuất chip lại ngày càng được xây dựng bên ngoài châu Á, điều này rất có lợi thế trong việc làm giảm sự phụ thuộc quá mức vào một số chuỗi cung ứng. Cùng với đó là những hỗ trợ tích cực từ các chính phủ, chẳng hạn như các nhà máy ở Hoa Kỳ đang được trợ cấp với số tiền 43 tỷ USD, trong khi ở châu Âu là 53 tỷ USD.

Nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC cũng đang có kế hoạch xây dựng một cơ sở trị giá hàng tỷ USD ở bang Arizona (Hoa Kỳ). Khi đi vào hoạt động, nhà máy này sẽ không sản xuất được những con chip tiên tiến nhất mà họ có thể sản xuất hiện nay, nhiều trong số đó vẫn do Đài Loan sản xuất. Trong khi đó, theo các nhà phân tích việc di chuyển sản xuất chip ra ngoài Đài Loan có thể giảm thiểu rủi ro đối với nguồn cung toàn cầu trong trường hợp hoạt động sản xuất bị gián đoạn bằng cách nào đó. Nhưng quá trình này có thể mất nhiều năm mới có tác động có ý nghĩa.

Cũng vì thế mà có lẽ chúng ta không có gì đáng ngạc nhiên khi lần đầu tiên, Hội nghị An ninh Munich năm 2024 đã tạo ra một chương dành riêng cho công nghệ như một vấn đề an ninh toàn cầu, với cuộc thảo luận về vai trò của chip máy tính.

Những thách thức từ AI về an ninh, an toàn cần được hoá giải

Tất nhiên, nhu cầu về chip để thúc đẩy sự phát triển của AI không phải là cách duy nhất tạo ra tác động lớn đến các vấn đề địa chính trị hay an ninh toàn cầu. Sự phát triển của thông tin xuyên tạc và thông tin sai lệch trên không gian mạng đã làm biến đổi nền chính trị trong những năm gần đây bằng cách thổi phồng định kiến ​​của cả hai phía trong các cuộc tranh luận.

Thế giới đã chứng kiến điều đó trong chiến dịch Brexit khiến nước Anh rời khỏi khối thịnh vượng chung châu Âu, trong các cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ và gần đây hơn là trong cuộc xung đột ở Gaza. Giáo sư Kirk Chang, Khoa Quản lý và Công nghệ thuộc Đại học East London, cho rằng AI có thể là công cụ khuếch đại thông tin sai lệch cuối cùng.

Như một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của công nghệ này, tại Hội nghị An ninh Munich 2024, 20 công ty công nghệ lớn nhất thế giới đã thống nhất ký vào “Hiệp định Công nghệ”. Trong đó, họ cam kết hợp tác để tạo ra các công cụ giúp phát hiện, gắn nhãn và vạch trần các hành vi giả mạo.

Để hoá giải các thách thức từ AI, không chỉ các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu, mà các quốc gia cũng từng bước xây dựng giải pháp cho vấn đề này. Các cơ chế như Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số của EU, Dự luật an toàn trực tuyến của Vương quốc Anh cũng như các khuôn khổ quản lý AI hữu ích khác.

Các vấn đề mà ngành công nghiệp chip đặt ra và nhu cầu ngày càng tăng do sự tăng trưởng của AI chỉ là một cách mà AI đang thúc đẩy sự thay đổi trên phạm vi toàn cầu.

Vẫn biết rằng công nghệ mới nổi này vẫn là một điều gì đó cực kỳ quan trọng, song các nhà phân tích khuyến cáo, rằng các nhà lãnh đạo và chính quyền quốc gia không được đánh giá thấp tầm ảnh hưởng của AI. Bởi khả năng của AI trong việc định hình lại vấn đề chính trị và an ninh toàn cầu có thể vượt quá khả năng của chúng ta trong việc dự đoán và lập kế hoạch cho những thay đổi.

Theo Tạp chí Thương Trường

https://thuongtruong.com.vn/news/dang-sau-cuoc-chay-dua-ve-nhu-cau-chip-may-tinh-ho-tro-ai-118358.html