Đào tạo từ xa là giải pháp hữu hiệu khi có thiên tai, địch họa
Hiện nay, học sinh cả nước đều được nghỉ học đến hết ngày 23/2 và thậm chí theo công văn hỏa tốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các tỉnh, thành xem xét cho nghỉ học hết tháng 2 để tránh dịch Covid-19.
Việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học trên cả nước có lẽ là điều không có ai mong muốn và các lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành giáo dục lại càng không muốn nó xảy ra.
Thế nhưng, trước diễn biến của dịch bệnh thì phương án cho học sinh, sinh viên nghỉ học cũng là giải pháp cần thiết để tạo sự yên tâm cho nhiều người.
Và nếu dịch Covid-19 còn tiếp tục thì rõ ràng chúng ta chưa thể an tâm cho học sinh quay trở lại trường học bởi điều quan trọng nhất trong lúc này là hàng chục triệu học sinh, sinh viên trên cả nước được đảm bảo an toàn về sức khỏe và tạo được sự an tâm cho phụ huynh.
Khi học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch, nhiều trường ở các tỉnh thành đã tiến hành dạy học trực tuyến tuy nhiên để áp dụng việc học online không dễ, bởi đối tượng người học giàu nghèo khác nhau nên không phải gia đình nào cũng có máy tính, điện thoại thông minh, Ipad… để học như thế sẽ rất bất tiện khi áp dụng đại trà. Nhiều chuyên gia cho rằng, vậy tại sao chúng ta không thực hiện việc dạy học trên truyền hình, phát thanh cho học sinh.
Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam.
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam đồng ý với đề xuất trong thời gian học sinh nghỉ này thì các tỉnh thành nên chuyển sang dạy học trên đài phát thanh, truyền hình địa phương áp dụng cho đại trà học sinh.
Theo thầy Dong, lâu nay đối tượng học theo hình thức đào tạo từ xa thường là những người lớn tuổi nhưng trong những trường hợp khẩn cấp, học sinh phải nghỉ học dài ngày thì chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng loại hình này.
“Và dịp nghỉ phòng tránh dịch Covid-19, các địa phương hoàn toàn có thể triển khai đào tạo từ xa cho học trò”, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam nhấn mạnh.
Hiện nay nhà nào cũng có tivi, địa phương nào cũng có hệ thống loa phát thanh, cớ sao chúng ta lại không tận dụng để triển khai dạy học cho các em trong thời gian nghỉ ở nhà để học sinh vùng khó khăn không bị thiệt thòi tiếp nhận kiến thức.
Về việc giảng dạy, thầy Dong cho rằng, ở mỗi địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo có thể chủ trì việc đó bằng cách chọn giáo viên bộ môn và tiến hành giảng dạy qua việc ghi hình của đài rồi phát sóng. Sau đó, các trường chỉ cần thông báo giờ phát, môn học, giảng dạy thành lịch cụ thể, các học sinh hoàn toàn có thể ở nhà học hoặc vài em cùng thôn, bản học cùng nhau.
Qua đó, thầy cô giao bài tập cho học sinh, các em hoàn thành rồi bố mẹ đưa đến gửi thầy cô để trẻ đỡ phải đi lại trên đường. Lúc này phóng viên đặt vấn đề, vì khi dạy trên truyền hình trong trường hợp có chỗ nào học sinh chưa hiểu, sẽ không hỏi ngay được thì Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng, khi có vài em cùng ngồi học, ai chưa hiểu thì được bạn bên cạnh giải thích giúp, đối với những chỗ mà trẻ chưa hiểu nên không làm được bài cô giao thì khi đi học trở lại thầy cô sẽ giảng giải thêm chứ bài đó là cách duy trì thói quen học tập cho trẻ khi ở nhà chứ có chẩm điểm đâu mà lo.
Nguyệt Hằng (T/H)