Sử dụng chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường để đuổi muỗi
Nguyên liệu trong vườn nhà
Theo Khoa học& Đời sống, vốn là nhà khoa học tâm huyết chuyên nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật vào đời sống, mới đây PGS.TS Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TƯ đã nghiên cứu thành công chế phẩm dạng xịt có tác dụng xua, diệt muỗi hoàn toàn từ thảo dược.
PGS.TS Phạm Thị Khoa cho hay, mùa đông lạnh, nhiệt độ thấp, côn trùng nói chung và muỗi nói riêng không sinh sản, phát triển nhiều. Tuy nhiên, vào mùa xuân, nhiệt độ tầm 20 – 25 độ C rất thích hợp cho côn trùng và muỗi sinh sôi phát triển. Hiện nay có rất nhiều cách dùng để diệt muỗi, tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là dùng thuốc hóa học bởi chúng có khả năng “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn”. Việc sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng hóa học vô cùng độc hại cho sức khỏe con người, đó là chưa kể không diệt được hoàn toàn mà nguy cơ côn trùng quay trở lại là rất cao.
PGS.TS Phạm Thị Khoa cho biết, nhờ hóa chất, muỗi chết nhanh, nhưng muỗi chết nhanh bao nhiêu thì nguy cơ độc hại đến con người cũng lớn bấy nhiêu. Muốn an toàn cho người dân, PGS.TS Phạm Thị Khoa đã bắt tay vào nghiên cứu chế phẩm xua, diệt muỗi từ thảo dược. Bà đã tiến hành những nghiên cứu để tạo ra sản phẩm từ các loài thảo dược rất gần gũi với người dân nhưng có hiệu quả xua muỗi cao như sả, hoa cúc, mần tưới…
Sử dụng những sản phẩm thiên nhiên để chế tạo dung dịch thuốc đuổi muỗi.
Đây đều là những loại thảo dược rất sẵn có trong cuộc sống hàng ngày, chúng đều dễ trồng, có mặt ở nhiều nơi và giá thành rẻ. Ngoài ra, từ lâu những loài cây này đã được biết tới là có khả năng khiến muỗi sợ… Chính vì thế, nhà khoa học bắt tay tinh chế thành chế phẩm sinh học với nồng độ đủ để xua và diệt muỗi một cách hiệu quả. Mùa dịch sốt xuất huyết sắp tới, việc sử dụng các chế phẩm diệt muỗi an toàn là rất cần thiết để phòng chống dịch bệnh.
Tự sản xuất để cho, tặng...
PGS.TS Phạm Thị Khoa cho biết, sản phẩm được thiết kế ở dạng xịt nên rất dễ sử dụng. Khi xịt, mùi thơm của của sả, cúc, mần tưới… có tác dụng xua đuổi khiến muỗi phải bay khỏi phạm vi mà chúng ta xịt. Đặc biệt, các tinh chất của sả, cúc, mần tưới… còn có khả năng làm tê liệt thần kinh của muỗi. Khi ngửi phải, muỗi sẽ nhanh chóng bị ngất và rơi xuống sàn nhà. Lúc này người dân chỉ cần lấy chổi quét, gom lại để diệt trừ. Các kết quả thử nghiệm cho thấy, người dân chỉ cần xịt liên tục trong khoảng 1-2 tuần, trong nhà sẽ không còn muỗi.
Đặc biệt, tuy mùi thơm của sả, cúc, mần tưới… khiến muỗi sợ, thậm chí làm tê liệt thần kinh muỗi khiến chúng bị choáng, ngất, nhưng với con người, mùi thơm này lại rất dễ chịu. Vì thế, sản phẩm có mùi thơm nhẹ của cỏ cây, nên người dân có thể xịt trong văn phòng, nhà ở, phòng ngủ cả ban ngày lẫn đêm. Hơn nữa, sản phẩm an toàn với cả người lớn tuổi, trẻ em hay với phụ nữ có thai. Khi xịt chế phẩm không cần phải di dời ra khỏi phòng vì trong đó hoàn toàn không có hóa chất gây độc hại.
“Quá trình nghiên cứu chế phẩm tôi không gặp nhiều khó khăn do mình nắm vững các tính chất của các loại thảo dược và thảo dược nào có hiệu quả, ức chế ra sao với muỗi. Điểm khác biệt là tôi phải dành thời gian chiết xuất để cho ra tinh chất phù hợp. Sau khi ra sản phẩm, tôi lại thử nghiệm trong hộp nuôi muỗi rồi mới ra khu vực nhà ở, các điểm nhiều muỗi để theo dõi khả năng xua, diệt. Tiếp đến là theo dõi các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe như khả năng dị ứng, kích ứng hay tác động khác... Qua các thử nghiệm đều thấy sản phẩm an toàn, hiệu quả”, PGS.TS Phạm Thị Khoa khẳng định.
Theo PGS.TS Phạm Thị Khoa, điều đáng tiếc nhất là hiện nay Bộ Y tế chưa có quy trình đăng ký chế phẩm sinh học nên sản phẩm dù đã hoàn thiện khâu nghiên cứu, thử nghiệm, song lại không thể thương mại hóa ở quy mô công nghiệp. Do đó, nghiên cứu xong, bà tự mình đem đi sản xuất, tặng lại hoặc bán cho những người thân quen, hoặc ai biết thông tin thì tự tìm đến mua.
pv