Dấu ấn đặc biệt của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu với Giải thưởng Nhân tài Đất Việt

10:02, 26/01/2022

Một trong những di sản đáng tự hào nhất của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, nơi ông xuất hiện với tư cách là chủ tịch Hội đồng Giám khảo năm đầu tiên.

Dành cả cuộc đời nghiên cứu, cống hiến cho ngành vật lý, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học thế giới, GS Nguyễn Văn Hiệu là một tượng đài khoa học Việt Nam.  

Bên cạnh việc là tác giả của 130 công trình nghiên cứu khoa học, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, một trong những di sản đáng tự hào nhất của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, nơi ông xuất hiện với tư cách là chủ tịch Hội đồng Giám khảo từ những năm đầu tiên.

Dấu ấn đặc biệt của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu với Giải thưởng Nhân tài Đất Việt - 1

Cuối năm 2004, Nhân tài Đất Việt do Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng, báo điện tử Dân trí tổ chức, các đơn vị đồng tổ chức gồm Đài truyền hình Việt Nam VTV, VNPT. Năm 2005 Giải thưởng bắt đầu trao giải đầu tiên.

Dấu ấn đặc biệt của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu với Giải thưởng Nhân tài Đất Việt - 3

Ngay từ khi bắt đầu tổ chức giải, để khẳng định uy tín của giải thưởng, nhà báo Phạm Huy Hoàn, nguyên Tổng Biên tập báo Dân trí đã mời GS Nguyễn Văn Hiệu làm chủ tịch Hội đồng Giám khảo. Nhân tài Đất Việt khi đó là một cuộc thi trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin.

GS VS Nguyễn Văn Hiệu nhận lời và bắt tay vào việc ngay. Dù đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy" sau 5 thập kỷ cống hiến cho nền khoa học, giáo dục nước nhà, ông vẫn nhận trách nhiệm đứng đầu hội đồng khoa học giải thưởng với 9 thành viên, trực tiếp đánh giá sản phẩm từ các thí sinh gửi về. Hội đồng chung khảo năm đó còn có sự xuất hiện của một chuyên gia, sau này trở thành Phó Thủ tướng Chính phủ, đó là ông Vũ Đức Đam.

Sinh thời, GS Nguyễn Văn Hiệu nhiều lần chia sẻ rằng nỗi băn khoăn lớn nhất của ông là bên cạnh những tài năng trẻ tuổi, đạt được những giải thưởng cao thì đất nước ta còn nhiều lắm nhân tài đang ẩn danh, còn nhiều lắm những nhà khoa học hàng chục năm miệt mài trong các phòng thí nghiệm và chỉ thỉnh thoảng mới có một vài người trong số họ được biết đến, được tôn vinh.

Chính bởi lý do này, khi Giải thưởng Nhân tài Đất Việt được phát động vào năm 2005, ông đã lập tức nhận thấy đây là một cuộc thi ý nghĩa, một nét đẹp nhân văn nhằm tôn vinh bản sắc Việt, giá trị Việt cho những cá nhân, tập thể xuất sắc.

Dấu ấn đặc biệt của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu với Giải thưởng Nhân tài Đất Việt - 5

Là Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, người "cầm cân nảy mực", trực tiếp tổng hợp các đánh giá của thành viên hội đồng và "chốt" kết quả, GS Nguyễn Văn Hiệu đã đưa lời giải thích khiến ai cũng phải cảm phục.

Ông nói: "Các cá nhân, tập thể tham gia đều đã năng động, sáng tạo, có nhiều cố gắng, nhưng các sản phẩm có hàm lượng khoa học kỹ thuật chưa cao, chưa tiếp thu được những công nghệ cao nhất của thế giới".

"Chúng tôi mong muốn những nhân tài thật sự cần cố gắng hơn nữa để được tôn vinh xứng đáng. Nhân tài của Việt Nam phải xứng đáng là nhân tài của cả thế giới", ông nhấn mạnh.

Từ thời điểm đầu những năm 2000, ông đã khẳng định "công nghệ thông tin (CNTT) là lĩnh vực đầy triển vọng, có thể góp phần đưa Việt Nam phát triển". Tuy nhiên trong số đầu tiên của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, ông đánh giá "sản phẩm tốt nhất trong cuộc thi này vẫn chưa sánh được với trình độ khu vực, hay so với chính những sản phẩm đang được bán trên thị trường Việt Nam". 

Lời nhận xét sâu sắc của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu cho người ta thấy được cái tâm và cái tầm của một người được giao trọng trách, là lĩnh xướng nhiệm vụ tôn vinh giá trị Việt của một Giải thưởng uy tín, thay vì chỉ phục vụ cho mục đích truyền thông.

GS nêu rõ: "Tất cả các đề tài nghiên cứu khoa học cuối cùng cũng phải đạt tới mục đích mang lại lợi ích kinh tế, xã hội cho đất nước hay cho doanh nghiệp, cá nhân".

Dấu ấn đặc biệt của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu với Giải thưởng Nhân tài Đất Việt - 7

Theo GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - Chủ tịch Hội đồng chung khảo, sở dĩ Ban giám khảo quyết định không trao giải nhất vì đây là cuộc thi tôn vinh nhân tài thực sự. Cuộc thi này mở màn cho những cuộc thi tiếp theo được tổ chức hằng năm và nó là cái đích để những nhân tài thực sự vươn tới.

Và đúng như lời tuyên bố của ông, "nhân tài của Việt Nam phải xứng đáng là nhân tài của cả thế giới", các kỳ Nhân tài Đất Việt tiếp theo đã chứng kiến nhiều tác giả, nhóm tác giả bước lên đài vinh quang. Bước ra từ giải thưởng, rất nhiều nhân tài đất Việt tỏa sáng, gặt hái được những thành công rực rỡ trên trường quốc tế.

Dấu ấn đặc biệt của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu với Giải thưởng Nhân tài Đất Việt - 9

Sang tới năm 2006, Nhân tài Đất Việt bước vào mùa thứ 2. GS Nguyễn Văn Hiệu khi ấy tiếp tục là Chủ tịch Hội đồng chung khảo, cho biết so với cuộc thi năm 2005, Nhân tài đất Việt 2006 có một số điều chỉnh về tiêu chí và thể lệ.

Một trong những thay đổi rõ nhất là các sản phẩm dự thi được phân thành hai loại. Loại thứ nhất gồm những sản phẩm đã có thời gian kiểm chứng, sử dụng lâu dài, đã được ứng dụng rộng rãi trên thực tế. Loại thứ hai là những sản phẩm hoàn thiện ở dạng có tiềm năng ứng dụng, mới thử nghiệm trên quy mô nhỏ.

Dấu ấn đặc biệt của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu với Giải thưởng Nhân tài Đất Việt - 11

Theo lý giải của GS, điều này là nhằm mở rộng sự tìm kiếm đến những nhân tài mới chỉ được biết đến dưới dạng tiềm năng, cần được nâng tầm để trở thành giải pháp hoàn thiện, cũng như mang lại đóng góp cho đất nước. Ngoài ra, đây cũng là hình thức nhằm khuyến khích những đội thi còn mới, non trẻ, để mạnh dạn tham gia Giải thưởng Nhân tài Đất Việt.

Với triết lý và cơ cấu mới, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt sau 2 năm tổ chức đã tìm được giải Nhất đầu tiên, thuộc về sản phẩm Mr.Test phiên bản 3.0 - Phần mềm tổ chức thi trắc nghiệm với khả năng chấm tự động bằng nhận dạng phiếu thi trên giấy của tác giả Đào Kiến Quốc.

Tới nay dù đã sau 15 năm, ông Đào Kiến Quốc vẫn nhớ "như in" những kỷ niệm hân hoan khi bước lên bục nhận giải, phút giây phản biện của GS Nguyễn Văn Hiệu cùng hội đồng giám khảo với nhóm thí sinh. Chia sẻ với Dân trí, ông khẳng định giải thưởng có ý nghĩa "không thể đong đếm", có giá trị động viên rất lớn với nhóm phát triển sản phẩm - đặc biệt là tại thời điểm mà không nhiều người nghĩ rằng có thể đi xa. 

"Đối với những cuộc thi có tầm cỡ như Nhân tài Đất Việt, nhận được giải thưởng có tiếng tăm, sản phẩm sẽ được nâng tầm, có giá trị hơn. Giải thưởng cũng tạo động lực để bạn cảm thấy mình có ích, và sẽ hăng hái hơn, có trách nhiệm hơn trong việc tiếp tục làm sản phẩm", ông Quốc đánh giá về Giải thưởng Nhân tài Đất Việt.

Dấu ấn đặc biệt của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu với Giải thưởng Nhân tài Đất Việt - 13

Năm 2009, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt sau 4 năm tổ chức, đã ghi nhận chất lượng các công trình đoạt giải ngày càng tăng, các giải Nhất bước ra từ giải thưởng đều thành công trong thực tế, cho thấy tài năng trẻ trong lĩnh vực CNTT rất nhiều.

Dấu ấn đặc biệt của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu với Giải thưởng Nhân tài Đất Việt - 15

Tuy nhiên, là một nhà khoa học, GS Nguyễn Văn Hiệu rất băn khoăn vì có những nhà khoa học trẻ tài năng không kém, thậm chí còn tài năng hơn, có những cống hiến xuất sắc cho khoa học nước nhà, nhưng lại đang phải sống kham khổ. Trong số đó, chỉ một vài người được thế giới tôn vinh, còn trong nước thì chưa có giải thưởng nào dành cho họ. Giải thưởng Hồ Chí Minh hay giải thưởng Nhà nước thì 5 năm mới trao một lần, lại thường dành cho những "cây đa cây đề".

Vì thế, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã mở rộng sang lĩnh vực Khoa học tự nhiên, với dự kiến ban đầu gồm 2 giải Nhất được trao. Công trình tham gia thuộc các ngành khoa học tự nhiên: Toán học, Cơ học, Vật lý, Hóa học, các Khoa học về sự sống, các Khoa học về Trái Đất (gồm cả biển) và môi trường và các lĩnh vực khoa học liên ngành hoặc đa ngành của hai hoặc nhiều ngành nói trên.

Theo ông, thay đổi này sẽ giúp phát hiện những tài năng trẻ trong lĩnh vực này, kịp thời tôn vinh họ. Nếu như Giải nhất Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực CNTT năm đầu tiên không biết trao cho ai, thì ông cam đoan rằng, trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên, cơ cấu 2 giải Nhất vẫn còn ít.

"Sẽ là quá khó nếu chỉ trao 2 giải Nhất trong 7 lĩnh vực tham gia dự thi của Khoa học tự nhiên", GS Nguyễn Văn Hiệu bày tỏ. "Toán học, Cơ học, Vật lý hay Hóa học, mỗi ngành đều có mỗi đặc thù khác nhau, rất khó để xác định được giải nhất của ngành nào hơn ngành nào. Vì thế, nếu có công trình nào được đánh giá xứng đáng được giải nhất thì dù hiện nay, điều kiện kinh phí chưa cho phép, chúng tôi cũng sẽ cố gắng kêu gọi và "chạy" cho đủ tiền để trao giải".

Dấu ấn đặc biệt của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu với Giải thưởng Nhân tài Đất Việt - 16

Năm 2009 chứng kiến sự bùng nổ cả về quy mô lẫn chất lượng sản phẩm dự thi Nhân tài Đất Việt. Riêng trong lĩnh vực CNTT, số lượng sản phẩm dự thi thu hút trên 200 sản phẩm. Còn đối với lĩnh vực Khoa học tự nhiên, cũng có tới 3 giải Nhất được trao cho các công trình nghiên cứu nổi bật. Đêm trao giải, nhà báo Phạm Huy Hoàn- Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng chia sẻ:  BTC trân trọng ghi nhận công sức của các giám khảo công minh, những nhà đồng tổ chức, nhà đồng hành, đặc biệt từ khoản tiền 100 triệu đồng do chính GS.VS Nguyễn Văn Hiệu dành dụm từ tiền giảng dạy để đóng góp vào giải thưởng. "Có thể khẳng định Nhân tài Đất Việt đã được sự quan tâm của xã hội bởi đây là giải thưởng vì xã hội, của xã hội" - nhà báo Phạm Huy Hoàn nói.

Ở thời điểm đó, khoản tiền 100 triệu đồng của GS Nguyễn Văn Hiệu đóng góp có giá trị rất to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó cũng là một minh chứng sống động cho thấy tình yêu lớn lao của GS đối với nền khoa học đất nước.

Năm 2011, sự bổ sung của nhóm lĩnh vực Khoa học tự nhiên một lần nữa cho thấy sự đúng đắn của GS Nguyễn Văn Hiệu, khi Giải thưởng Nhân tài Đất Việt kịp thời tôn vinh GS. Trần Đức Thiệp - người từng bị thương rất nặng, mất hẳn bàn tay phải và bàn tay trái cũng không còn nguyên vẹn vì những nghiên cứu khoa học của mình. GS Thiệp cùng với GS. Nguyễn Văn Đỗ là hai nhà khoa học đã đạt giải Nhất với công trình "Nghiên cứu cấu trúc hạt nhân và các phản ứng hạt nhân".

Năm 2013, Giải Nhân tài Đất Việt lần thứ 9, GS Nguyễn Văn Hiệu đề nghị mở thêm giải Môi trường. Trước những thực trạng môi trường bị tàn phá, thiên nhiên bị xâm hại, các hoạt động kinh tế ở nhiều nơi làm tổn thương môi trường, ông cho rằng giải thưởng không thể làm ngơ. Và giải "Bảo vệ môi trường" do chính GS tuyển lựa, đề xuất trao giải. Suốt những mùa giải tiếp theo, Nhân tài Đất Việt đã vinh danh nhiều công trình bảo vệ môi trường, những nhà khoa học bảo vệ môi trường. Có được điều đó là nhờ có GS Nguyễn Văn Hiệu.

Dấu ấn đặc biệt của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu với Giải thưởng Nhân tài Đất Việt - 18

Tới nay, Nhân tài Đất Việt đã trải qua 15 mùa giải thành công vang dội, tôn vinh hàng trăm nhóm tác giả xuất sắc, hàng trăm công trình nghiên cứu đạt giá trị cao, xứng đáng với bản sắc của người Việt, một phần quan trọng nhờ có tầm ảnh hưởng của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu.

Những năm cuối cùng, do sức khỏe yếu, GS Nguyễn Văn Hiệu không còn đảm nhiệm chức vụ trong Hội đồng Giám khảo, nhưng ông vẫn luôn xuất hiện trong câu chuyện của các thành viên hội đồng, và được bầu làm Chủ tịch danh dự Hội đồng Giám khảo Giải thưởng. Câu nói của ông từ ngày đầu Giải thưởng được tổ chức, tới nay vẫn giữ được nguyên giá trị, rằng: "Đây là cuộc thi tôn vinh nhân tài thực sự - Đây là đích để những nhân tài thực sự vươn tới". 

Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu đã ra đi, song những công trình nghiên cứu, đặc biệt tư tưởng về một nền khoa học Việt Nam sánh ngang thế giới của ông để lại rất lớn lao. Câu nói của ông trong mùa Nhân tài Đất Việt đầu tiên, "nhân tài của Việt Nam phải xứng đáng là nhân tài của cả thế giới" khiến cho bất cứ nhà khoa học trẻ nào cũng thấy được phần trách nhiệm của mình. 

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, những người tổ chức, những thành viên hội đồng Giám khảo, những nhà khoa học, các tài năng trẻ… sẽ mãi mãi nhớ về ông! 

Ngày 23/1, thông tin từ ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã qua đời, hưởng thọ 84 tuổi.

GS.VS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Hiệu (sinh ngày 21/7/1938) do tuổi cao và mắc bệnh về phổi, thận, ông đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Hữu nghị Việt Xô.

Theo/dantri.com.vn