Các nhân tài đất Việt “học giỏi” nhưng đã “làm giỏi”?

09:31, 17/07/2021

Có thể nói, Việt Nam là một trong những nước có nhiều “thần đồng y học” nhất trên thế giới! Bởi dù còn học cấp 3, chưa hề lao động sản xuất, chưa đào tạo chuyên ngành, ngày đêm “đầu tắt mặt tối” với các môn lý thuyết đã trở thành chủ nhân của các đề tài khủng đạt giải quốc gia.

Các “thần đồng y học” đang ở đâu trong đại dịch Covid-19?

Tại cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) học sinh tỉnh Gia Lai lần thứ VII - năm học 2020-2021, diễn ra vào ngày 21/1 vừa qua, đề tài “Nghiên cứu hiệu quả ức chế hướng đích tế bào gốc ung thư từ phức hệ Nanopiperine - Kháng thể đơn dòng (PMC)” của nhóm tác giả Lê Nhật Minh và Trần Thị Minh Anh - Trường THPT chuyên Hùng Vương đạt giải Nhất và được chọn đi thi quốc gia.

Hay như đề tài "Phương pháp tổng hợp glucanase từ các nguồn nấm trồng tại Việt Nam nhằm ứng dụng trong hỗ trợ điều trị ung thư" của hai em Hà Ngọc Nhi (lớp 9A5) và Lê Nguyễn Quỳnh Chi (lớp 8B10) của Trường THCS Ngô Quyền đạt giải nhất cuộc thi KHKT TP.Hải Phòng năm học 2020-2021.

Trước đó, hai học sinh Lê Hoàng Bách và Lê Dương Minh (lớp 10 Anh 1, trường THPT chuyên Hưng Yên) đạt giải Tư cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm học 2017-2018 với đề tài “Chế tạo và nghiên cứu tính chất quang nhiệt của các đầu dò nano nhằm ứng dụng trong diệt tế bào ung thư”.

Nhiều năm qua, rất nhiều đề tài nghiên cứu phương pháp chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư của học sinh phổ thông đã “trình làng” tại các cuộc thi KHKT của nhiều địa phương như Hà Nội; TP.HCM; Lâm Đồng; Ninh Bình; Thái Bình...

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Duy Định trao giải nhất cho 5 dự án xuất sắc.

Thậm chí có những đề tài khiến các nhà khoa học cũng phải trầm trồ khen ngợi như: Phương pháp chẩn đoán và điều trị ung thư bằng nano, thuốc bảo vệ thực vật, máy lọc nước biển mặn thành nước ngọt,…

Tuy nhiên, là một trong những nhà khoa học luôn có những sáng chế, phát minh mang tính thực tiễn cao, TS. Vật lý Nguyễn Văn Khải cho rằng cần phải xem xét lại và không nên trao giải cho những đề tài trên bởi nó là đề tài trên giấy. TS. Khải cho hay: "Ngay như máy chẩn đoán và điều trị ung thư bằng nano, tôi tự hỏi rằng người sáng chế ra máy đó có hiểu ung thư là gì không? Nano là gì không? Họ đã tự cầm cây khéo phẫu thuật bao giờ chưa? Mà có thể sáng tạo ra máy điều trị ung thư bằng nano? Cũng chẳng có đầu dò nào gọi là quang nhiệt để diệt virus trong người. Vậy điều trị ung thư bằng cách nào?”.

Không chỉ riêng TS. Khải, rất nhiều các y bác sĩ đang công tác trong ngành y đều "choáng váng" bởi những phát minh, sáng chế của các em học sinh. Cần phải nói thẳng là quá sức của học sinh, khi các em đang còn phải học nhiều môn, chưa có kiến thức căn bản về y học, trong khi ung thư đang là thách thức của nhân loại. Để nghiên cứu ung thư, ứng viên cần đáp ứng 2 điều kiện "cứng" là bác sĩ chuyên ngành ung thư và có khả năng nghiên cứu, ngoài ra còn rất nhiều điều kiện khác.

Với những căn bệnh được coi là “án tử” trong ngành y học, các “thần đồng” vẫn có thể sáng chế. Thế nhưng, khi đại dịch Covid-19 đang bùng phát và lan toả một cách nhanh chóng thì những “thần đồng y học” tuyệt nhiên không có một ai và không có một sáng chế nào!?

Dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhân dân, người lao động khốn khổ, nhiều địa phương lao đao, thiệt hại kinh tế vô cùng lớn. Kể từ hàng chục năm qua, trong các cuộc thi KHKT, Việt Nam đã xuất hiện hàng trăm “thần đồng y học”. Nhưng những “thần đồng” trên chỉ xuất hiện, tỏa sáng chói lọi trong các cuộc thi KHKT, còn các kết quả nghiên cứu thì không được đưa vào thực tế. Đặc biệt, khi đại dịch có những diễn biến phức tạm, những giải pháp phát hiện nhanh hay cách giúp người bị nhiễm virus nhanh chóng hồi phục đều không thấy xuất hiện bóng dáng của các “thần đồng”, tất cả đều “im lặng như tờ”!

Cần lấy thực tiễn kiểm nghiệm tài năng

Theo báo cáo của ngành giáo dục, tỉnh nào cũng dày đặc các con số về giải quốc tế, quốc gia, Olympia, thi KHKT, các cuộc thi tìm hiểu, số học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, xuất sắc, học sinh đạt điểm chót vót vào đại học....

Các đề tài đạt giải trong cuộc thi Khoa học Kỹ  thuật cần có tính thực tiễn. (Ảnh: minh hoạ).

Tuy nhiên, sau nhiều năm, với liên tiếp những giải thưởng và những lần khen thưởng hoành tráng, rất ít có thống kê về các đóng góp cụ thể của những những học sinh xuất sắc nói trên trong thực tiễn.

Hầu như không thấy số liệu về những công trình khoa học, giải pháp sáng chế hữu ích, thành tích, kết quả công tác… của các “nhân tài” có kết quả học tập xuất sắc đã được khen thưởng trước đây.

Việt Nam là đất nước có nhiều "thần đồng" Nhất, dù chỉ là học sinh với mười mấy môn lý thuyết, chưa 1 ngày bước chân tới bệnh viện, tới trường đại học Y để học tập - nghiên cứu. Thế nhưng, các “nhà khoa học, sáng chế” đã là chủ nhân của các dự án y khoa. Các đề tài khủng đạt giải quốc gia, quốc tế lần lượt ra đời như: Thuốc chữa bệnh, thuốc trừ sâu, kháng sinh, robot, vật liệu nano, biến đổi khí hậu, vật liệu mới, điều trị bệnh hiểm nghèo, phục hồi chức năng...

Chỉ riêng về đề tài thiết bị cảnh báo lũ lụt, thiên tai, đã có hàng chục “siêu nhân” là học sinh phổ thông sáng tạo năm này qua năm khác, đưa đi thi KHKT đạt giải. Nhưng, năm nào vào mùa bão lụt, báo chí cũng đưa tin các đợt lũ quét bất ngờ gây chết người, cuốn trôi tài sản của bà con. Vậy các "thiết bị cảnh báo” đạt giải đang ở đâu? Thực tế cho thấy, người dân luôn phải đối mặt với thảm họa thiên tai mà không thấy có dự án, đề tài nào hỗ trợ.

Với hàng loạt các đề tài nghiên cứu về ung thư của học sinh cấp 3. Thế nhưng, ung thư hiện đang là nỗi ám ảnh kinh hoàng của hàng triệu người. Các “thần đồng” hầu như bất lực? Hay với như với "căn bệnh" đơn giản hơn ung thư rất nhiều như nhiễm virus Covid-19 lại không thấy bất cứ một nghiên cứu nào từ "thần đồng"?

Thực tiễn là đích đến, thước đo, “tiêu chuẩn vàng” của chân lý và là nơi kiểm nghiệm, “thử lửa” nhân tài. Liệu một cá nhân có xứng đáng gọi là nhân tài hay không, khi mà đạt rất nhiều thành tích trong học tập, thi cử, nhưng lại “im hơi lặng tiếng” trong thực tiễn.

Thiết nghĩ, cần có sự thay đổi về quan niệm, tiêu chuẩn đánh giá nhân tài theo hướng phải đem lại kết quả, hiệu quả trong thực tiễn, giải quyết được yêu cầu ngày càng cao của cuộc sống và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hoàng Dung