Đau đầu chuyện thu thuế YouTuber Việt Nam
Kiếm tiền qua kênh YouTube đang ngày càng thu hút nhiều người Việt tham gia. Theo thống kê của So- cialblade cuối năm 2018, VN đã có hơn 70 kênh được YouTube trao nút vàng (dành cho kênh đạt 1 triệu người theo dõi) cùng hàng trăm nút bạc (kênh đạt 100.000 người theo dõi trở lên). Tuy nhiên, việc đóng thuế thu nhập kiếm được trên Internet vẫn còn xa lạ nhất là với các kênh YouTube nhỏ, tự phát.
Kiếm bộn từ YouTube
Cục Thuế TP.HCM vừa truy thu 1,5 tỷ đồng tiền thuế của một cá nhân ở TP.HCM có thu nhập khoảng 19 tỷ đồng nhờ hoạt động trên YouTube trong 3 năm qua nhưng chưa kê khai và nộp thuế. Việc truy thu và xử phạt thuế từ thu nhập trên mạng không phải là mới. Cách đây không lâu, Cục Thuế TPHCM đã xử lý truy thu và phạt hơn 9 tỷ đồng đối với 1 cá nhân kinh doanh qua Facebook nhưng không kê khai đầy đủ doanh thu kinh doanh. Sự việc bị phát hiện thông qua đơn tố cáo. Từ đó, ngành thuế đã xác minh tài khoản ngân hàng của cá nhân này và phát hiện doanh thu thực tế trong giai đoạn 2014-2016 lên hơn 439 tỷ đồng. Sau khi hồ sơ được cơ quan thuế chuyển qua cơ quan công an, cá nhân này mới chịu đến làm việc và xác nhận toàn bộ số tiền này là doanh số bán hàng. Đồng thời, người này cũng tự xác định số thuế khai thiếu và nộp vào ngân sách 9,19 tỷ đồng bao gồm: nộp tiền thuế giá trị giá tăng gần 4,5 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân hơn 2,3 tỷ đồng, tiền phạt gần 1,4 tỷ đồng và tiền chậm nộp hơn 1 tỷ đồng.
Đầu năm 2018, Cục Thuế TP.HCM đã ra quyết định truy thu và phạt 4,1 tỉ đồng với một thanh niên có thu nhập 41 tỉ đồng trên mạng Facebook, Google, YouTube... Đây là lần đầu tiên một cá nhân nhận thu nhập từ mạng nước ngoài bị truy thu thuế với số tiền lớn như vậy. Người này viết chương trình trò chơi điện tử được tải nhiều trên Facebook, Google, YouTube... Các chương trình này đều được chạy quảng cáo nên người sở hữu được chi trả 41 tỉ đồng trong hai năm 2016 và 2017 nhưng không kê khai và nộp thuế. Trên thực tế, câu chuyện kê khai và thu thuế của các cá nhân có thu nhập từ các mạng xã hội tại VN thật ra đã được nhắc đến từ năm 2014. Khi đó phía Việt Nam hoàn toàn bất ngờ khi trang tin The Richest đưa Nguyễn Hà Đông (tác giả trò chơi Flappy Bird) vào danh sách 10 triệu phú internet làm giàu từ con số 0 với mức thu nhập hàng chục tỉ đồng.
|
Trong năm 2018, qua dữ liệu thu thập được từ 5 ngân hàng có trụ sở trên địa bàn TP.HCM phát hiện có 18.903 tổ chức, cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook, YouTube giai đoạn năm 2014 đến hết tháng 11.2017 với số tiền nhận là 1.092 tỉ đồng và 17,8 triệu USD qua 423.787 giao dịch với tổng số tiền thanh toán là 672,8 tỉ đồng. Thế nhưng, hầu như các cá nhân đều chỉ kê khai sau khi cơ quan thuế điểm mặt.
Kiểm soát luồng tiền với các triệu phú online ra sao?
Nhờ tính năng kiếm tiền, YouTube trở thành nền tảng làm giàu cho không ít người. Việc truy thu và xử phạt thuế từ thu nhập trên mạng xã hội như trên không phải là mới. Tuy nhiên, làm cách nào phát hiện và truy thu được tiền thuế của các cá nhân này mới lại là vấn đề. Ở Mỹ, tùy theo bang mà mức thuế dành cho tất cả thu nhập từ YouTube có thể lên đến 30%. Tuy nhiên, luật thuế Mỹ có những mức thu khác nhau. Nếu YouTuber tự đầu tư thiết bị, chi phí, đi lại, máy móc, văn phòng để phục vụ trên 40% cho công việc sản xuất nội dung, họ có thể kê khai để nhận mức khấu trừ thuế. Trong khi tại Việt Nam, mức thuế này chỉ được tính cố định 7% trên tổng thu nhập.
Thừa nhận việc thu thuế đối với những cá nhân kiếm tiền qua kênh YouTube hiện nay rất khó nhưng ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Chính sách thuế, Tổng cục Thuế, khẳng định vẫn có thể thực hiện được. Đồng thời, ông cho rằng quan trọng nhất là sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước để truy xuất dòng tiền thu nhập bất thường của các cá nhân, doanh nghiệp qua các mạng xã hội trên. “Tất cả ví điện tử, hay thẻ visa, thẻ master... đều phải thông qua Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được hoạt động. Các dòng tiền thanh toán đều được Ngân hàng Nhà nước cấp phép”, ông Huy cho hay.
Ngoài ra, việc công khai danh tính các cá nhân có biểu hiện né thuế, chây ì nộp thuế cũng cần đẩy mạnh để thúc đẩy quá trình tự giác nộp thuế nhanh hơn. Đặc biệt, theo Vụ trưởng Chính sách thuế, cần có giải pháp, cơ chế để các tập đoàn đa quốc gia như Google, Facebook phối hợp cung cấp thông tin giao dịch, các dòng tiền chi trả cho cơ quan thuế, từ đó mới xem xét được kênh tiếp cận để truy thu hiệu quả. Cũng cần cả sự vào cuộc của Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông để giám sát, quản lý thu thuế thương mại điện tử hiệu quả.
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, cho rằng cơ quan thuế phải tăng cường nhân sự và áp dụng công nghệ để theo dõi, thống kê và quản lý số lượng cá nhân trên các mạng. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với hệ thống ngân hàng để truy soát các dòng tiền chi trả từ nước ngoài. Ngoài ra, theo ông Đức, việc nêu tên người trốn thuế, né thuế rộng rãi như quy định là điều cần thiết nhằm mang tính răn đe lớn. Từ đó cũng góp phần làm giảm số người có hành vi gian lận, trốn thuế như thời gian qua.
Từ góc độ chủ kênh YouTube, Nguyễn Hữu Nhật, chủ kênh Wassup với gần 500.000 đăng ký cho biết: “Thuế nước mình 7% là khá thấp. Nhưng chưa linh hoạt cho từng trường hợp. Có người chỉ quay bằng điện thoại nhưng thu nhập rất cao. Có người lại đầu tư máy móc, diễn viên chuyên nghiệp nhưng thu nhập không cao bằng. Việc tạo ra khung giảm thuế sẽ giúp các nhà phát triển nội dung cảm thấy công bằng hơn. Từ đó, họ mới không chạy theo việc bất chấp mọi thứ để có lượt xem để tăng thu nhập”.
Lê Liên