“Dấu hiệu” điện thoại đang bị nghe lén
Sự việc Công ty Việt Hồng kinh doanh phần mềm (PM) nghe lén điện thoại, với hơn 14.140 máy smartphone đã tải và cài đặt PM nghe lén làm nhiều người vô cùng lo lắng.
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bât trong tuần: Báo mạng sẽ là chủ lực trong tương lai
- Cách xử lý phần mềm nghe lén trên smartphone
- Tiết lộ của Vodafone về việc chính phủ 6 nước nghe lén các cuộc gọi
- Dè chừng với thiết bị nghe lén có khả năng định vị GPS
- Không còn sợ… nghe lén trên di động
- Nghe lén điện thoại dễ như chơi!
- Các cuộc gọi trên iPhone có thể bị nghe lén
Tính chất vụ việc vô cùng nguy hiểm
Việc Thanh tra Sở TT-TT Hà Nội phối hợp với Phòng Cảnh sát PCTP Công nghệ cao (PC50) - Công an TP.Hà Nội mới đây vừa điều tra và bắt giữ Cty TNHH Việt Hồng (110 Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội), vì hành vi kinh doanh 2 phần mềm (PM) giám sát, theo dõi điện thoại trái phép là Ptracker (cho cá nhân) và PtrackerERP (cho DN), đều sử dụng trên thiết bị chạy hệ điều hành Android.
Đầy rẫy các PM nghe lén điện thoại trên các trang mạng.
Tại thời điểm kiểm tra số lượng tài khoản từng cài Ptracker là 14.140 tài khoản, trong đó số lượng tài khoản chưa bị xóa dữ liệu thông tin riêng của người sử dụng điện thoại là 7.447 tài khoản (còn lưu tại máy chủ của Việt Hồng). Hiện, khoảng 600 tài khoản còn thời hạn sử dụng các PM này.
Kết quả điều tra bước đầu xác định, PM giám sát điện thoại Ptracker của Cty Việt Hồng vào được máy điện thoại người cần giám sát theo hai cách: Một là, ai đó dùng máy điện thoại cần giám sát tải PM theo địa chỉ trang web o.vhc.vn; Và, hai là, soạn tin nhắn theo cú pháp gửi đến đầu số 8189 để lấy đường link tải PM về.
Khi máy điện thoại bị cài đặt phần mềm Ptracker, tất cả các dữ liệu trong máy như danh bạ, tin nhắn, các cuộc gọi, lịch sử truy cập web… đều được lưu lại và đẩy lên máy chủ của Cty Việt Hồng. Điều này đồng nghĩa với việc, mọi thao tác về mật khẩu hộp thư, tài khoản ngân hàng, hay các tài khoản khác của chủ thuê bao đều bị lộ.
Theo Đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng Phòng PC50 - Công an TP.Hà Nội, quá trình điều tra vụ việc này thấy khá nhiều trường hợp người thân trong gia đình giám sát lẫn nhau. Họ nghĩ đơn giản rằng, chỉ mình biết những thông tin về người bị giám sát, nhưng thực tế không phải vậy, tất cả những thông tin cá nhân này cũng được máy chủ của Cty Việt Hồng lưu giữ. Nếu phần mềm này được đặt ở máy chủ ở nước ngoài thì hoàn toàn mất tầm kiểm soát.
Cũng theo Đại tá Sơn, các đối tượng quản lý máy chủ, hoặc bị các đối tượng xấu mua lại và sử dụng các thông tin của người bị giám sát để đánh cắp tiền, hoặc dùng những thông tin nhạy cảm để khống chế, tống tiền, nhất là với những người có địa vị xã hội, chính khách… thì hậu quả sẽ rất lớn.
Dấu hiệu để nhận biết máy điện thoại đang bị theo dõi
Theo Đại tá Sơn, với những smartphone bình thường, khó có thể nhận biết máy mình có bị cài PM giám sát hay không, vì PM này được cài ẩn, không hiển thị trên màn hình điện thoại. Đối với các máy này, chỉ với các thiết bị chuyên dùng của cơ quan chức năng mới có khả năng phát hiện.
Tuy nhiên, ông Sơn cho biết, vẫn có những “dấu hiệu” để nhận biết được rằng máy mình đang bị theo dõi, chẳng hạn như trong trường hợp máy điện thoại đang dùng bình thường bỗng nhiên có hiện tượng hao pin nhanh, tự động bật - tắt chế độ 3G, GPRS, hoặc tự nhiên xuất hiện những PM mà ta không cài đặt cho nó, hay cước phí điện thoại đột nhiên tăng cao (trong khi nhu cầu sử dụng vẫn vậy)… Nói chung, đây là những “dấu hiệu” mà có nhiều khả năng máy điện thoại đã bị cài đặt PM Ptracker hoặc một PM giám sát nào đó mà chúng ta không biết.
Việc cho người khác mượn máy (dù chỉ trong phút chốc) cũng có nguy cơ. Do vậy, ông Sơn khuyên người dùng cần quản lý tốt máy điện thoại của mình, tránh để người lạ, người không đáng tin cậy tiếp cận với nó. Cạnh đó, khi sử dụng, không nên truy cập vào các đường link lạ, trang web đen, trang web không rõ nguồn gốc để tránh bị các đối tượng cài mã độc vào máy điện thoại của mình mà không biết.
Thanh Trà (tổng hợp)