Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam tăng hơn 51%
Trong 11 tháng, Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài đạt gần 598,7 triệu USD, tăng 51,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 151 dự án mới và 22 lượt điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đạt gần 598,7 triệu USD, tăng 51,6% so với cùng kỳ.
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 16 ngành. Trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ (chiếm 33,5% vốn); công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 18,2% vốn); sản xuất phân phối điện (chiếm 15,8%). Còn lại là các ngành khác.
Trong 31 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, Indonesia là nước dẫn đầu với nhiều nhất (chiếm 23%). Tiếp theo là Lào (chiếm 26,8%) và Ấn Độ (chiếm 15%).
Lũy kế đến hết tháng 11, Việt Nam đã có 1.813 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam hơn 22,5 tỷ USD.
Trong đó, tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (chiếm 31,2%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (chiếm 15,1%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào ( chiếm 25%); Campuchia ( chiếm 13%); Venezuela ( chiếm 8,1%);…
Ở chiều ngược lại, trong 11 tháng, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế đến ngày 30/11, cả nước có 41.720 dự án ĐTNN còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 496,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 318,9 tỷ USD, bằng 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.