Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác kiểm sát
Thực hiện chủ trương cải cách, hiện đại hóa nền tư pháp, ngành kiểm sát tỉnh Bình Định đang đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ vụ án, báo cáo án bằng hình ảnh, trình chiếu các tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Ảnh minh họa.
Ứng dụng CNTT trong báo cáo án
Vụ án do bị cáo Đinh Thị Thủy (SN 1971, xã Canh Liên, huyện Vân Canh) cùng đồng bọn phạm các tội “Hủy hoại rừng”; “Chống người thi hành công vụ” và “Cố ý gây thương tích” có nhiều tình tiết, nhiều bị cáo, phạm nhiều tội danh nên Viện KSND huyện Vân Canh đã tổ chức báo cáo nội dung vụ án bằng sơ đồ tư duy. Theo đó, vụ án được thể hiện dưới dạng sơ đồ đã phản ánh đầy đủ nội dung, nguyên nhân phạm tội, diễn biến hành vi của từng bị cáo, hậu quả, các chứng cứ buộc tội, vai trò của các bị cáo trong vụ án.
Đối với các vụ án nhiều tình tiết, phức tạp, việc áp dụng sơ đồ tư duy là rất cần thiết. Ông Nguyễn Công Binh, Viện trưởng Viện KSND huyện Vân Canh cho biết, cách làm này giúp kiểm sát viên hệ thống lại toàn bộ diễn biến quá trình tố tụng, sắp xếp logic các tình tiết của vụ án. Từ đó, dễ dàng phát hiện những thiếu sót, vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án, giúp lãnh đạo Viện nắm bắt toàn bộ nội dung vụ án, có thể sớm định hướng chỉ đạo chính xác cho kiểm sát viên.
Trong khi đó, với lượng án thụ lý lớn và có tính chất phức tạp, Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội (Viện KSND tỉnh) cũng thường xuyên phải thảo luận trực tiếp hoặc trực tuyến xin ý kiến chỉ đạo nhanh chóng từ cấp trên.
Như vụ án liên quan bị cáo Đặng Văn Em (SN 1987, ở huyện Phù Mỹ) phạm tội “Giết người”, “Cướp tài sản” bị TAND tỉnh tuyên phạt tử hình và Viện đã trao đổi án bằng hình thức trực tuyến đến Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng để xin ý kiến kháng nghị và được giảm án còn chung thân.
Ngoài ra, Viện KSND 2 cấp tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh công tác số hóa hồ sơ vụ án, qua đó nâng cao tính thuyết phục đối với những người tham gia tố tụng, bảo đảm tính chính xác, khách quan. Nhờ đó, hồ sơ phải trả để điều tra bổ sung giữa Viện KSND 2 cấp với các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ chiếm 0,35% (thấp hơn 4,65% so với chỉ tiêu của Quốc hội và của ngành). Đặc biệt, tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 100% và truy tố đúng tội danh đạt 100% cũng như không có bị can phải đình chỉ điều tra do không phạm tội, không có án quá hạn luật định.
Tạo đột phá trong công tác kiểm sát
Để công tác chuyển đổi số được thực hiện hiệu quả, toàn diện, Viện KSND 2 cấp của tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số ngành KSND tỉnh. Phối hợp với TAND triển khai sử dụng hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến phiên tòa từ phòng xử án đến phòng lãnh đạo Viện KSND và TAND 2 cấp; xây dựng tham luận và các báo cáo bằng video clip, thực hiện hội nghị truyền hình trực tuyến, văn phòng điện tử, trang tin, thư điện tử của ngành, chữ ký số; triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin của Viện KSND 2 cấp…
Ông Trần Văn Sang, Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho biết, trong bối cảnh khối lượng công việc cần xử lý ngày càng lớn, đội ngũ nhân lực có hạn, việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số là tất yếu. Toàn ngành đã và đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác nghiệp vụ, trong đó, tập trung số hóa hồ sơ vụ án, xây dựng sơ đồ tư duy trong báo cáo án, đề xuất giải quyết vụ án; người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải phát huy vai trò, trách nhiệm gắn với việc tăng cường quản lý, kiểm tra chặt chẽ thường xuyên, bảo đảm việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số đi vào thực chất, góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát./.