Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng
Ngành ngân hàng đang đứng trước sự chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình kinh doanh truyền thống sang ngân hàng số. Thậm chí, mô hình kinh doanh mới này trở thành nhu cầu tất yếu giúp các nhà băng vượt lên thách thức, tạo lợi thế cạnh tranh, chủ động thích ứng và phát triển bền vững trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và sự nổi lên của kinh tế số.
Xu thế chung không thể bỏ qua
Kênh phân phối bán hàng qua ngân hàng trên toàn cầu đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ giao dịch tại quầy sang các kênh khác như online, điện thoại và đặc biệt là di động. Cụ thể, số liệu được công bố năm 2018, nếu năm 2015 giao dịch ngân hàng tại quầy còn chiếm 22% trên toàn cầu thì khả năng đến năm 2020 sẽ chỉ còn khoảng 8%. Các chuyên gia đánh giá, việc triển khai ngân hàng số sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả ngân hàng lẫn khách hàng thông qua việc tiết giảm chi phí, gia tăng sự thuận tiện và mở rộng mạng lưới phục vụ. Việc vận hành một ngân hàng số sẽ ít tốn chi phí hơn rất nhiều so với mô hình truyền thống. Một nguyên nhân khác khiến ngân hàng đầu tư mạnh vào công nghệ là nhằm tăng nguồn thu từ dịch vụ, từ đó giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng. Theo một số khảo sát gần đây, mở rộng thanh toán số là một trong những xu thế của ngân hàng bán lẻ toàn cầu. Đó cũng là yếu tố thúc đẩy đột phá trong ngân hàng hiện nay.
Quá trình chuyển đổi số trở thành nhu cầu tất yếu giúp các ngân hàng vượt lên thách thức, tạo lợi thế cạnh tranh, chủ động thích ứng và phát triển bền vững trong bối cảnh CMCN lần thứ tư và sự nổi lên của kinh tế số. Xu thế số hóa mạnh mẽ buộc ngành tài chính ngân hàng phải chuyển mình đổi mới để theo kịp thời đại, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau hoặc bị đào thải.
Bùng nổ tiến bộ công nghệ tài chính
Tiềm năng để phát triển chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam là rất lớn. Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ngân hàng số nhờ quy mô dân số lớn với 96 triệu dân, cơ cấu dân số vàng (56 triệu người tham gia thị trường lao động); tỷ lệ người dân sở hữu điện thoại thông minh ở mức cao (72%); 62 triệu thuê bao 3G/4G kết nối Internet, giới trẻ ưa thích công nghệ.
Thời gian qua ngành ngân hàng Việt Nam đã tiên phong trong việc tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bằng cách áp dụng những tiến bộ công nghệ tài chính (fintech) vào các ứng dụng như thanh toán qua di động, mã QR chuẩn hóa, ví điện tử, số hóa thông tin thẻ, thanh toán thẻ chíp đối với thẻ nội địa…Trong quý I/2019, tăng trưởng thanh toán di động tăng 232% về giá trị và 98% về số lượng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán bằng di động ở Việt Nam đã tăng lên 61% từ mức 27% của năm 2018.
Nhiều ngân hàng đã nghiên cứu và triển khai chiến lược chuyển đổi số bước đầu với ứng dụng internet vạn vật (IoT) cho phép khách hàng truy cập sử dụng dịch vụ ngân hàng, kết nối với các hệ sinh thái số khác trên nền tảng internet (dịch vụ ngân hàng số Timo của VPbank, Live bank của TPbank, E-Zone của BIDV,...) hoặc cung ứng các dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng được cài đặt ngay trên điện thoại di động (mobile banking). Những chuyển đổi mạnh mẽ này đã giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tới mọi người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia công nghệ, bên cạnh việc đầu tư phát triển công nghệ của rất nhiều các ngân hàng hiện nay chỉ dừng lại ở khâu triển khai dịch vụ số như: Internet Banking, Mobile Banking, liên kết hoặc đầu tư vào các ví điện tử, phát hành ứng dụng... thì một số ngân hàng đã có "cú bứt phá" ngoại mục. Điều đó, không chỉ làm thay đổi hình ảnh của ngân hàng đó mà còn tạo ra cục diện mới cho bức tranh số hóa cho ngành ngân hàng Việt Nam.
Cùng nhau vượt qua thách thức
Bên cạnh những cơ hội thì các ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong thay đổi mô hình quản trị, kinh doanh, cấu trúc sản phẩm, dịch vụ thích ứng với xu hướng khách hàng thế hệ số, nền kinh số cũng như thách thức trong phòng ngừa rủi ro an ninh mạng và bảo vệ bí mật thông tin khách hàng... Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mới tích hợp công nghệ trong các hoạt động và số hóa trong các quy trình nghiệp vụ theo hướng tự động, thông minh, giúp ngân hàng có thể tiến hành kinh doanh cung ứng sản phẩm dễ dàng trên nền tảng số, khai thác các dữ liệu hiệu quả để gia tăng trải nghiệm và gắn kết khách hàng. Đồng hành cùng hệ thống các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ hỗ trợ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng là một trong những giải pháp để các ngân hàng vượt qua thách thức này. Trước hết là việc sớm hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực ngân hàng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo thuận lợi thúc đẩy mô hình kinh doanh, quản trị điều hành trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng bứt phá, đổi mới sáng tạo những vẫn chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế rủi ro.
Xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ theo hướng đồng bộ, tập trung thống nhất khả năng tích hợp, kết nối với các ngành lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số và nâng cao chất lượng phục vụ tăng tính tiện ích trải nghiệm cho khách hàng. Ưu tiên đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ 4.0 vào hoạt động ngân hàng; phát triển ngân hàng theo mô hình ngân hàng số, trong đó lấy thanh toán số làm cửa ngõ để kết nối liền mạch với các ngân hàng khác...
Đặc biệt, coi nguồn nhân lực ngân hàng có chất lượng là nhân tố quyết định trong chuyển đổi số ngân hàng, phát triển ngân hàng số tại Việt Nam; chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Ngân hàng giúp người lao động ngành Ngân hàng được trang bị những kỹ năng phát triển năng lực thích ứng với bối cảnh CMCN lần thứ 4.
Phương Lê