Việt Nam đón đầu làn sóng khởi nghiệp công nghệ
Khởi nghiệp công nghệ đang làm thay đổi thế giới từng phút, từng giờ. Các công ty công nghệ vẫn đang kêu gọi hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư và Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi này. Bức tranh đầu tư khởi nghiệp mảng công nghệ tại Việt Nam đã có những điểm rất sáng thời gian gần đây. Cơ hội vàng nào để Việt Nam tạo nên những kỳ lân công nghệ trong thời gian tới?
Khởi nghiệp công nghệ vươn lên mạnh mẽ
Việt Nam đang được xem là điểm đến đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư nhờ vào sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, đầu tư xây dựng hạ tầng (dẫn đầu Đông Nam Á tính trên phần trăm GDP), sự hấp dẫn của cơ cấu dân số vàng (60% dân số dưới 35 tuổi) và tầng lớp trung lưu đang ngày càng gia tăng (dự kiến 44 triệu người vào năm 2020). So sánh với tuổi trung bình của Hàn Quốc hiện là 43 tuổi thì tuổi trung bình của Việt Nam hiện chỉ 29 tuổi. Số người dùng Internet và điện thoại thông minh của Việt Nam cũng khá cao, lần lượt chiếm 65% và 51% dân số. Bên cạnh đó, vai trò của các doanh nghiệp lớn và sự xuất hiện quỹ đầu tư mạo hiểm công ty (Corporate Ventures Capital - CVC) tại Việt Nam đã góp phần làm bùng lên ngọn lửa đầu tư khởi nghiệp công nghệ. Năm 2015, tập đoàn FPT đã khởi xướng hình thức quỹ đầu tư này, tuy nhiên số vốn không lớn. Đến năm 2018, Vingroup tuyên bố đầu tư với mức cam kết lên đến 100 triệu đô la Mỹ. Và từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam cũng đã bắt đầu lên tiếng về kế hoạch đầu tư, chẳng hạn Vietjet Air. Các chuyên gia đều đánh giá rất cao vai trò của các CVC trong việc phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp họ vừa có những mối quan hệ với những tập đoàn đầu ngành, vừa có cơ hội tiếp cận, hội nhập nhanh vào sự phát triển hệ sinh thái. Sự vào cuộc mạnh mẽ của các CVC được xem như tín hiệu đèn xanh mời gọi các nhà đầu tư vào Việt Nam. Cơ hội thoái vốn của thị trường Việt Nam cũng được cho là cao. Năm 2018, tổng thị trường thoái vốn đầu tư công nghệ khoảng 250 triệu đô la Mỹ. Dù việc thoái vốn thường diễn ra cuối năm, nhưng chỉ tính nửa đầu năm 2019, Việt Nam đã có 10 thương vụ thoái vốn. Giá trị thoái vốn dù chưa nhiều, song các chuyên gia kinh tế dự đoán thị trường Việt Nam sẽ có sự bùng phát thoái vốn vào cuối năm nay. Dược phẩm, du lịch, vận chuyển, bảo hiểm, bất động sản, và giáo dục tiếp tục là những mảng phát triển, khai phá đầu tư. Các chuyên gia kinh tế cũng dự đoán, Việt Nam sẽ sớm có những thương vụ đầu tư trên 100 triệu đô la Mỹ (Mega Deal) cũng như xuất hiện nhiều kỳ lân khởi nghiệp công nghệ trong thời gian tới.
Lợi thế là rất nhiều để tiếp tục “bùng nổ”
Reid Kirchenbauer, nhà đầu tư kiêm sáng lập InvestAsian cho rằng các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam có khả năng tiếp cận tất cả các điều kiện cần thiết để sản sinh ra các công ty công nghệ trị giá hàng triệu đô la.
Việt Nam đang sở hữu nguồn nhân lực với chất lượng rất cao trong ngành khoa học máy tính. Một kỹ sư phần mềm của Google đã nói rằng Việt Nam sở hữu những sinh viên khoa học máy tính có hiệu suất cao nhất thế giới, nhiều bạn chinh phục các câu hỏi phỏng vấn về xử lý vấn đề xuất sắc. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng xếp hạng thanh thiếu niên Việt Nam cao về toán và khoa học. Chi phí lao động của Việt Nam cũng rẻ hơn so với Trung Quốc. Khi chi phí lao động tăng lên, nhiều công ty đa quốc gia cũng đã dịch chuyển sang các quốc gia lân cận như Việt Nam, Philip- pines, Campuchia. Sự tăng đột biến về đầu tư sản xuất, chi phí thấp, các quy định ở mức tối thiểu nhằm thu hút FDI đã trở thành động lực không nhỏ cho các nhà đầu tư tiềm năng.
Việt Nam cũng là một thị trường lớn cho các sản phẩm công nghệ. Đất nước này có dân số trẻ, am hiểu công nghệ với độ tuổi trung bình là 30. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ chấp nhận các sản phẩm công nghệ ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các quốc gia khác. Với bối cảnh công nghệ phát triển được xem là nhanh nhất ở châu Á, các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam nhiều khả năng sẽ nhận được số tiền đầu tư ngày càng tăng trong thập kỷ tới.
Hữu Ích