Đầu tư cho lĩnh vực khoa học và công nghệ tăng cao
Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh 4.0 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), năm 2019, Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số và tăng hạng tốt nhất toàn cầu. Đây cũng được coi là năm thuận lợi đối với ngành khoa học và công nghệ Việt Nam khi nhận được sự quan tâm, khuyến khích và định hướng phát triển của Chính phủ. Nhờ đó, đầu tư cả trong và ngoài nước cho lĩnh vực này đều tăng cao so với năm trước.
Quy mô doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại Việt Nam
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những tác động không nhỏ đến nền kinh tế thế giới; sự áp dụng thành công trong lĩnh vực khoa học robot, In- ternet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big data), điện thoại di động và công nghệ in 3D (3D printing) sẽ thúc đẩy năng suất lao động toàn cầu và mở ra kỷ nguyên mới cho ngành khoa học công nghệ. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do quy mô lớn như Hiệp định CPTPP, EVFTA, VN-EAEUFTA…, việc tiếp cận những thành tựu cách mạng sản xuất mới sẽ tạo ra công cụ đắc lực giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy, đầu tư cho doanh nghiệp khoa học công nghệ tại Việt Nam hiện đang được coi là chính sách chiến lược, tạo đà cho sự tăng trưởng và phát triển của khoa học công nghệ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Tại Việt Nam những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành khoa học công nghệ đang ngày càng tăng mạnh và được đầu tư bài bản. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thời điểm năm 2012, cả nước chỉ có 28,9 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ; đến năm 2018, con số này đã tăng lên thành 49,8 nghìn doanh nghiệp. Qua các năm, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng không ngừng tăng lên, cụ thể: Năm 2016, số doanh nghiệp khoa học công nghệ đăng ký thành lập mới là 8.430 doanh nghiệp, năm 2017 có 9.392 doanh nghiệp, năm 2018 có 9.964 doanh nghiệp. Thống kê 9 tháng đầu năm 2019, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 8.621 doanh nghiệp, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Xu hướng dịch chuyển khiến đầu tư nước ngoài tăng lên
Trong năm 2019, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, đặc biệt căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang đã khiến cho nhiều doanh nghiệp công nghệ có xu hướng chuyển dịch trụ sở, nhà máy sản xuất ở Trung Quốc sang quốc gia khác để tránh ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại. Trong khi đó, Việt Nam với nền kinh tế ngày càng tăng trưởng, lực lượng lao động trẻ dồi dào, luôn mở rộng cánh cửa hội nhập, hợp tác và đầu tư đang là điểm đến mà nhiều quốc gia hướng tới. Nhờ đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam đang có nhiều điểm sáng. Theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số dự án của ngành khoa học công nghệ xếp thứ 3 trong số những ngành nhận được đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (chỉ đứng sau ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo và Bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy). Theo đó, lũy kế đến quý III năm 2019, đầu tư nước ngoài (FDI) cho hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ có 3.110 dự án còn hiệu lực (tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2018) với số vốn lên tới 3.128 triệu USD (tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2018). Chỉ tính riêng tháng 9 đã có 358 dự án được cấp mới (tăng 26% so với cùng kỳ năm 2018) với tổng vốn đăng ký 1.231 triệu USD (tăng 36,6% so với cùng kỳ năm 2018). Số liệu của riêng tháng 9/2019 cho thấy, chỉ với 358 dự án, nhưng số tiền đầu tư chiếm tới gần 40% tổng số tiền đầu tư của 3.110 dự án. Như vậy, nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho doanh nghiệp khoa học công nghệ tại Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh cả về số lượng và quy mô của dự án.
Chủ trương của Nhà nước
Bên cạnh đó, việc khơi thông và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang là chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm trong bối cảnh hiện nay. Từ thực tiễn khoa học và công nghệ có vai trò then chốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020. Mục tiêu cụ thể đặt ra đến năm 2020 là: (1) Đến năm 2020, khoa học và công nghệ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt trên 20%/năm giai đoạn 2016- 2020 và giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 15-17%/năm. (2) Số lượng công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước tăng trung bình 15-20%/năm. Số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ giai đoạn 2016-2020 tăng 2 lần so với giai đoạn 2011-2015, trong đó đặc biệt tăng nhanh số lượng sáng chế được tạo ra từ các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước. (3) Phấn đấu tăng tổng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ đạt trên 2% GDP. Bảo đảm mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ không dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm. (4) Số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 11-12 người trên một vạn dân; đào tạo và sát hạch theo chuẩn quốc tế 10.000 kỹ sư đủ năng lực tham gia quản lý, điều hành dây chuyền sản xuất công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của đất nước. (5) Hình thành 60 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới, đủ năng lực giải quyết những vấn đề trọng yếu quốc gia đặt ra đối với khoa học và công nghệ; 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ; 60 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao. Theo đó, tổng dự toán chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp khoa học công nghệ giai đoạn 2016- 2019 đã được Quốc hội thông qua tại các nghị quyết về phân bổ ngân sách hàng năm là 46.729 tỷ đồng. Trong đó, mức chi cho năm sau được bố trí tăng cao hơn năm trước nhằm thúc đẩy sự phát triển, cụ thể: Năm 2016 là 10.471 tỷ đồng; năm 2017 là 11.243 tỷ đồng; năm 2018 là 12.190 tỷ đồng; năm 2019 là 12.825 tỷ đồng. Đồng thời, đầu tư cho khoa học và công nghệ còn được bố trí trong các khoản chi cho quốc phòng, an ninh và từ nguồn ưu đãi thu nhập tính thuế để trích lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp theo quy định hiện hành. Ngoài ra, những năm qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và ban hành nhiều nhóm cơ chế chính sách nhằm khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào phát triển khoa học công nghệ. Trong đó có thể kể đến các chính sách như: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT/BTC- BKHCN,Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC.
Minh Hà