Đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến vừa đề nghị các bên liên quan phải linh hoạt trong các quy trình khảo nghiệm, kiểm nghiệm để hỗ trợ Công ty CP Tập đoàn Dabaco đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi.
- Bình Thuận: Triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho hơn 126.000 trẻ từ 5 - 12 tuổi
- Dự kiến 9/4, lô vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ về đến Việt Nam
- Vaccine dịch tả lợn châu Phi của Việt Nam sẵn sàng ra thị trường
- Zalo trở thành cầu nối trong công tác phòng chống dịch tại Bắc Giang
- Bộ Xây xựng kiểm tra hạ tầng phòng, chống dịch tại các tỉnh phía Nam
- Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tăng cường kiểm soát dịch tại các phường, xã
Tại buổi làm việc với Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ghi nhận những nỗ lực sản xuất vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) của công ty.
Đó là có phòng xét nghiệm đạt chuẩn An toàn sinh học cấp III, triển khai xây dựng nhà máy sản xuất thuốc thú y CNC đạt chuẩn GMP-WHO (hướng dẫn thực hành tốt sản xuất thuốc do Tổ chức Y tế Thế giới xây dựng, và được hầu hết các cơ sở sản xuất thuốc ở Việt Nam áp dụng và thực hiện).
Công ty đã tiếp nhận giống virus nhược độc chủng ASFV-G-DeltaI177L/DeltaLVR và tế bào dòng thường trực PIPEC từ Bộ Nông nghiệp Mỹ. Trên cơ sở đó, Dabaco đã nghiên cứu và sản xuất thành công vaccine nhược độc đông khô chủng ASFV-G-DeltaI177L/DeltaLVR và đưa ra quy trình sản xuất vaccine trong phòng thí nghiệm.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (bên trái) kiểm tra công tác sản xuất, điều chế vacxin tại Công ty Dabaco.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chỉ rõ 3 vấn đề Dabaco cần giải quyết rốt ráo trước khi thương mại hóa sản phẩm vaccine DTLCP, như chưa có ngày lấy mẫu chính thức vaccine; hồ sơ về đặc tính sinh học của vaccine chưa hoàn thiện; nhà máy sản xuất thuốc CNC chưa khánh thành nên chưa thể thẩm định và lưu hồ sơ tại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương I.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay: "Doanh nghiệp cần sớm hoàn thiện các thủ tục liên quan đến hồ sơ thẩm định giống, hồ sơ tế bào và quy trình sản xuất vaccine một cách sớm nhất. Bằng mọi giá phải đẩy nhanh việc sản xuất vaccine để đưa vào thực tiễn sản xuất".
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý Cục Thú y và doanh nghiệp thực hiện các công đoạn một cách bài bản, đúng quy định, nhất là trong những vấn đề về liều lượng, thời điểm, độ dài miễn dịch, đáp ứng miễn dịch, cũng như thí nghiệm, khảo nghiệm cả trên diện hẹp lẫn diện rộng.
Hình ảnh virus dịch tả lợn châu Phi qua kính hiển vi.
"Nghiên cứu sản xuất vaccine DTLCP đang ở giai đoạn cuối. Nếu không làm một cách khoa học, chúng ta có thể tuột mất cơ hội. Do đó, đề nghị các bên liên quan phải linh hoạt trong các quy trình khảo nghiệm, kiểm nghiệm, thậm chí thành lập một tổ công tác của Cục Thú y để hỗ trợ Dabaco đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine", ông Tiến nhấn mạnh.
Từ kinh nghiệm phòng, chống dịch lở mồm long móng, lợn tai xanh, lãnh đạo ngành nông nghiệp khẳng định, vaccine là phương thuốc tốt nhất, hữu hiệu nhất để dứt điểm dịch bệnh. Ông gợi ý doanh nghiệp lên sẵn nhiều kịch bản, "không thể ngồi chờ một công đoạn mà phải tính toán cho cả quy trình". Đồng thời tổ chức tuyển dụng, tập huấn, đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Bảo đảm nguồn cung vaccine không chỉ cho đàn lợn 30 triệu con ở Việt Nam, mà còn là cả thị trường thế giới.
Với tinh thần chậm một ngày là người dân khổ một ngày, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cam kết tạo môi trường thuận lợi nhất cho những doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất vaccine phòng DTLCP như Dabaco. Ông coi đây là một bước tiến quan trọng, góp phần giúp giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt mức tăng 5,5-6% trong năm 2022.
Trước chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dabaco Nguyễn Như So cam kết làm đến đâu chắc đến đấy. Bên cạnh đó, ông kiến nghị Bộ NN-PTNT, Cục Thú y tiếp tục hướng dẫn công ty hoàn thiện thủ tục pháp lý, cũng như quy trình sản xuất vaccine để sớm đưa vaccine phòng DTLCP đến tay bà con nông dân.
PV (T/h)