ĐBQH đề nghị bổ sung hành vi bị cấm quảng cáo trên môi trường mạng

11:18, 26/11/2024

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, hiện nay chúng ta kiểm soát rất chặt về quảng cáo trên truyền hình, trên báo chí nhưng trên mạng xã hội thì rất lỏng lẻo do thiếu hành lang pháp lý cũng như sự đa dạng, phức tạp khó quản lý của các hoạt động trên môi trường mạng như báo cáo tổng kết cũng nêu.

Bổ sung hành vi bị cấm quảng cáo trên môi trường mạng

Chiều 25/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. 

Góp ý về quảng cáo trên mạng, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho biết, Điều 23 sửa đổi bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với quảng cáo trên môi trường mạng, trong đó có quy định về quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo trên mạng. Dự thảo quy định trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin quy phạm pháp luật, tiếp nhận thông báo và gửi giấy xác nhận cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng.

Tuy nhiên, dự thảo chỉ mới xác định trách nhiệm tự gỡ bỏ của người quảng cáo, trách nhiệm cụ thể của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong khi đó chưa rõ các cơ quan chức năng có thẩm quyền là những cơ quan khác.

Đại biểu cũng cho rằng, hiện nay chúng ta kiểm soát rất chặt về quảng cáo trên truyền hình, trên báo chí nhưng trên mạng xã hội thì rất lỏng lẻo do thiếu hành lang pháp lý cũng như sự đa dạng, phức tạp khó quản lý của các hoạt động trên môi trường mạng như báo cáo tổng kết cũng nêu. Nếu thiếu cơ chế kiểm soát, phát hiện xử lý qua, chúng ta không đạt được mục tiêu phòng ngừa, ngăn ngừa, răn đe hoạt động quảng cáo có vi phạm trên môi trường mạng, thì chúng ta cũng không làm tốt, hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đang bùng nổ phổ biến hiện nay, mà chỉ là chạy theo giải quyết hậu quả, thiệt hại khi có khiếu nại, tố cáo và phát hiện sai phạm qua thanh tra, kiểm tra. 

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An (Ảnh: quochoi.vn)

Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa Luật Quảng cáo lần này bổ sung thêm các hành vi cấm tương ứng với đặc thù quảng cáo trên môi trường mạng và bổ sung điều hay thêm chương riêng về điều kiện, cách thức, trình tự rất rõ ràng, cụ thể về đưa sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo lên mạng hoặc loại sản phẩm hàng hóa dịch vụ không được phép quảng cáo lên không gian mạng hoặc những hành vi chia sẻ lên mạng không phải là quảng cáo mà như là quảng cáo.

Về cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo (bổ sung khoản 5 sau khoản 4, Điều 31 sửa đổi, bổ sung), dự thảo luật quy định tự chịu trách nhiệm của người, đơn vị quảng cáo, đại biểu đề nghị cân nhắc bởi biển hiệu, bảng quảng cáo có kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn thì cần tính đến tính an toàn, chịu lực của công trình được gắn biển hiệu, bảng quảng cáo cũng như biển hiệu, bảng quảng cáo với kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng có thể bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng đến an toàn công trình lân cận và an toàn đối với cộng đồng trong quá trình khai thác, sử dụng. Hơn nữa, việc xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo cũng phải phù hợp với các yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc cảnh quan đô thị.

Cần có chế tài mạnh với các doanh nghiệp vi phạm nhiều lần

Phát biểu góp ý tại Phiên họp, đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá nội dung dự thảo Luật và các Báo cáo đã được chuẩn bị rất công phu, chi tiết. Quan tâm đến nội dung quy định về quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa đặc biệt, đại biểu bày tỏ đồng tình với quan điểm cần phải đảm bảo quản lý đối với các sản phẩm, dịch vụ đặc biệt như: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật…

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần cân nhắc việc liệt kê chi tiết các sản phẩm đặc biệt trong dự thảo Luật, vì các sản phẩm này thường xuyên biến động và có yếu tố chuyên môn cao. Thay vào đó, nên đưa ra cách thức quy định linh hoạt để có thể điều chỉnh khi cần thiết.

Liên quan đến nội dung về cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo, dự thảo Luật đang đề xuất nâng diện tích công trình quảng cáo từ 20m2 lên 40m2 để giảm thủ tục hành chính. Về nội dung này, đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng, vì các công trình quảng cáo lớn có thể tiềm ẩn nguy cơ về mất an toàn, đặc biệt là kết cấu khung kim loại gắn với công trình xây dựng cao tầng. Ngoài ra, dự thảo Luật chưa đề cập đến các hình thức quảng cáo ngoài trời mới. Do vậy, cũng cần bổ sung quy định cho đầy đủ để đảm bảo tính bao quát và linh hoạt trong quản lý.

Đại biểu cho rằng, việc xử lý quảng cáo vi phạm một cách nhanh chóng, nhằm ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực đến người tiêu dùng và xã hội là rất quan trọng. Vì tốc độ lan truyền internet hiện nay rất nhanh và rất rộng. “Do đó, tôi đề xuất xem xét bổ sung quy định về thời hạn xử lý quảng cáo vi phạm là phải tháo gỡ ngay hoặc là 12 giờ đối với các quảng cáo có nội dung ảnh hưởng nghiêm trọng đến người, quyền lợi người tiêu dùng và xã hội. Ví dụ như quảng cáo có tính chất kích động bạo lực, gian lận, lừa đảo, quảng cáo các sản phẩm cấm …”, đại biểu nêu quan điểm. 

Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần phải bổ sung thêm chế tài cụ thể như thông báo công khai hoặc phạt thật nặng với những tổ chức, cá nhân không tuân thủ đúng thời hạn hoặc có vi phạm nhiều lần.