Facebook dỡ bỏ lệnh cấm quảng cáo chính trị
Ngày 3/3, mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook thông báo sẽ cho phép các quảng cáo chính trị được đăng trở lại trên nền tảng của mình, chấm dứt lệnh cấm được áp đặt sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2020 nhằm ngăn chặn việc lan truyền thông tin sai lệch.
Giám đốc điều hành của Facebook Mark Zuckerberg cho biết anh muốn duy trì cách tiếp cận chặt chẽ với các bài phát biểu trên Facebook.
Trong thông báo của mình, Facebook cho biết sẽ dỡ bỏ lệnh cấm quảng cáo về các vấn đề chính trị, bầu cử và xã hội ở Mỹ kể từ ngày 4/3. Lệnh cấm tạm thời này vốn được áp đặt nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng hoặc gây rối trật tự sau ngày bầu cử 3/11/2020 tại Mỹ. Tuyên bố nêu rõ: "Không giống như các nền tảng khác, chúng tôi yêu cầu cấp phép và tính minh bạch không chỉ đối với quảng cáo chính trị và bầu cử, mà còn đối với các quảng cáo về các vấn đề xã hội".
Facebook cũng lưu ý rằng các quảng cáo chính trị và vấn đề xã hội sẽ đòi hỏi việc xác minh, cũng như đi kèm các tuyên bố từ chối trách nhiệm giải thích các thông điệp quảng cáo "được trả tiền" bởi một cá nhân hoặc tổ chức cụ thể. Công ty này cũng sẽ lưu trữ thông điệp trong thư viện quảng cáo nhằm cho phép giới nghiên cứu và người dùng theo dõi. Ngoài ra, trong những tháng tới, Facebook sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng cách thức hoạt động của các quảng cáo này trên dịch vụ của mình, qua đó đưa ra những thay đổi phù hợp.
Trước Facebook, tập đoàn Google của Mỹ cũng thông báo dỡ bỏ lệnh cấm quảng cáo chính trị hồi tháng 2 vừa qua.
Hai tập đoàn công nghệ trên, vốn đang thống trị trong lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số, đã tạm dừng cho phép đăng tải các thông điệp chính trị được trả tiền trong nỗ lực ngăn chặn việc phát tán các thông tin sai lệch và gây hiểu nhầm, đặc biệt là thông tin từ những người phản đối kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái với chiến thắng thuộc về ông Joe Biden. Tháng 12/2020, Facebook đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm, khi cho phép các quảng cáo liên quan đến cuộc bầu cử bổ sung ghế Thượng viện Mỹ ở bang Georgia hồi tháng 1 vừa qua.
Thiên Thanh (T/h)