Đề xuất Chương trình đào tạo nghiệp vụ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia
Trang bị cho người học kiến thức pháp lý về hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia và nghiệp vụ đánh giá để công nhận năng lực của người lao động ở các bậc trình độ kỹ năng theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.
Đối tượng đào tạo là cán bộ giảng dạy trong các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chuyên gia, cán bộ kỹ thuật trong doanh nghiệp.
Đây là mục tiêu chung Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặt ra tại dự thảo Thông tư ban hành Chương trình đào tạo về nghiệp vụ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.
Dự thảo nêu rõ mục tiêu cụ thể là sau khi tham gia khóa đào tạo, người học có khả năng hiểu được những căn cứ pháp lý và những đặc điểm chính của hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tiếp cận chuẩn quốc tế về đánh giá và công nhận kỹ năng nghề trong khu vực ASEAN và quốc tế để giải thích, tư vấn cho doanh nghiệp và người lao động tham dự kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.
Đồng thời, hiểu và vận dụng được nguyên tắc, yêu cầu, phương pháp, công cụ và quy trình đánh giá theo năng lực hành nghề để áp dụng phù hợp lĩnh vực ngành nghề; vận dụng có hệ thống cách thức tổ chức việc thực hiện đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động: cách phân công công việc; tiêu chuẩn thực hiện công việc; cách tổ chức thực hiện đánh giá bài kiểm tra kiến thức và thực hành và nguyên tắc, phương pháp chấm điểm bài kiểm tra thực hành nhằm bảo đảm tính chính xác, độc lập, khách quan, công bằng, minh bạch trong việc tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Đối tượng đào tạo
Theo dự thảo, đối tượng đào tạo là cán bộ giảng dạy trong các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chuyên gia, cán bộ kỹ thuật trong doanh nghiệp, nghệ nhân và các cá nhân khác tham gia công tác chuẩn bị kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia; tham gia thực hiện công tác giám sát kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia; tham gia ban giám khảo tại kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.
Điều kiện tham gia khóa đào tạo để xem xét cấp thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia theo từng bậc trình độ được quy định tại Điều 11 Nghị định số 31/2015/NĐ-CP ngày 24/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ nội dung chương trình tập trung đào tạo về nghiệp vụ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, gồm: Nghiệp vụ chuẩn bị thực hiện một kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia theo quy mô, đối tượng và các yêu cầu liên quan; nghiệp vụ thực hiện đánh giá và chấm điểm bài kiểm tra kiến thức, bài kiểm tra thực hành trong kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia; nghiệp vụ về giám sát và xử lý các tình huống phát sinh, các hành vi vi phạm (nếu có) trong kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Thiên Thanh (T/h)