Đề xuất cơ chế thử nghiệm sản phẩm dịch vụ hội tụ công nghệ số
Cơ chế thử nghiệm là việc cho phép thử nghiệm với phạm vi giới hạn về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng thử nghiệm đối với sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số, mô hình kinh doanh mới được tạo ra bởi hội tụ công nghệ số mà chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành...
Ảnh minh họa.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, một trong những chính sách đột phá của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là cơ chế thử nghiệm sản phẩm dịch vụ hội tụ công nghệ số.
Theo thống kê, năm 2024, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 152 tỷ USD, tăng 35,7% so với năm 2019. Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt 31,8%, tăng từ 21,35% vào năm 2019. Tổng số nhân lực đạt 1,67 triệu người, tăng 67% so với năm 2019. Toàn ngành hiện có khoảng 54.500 doanh nghiệp đang hoạt động.
Doanh thu công nghiệp công nghệ số tăng mạnh
Năm 2023, Việt Nam có 5 sản phẩm công nghiệp công nghệ số được xếp hạng top đầu thế giới: Đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; Đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; Đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; Đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử; Đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm.
Công nghiệp công nghệ số được coi là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số.
Công nghệ số là lực lượng sản xuất mới, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số cho sự phát triển của nhân loại… Để phát triển công nghiệp công nghệ số, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số.
Luật Công nghiệp công nghệ số khi được ban hành hỗ trợ sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước, tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.
Dự thảo Luật đã thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển toàn diện ngành công nghiệp công nghệ số như: Nghiên cứu và phát triển công nghệ số, Phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ số, thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ số toàn diện, Phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, và phát triển nguồn nhân lực công nghệ số.
Dự thảo luật cũng đề cập những chính sách ưu đãi vượt trội với hoạt động công nghiệp công nghệ số như ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số trên nguyên tắc tham chiếu đến các quy định về ưu đãi hiện hành trong pháp luật về đầu tư, thuế, tín dụng, công nghệ cao,…
Bên cạnh đó quy định thêm một số ưu đãi trọng tâm, trọng điểm cho một số dự án đặc biệt, đặc thù trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, tập trung vào sản phẩm trọng điểm, phần mềm, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, trung tâm xử lý và lưu trữ dữ liệu trí tuệ nhân tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ số, đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ số.
Cùng với việc đưa các quy định về cơ chế ưu đãi, hỗ trợ vào dự thảo luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ đang chủ trì sửa đổi các Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư,… để bảo đảm có chính sách ưu đãi cao nhất, trọng tâm, trọng điểm đối với những dự án có tính chất, quy mô đặc biệt, không dàn trải cho ngành công nghiệp công nghệ số bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tránh trùng lắp trong hệ thống pháp luật.
Cơ chế thử nghiêm, đáp ứng kịp thời sự phát triển, hội tụ nhanh của công nghệ số
Dự án luật có nhiều điểm mới trong đó đề cập đến các xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), tài sản số và tài sản mã hóa; công nghiệp bán dẫn.
Đặc biệt, một trong những chính sách đột phá của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là cơ chế thử nghiệm sản phẩm dịch vụ hội tụ công nghệ số.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới đã ban hành luật quy định về vấn đề này như Hàn Quốc, Nhật Bản…, Chính phủ đề xuất xây dựng quy định này nhằm đáp ứng kịp thời sự phát triển, hội tụ rất nhanh của công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực, tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số mà pháp luật chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.
Nguyên tắc thử nghiệm thực hiện tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành ngoại trừ các nội dung được cho phép thực hiện thử nghiệm; thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới có rủi ro thấp đối với người sử dụng và thị trường; có tính đổi mới, mang lại giá trị mới; có khả năng mở rộng sau khi thử nghiệm.
Việc thực hiện thử nghiệm bảo đảm công khai, minh bạch, tự nguyện, bình đẳng; giám sát chặt chẽ, thường xuyên (tăng cường chuyển đổi số, giám sát online); có cơ chế quản lý dữ liệu thử nghiệm. Cùng với đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đảm bảo an ninh và bảo mật dữ liệu cá nhân. Kết quả thử nghiệm là cơ sở để xem xét, quyết định đưa vào ứng dụng chính thức và hoàn thiện pháp lý.
Cơ chế thử nghiệm sẽ hình thành quy trình, nguyên tắc xét duyệt hồ sơ đề nghị thử nghiệm của doanh nghiệp và quy định rõ đầu mối tiếp nhận xử lý, quyết định cho phép thử nghiệm theo từng trường hợp căn cứ vào phạm vi, lĩnh vực thử nghiệm để bảo đảm tăng cường phân cấp, nhanh chóng, kịp thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số.
Dự thảo Luật dự kiến quy định cơ chế thử nghiệm theo hướng thúc đẩy phát triển và bảo đảm cơ chế thử nghiệm có thể được áp dụng đối với các lĩnh vực; có quy định miễn trừ trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính cho cơ quan, người có thẩm quyền cấp phép và tổ chức, doanh nghiệp tham gia thử nghiệm trong trường hợp các cá nhân, tổ chức thực hiện không vụ lợi và tuân thủ đúng, đủ quy định của pháp luật; đối với vấn đề miễn trách nhiệm hình sự, áp dụng theo quy định hiện hành của Bộ luật Hình sự.