Đề xuất quy định về sở hữu trong kinh doanh dịch vụ viễn thông
Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất quy định về sở hữu trong kinh doanh dịch vụ viễn thông.
Dự thảo Nghị định nêu rõ, một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông thuộc Danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.
Doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ viễn thông thuộc Danh mục quy định có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông (Cục Viễn thông) theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông khi có thay đổi trong danh sách tổ chức, cá nhân sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp.
Xử lý vụ việc cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông
Theo dự thảo, việc điều tra, xử lý các vụ việc hạn chế cạnh tranh và vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế trong kinh doanh dịch vụ viễn thông thực hiện theo quy định tại Luật Cạnh tranh.
Trong trường hợp cần tham vấn khi xem xét hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm và khi thẩm định tập trung kinh tế trong hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông (Cục Viễn thông).
Cung cấp dịch vụ viễn thông
Cung cấp dịch vụ viễn thông là việc sử dụng thiết bị, thiết lập hệ thống thiết bị viễn thông tại Việt Nam để thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình khởi phát, xử lý, chuyển tiếp, định tuyến, kết cuối thông tin cho người sử dụng dịch vụ viễn thông thông qua việc giao kết hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp viễn thông nhằm mục đích sinh lợi.
Việc cung cấp dịch vụ viễn thông (không bao gồm dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet) qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ viễn thông trên lãnh thổ Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông và được phép thiết lập cổng quốc tế trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Doanh nghiệp viễn thông tham gia thỏa thuận thương mại với tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ viễn thông trên lãnh thổ Việt Nam phải có phương án kỹ thuật bảo đảm an ninh thông tin và thực hiện ngăn chặn khẩn cấp, ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp cung cấp dịch vụ viễn thông vệ tinh phải có phương án để tất cả lưu lượng do các thiết bị đầu cuối thuê bao vệ tinh tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam đều phải đi qua Trạm cổng mặt đất (Trạm Gateway) đặt trên lãnh thổ Việt Nam và kết nối với mạng viễn thông công cộng.
Trường hợp cung cấp dịch vụ viễn thông vệ tinh qua biên giới cho khu phát triển phần mềm, khu công nghệ cao theo quy định trong điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, tổ chức nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ viễn thông vệ tinh cho đơn vị được phép cung cấp dịch vụ viễn thông tại khu phát triển phần mềm, khu công nghệ cao và có trách nhiệm tuân thủ quy định của Luật Viễn thông; phối hợp khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.
Đơn vị được phép cung cấp dịch vụ viễn thông tại khu phát triển phần mềm, khu công nghệ cao sử dụng dịch vụ viễn thông vệ tinh của tổ chức nước ngoài có trách nhiệm quản lý, bảo đảm việc sử dụng dịch vụ viễn thông vệ tinh chỉ trong phạm vi, đối tượng thuộc khu phát triển phần mềm, khu công nghệ cao.
Căn cứ vào thông lệ quốc tế, các quy định về bảo đảm an toàn hàng không, hàng hải và yêu cầu đảm bảo quốc phòng, an ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định và hướng dẫn việc cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông qua biên giới đối với tàu, thuyền, máy bay trên vùng trời, vùng biển của Việt Nam và các trường hợp đặc biệt khác.
Doanh nghiệp bán lại dịch vụ viễn thông di động phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
Tổ chức, cá nhân bán lại dịch vụ viễn thông cố định cho người sử dụng dịch vụ viễn thông phải thực hiện đăng ký kinh doanh, ký hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông với doanh nghiệp viễn thông hoặc phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông.
Doanh nghiệp bán lại dịch vụ viễn thông di động phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Theo Báo điện tử Chính phủ