ĐH Công nghiệp Hà Nội Nâng cao nhận thức về kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên IT
Nhằm nâng cao nhận thức về kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên IT, Đại học Công nghiệp Hà Nội thông qua hoạt động tham quan doanh nghiệp
1. Sự cần thiết để tổ chức hướng nghiệp thông qua tham quan
Tham quan thực tế là “những chuyến đi vì mục đích giáo dục được thực hiện dưới sự hỗ trợ của nhà trường” (Sorrentino & Bell, 1970, tr.233). Các chuyến tham quan thực tế thường đưa sinh viên đến những địa điểm độc đáo và khác lạ với môi trường học trên lớp. Mỗi sinh viên thường tự quan sát bối cảnh tự nhiên ở nơi tham quan và tạo ra được những điều có ý nghĩa cho bản nhân họ liên quan đến trải nghiệm từ chuyến đi. Những chuyến tham quan có tính tương tác cao sẽ giúp sinh viên thấu hiểu các thuật ngữ chuyên môn (Behrendt & Franklin, 2014, tr.236).
Sinh viên được cập nhật về công nghệ.
Tham quan thực tế tại doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên. Trước tiên, khi đi tham quan trải nghiệm, sinh viên có dịp để giao lưu, trò chuyện với nhiều người ở các vị trí công việc khác nhau từ trưởng bộ phận nhân sự, đến trưởng bộ sản xuất, kỹ thuật viên và thậm chí cả công nhân. Ngoài ra, các chuyến tham quan thực tế có thể mang lại giá trị thiết thực cho sinh viên thông qua việc (1) có được trải nghiệm mới lạ, (2) tạo hứng thú học tập, (3) thúc đẩy kỹ năng nhận thức, (4) tạo thêm động lực để học các môn ở trường và (5) tạo điều kiện cho người tham gia được giao lưu và phát triển các mối quan hệ (Larsen et al., 2017).
Sinh viên thể hiện tinh thần gắn kết trong chuyến tham quan FPT
Tham quan thực tế tại doanh nghiệp là một hoạt động hướng nghiệp có giá trị thực tiễn vì nó (1) giúp sinh viên cảm nhận được tính thiết yếu của công việc và cách thức các loại công việc khác nhau mang lại lợi ích cho cá nhân và xã hội; (2) giúp sinh viên thấy được sự đa dạng của các môi trường và điều kiện làm việc; (3) giúp sinh viên học hỏi được cách người lao động trong các ngành nghề khác nhau sử dụng các kỹ năng lao động căn bản trong công việc của họ; và (4) giúp sinh viên hiểu được nhu cầu hợp tác và làm việc theo nhóm trong quá trình sản xuất hàng hóa và thương mại hóa dịch vụ (Beale, 2000, p.66).
Sinh viên khoa Công nghệ thông tin giành giải Ấn tượng trong phần thi trình bày về kết quả đạt được của chuyến tham quan.
Tham quan thực tế tại doanh nghiệp có thể diễn ra trong một buổi, một ngày hoặc cả tuần (Higgins et al., 2012) do sự trao đổi thống nhất giữa nhà trường và doanh nghiệp. Để có chuyến đi thành công, công tác chuẩn bị rất quan trọng. Các hoạt động trước chuyến đi có thể bao gồm nhiều kế hoạch nhỏ. Các kế hoạch này gồm các công việc từ liên hệ chọn doanh nghiệp, chọn thời gian hợp lý, thương lượng đề nghị doanh nghiệp hỗ trợ phương tiện đi lại, chuẩn bị quà tặng từ phía nhà trường, liên hệ mua bảo hiểm chuyến đi đến việc chuẩn bị công cụ đo lường sự tham gia của sinh viên (Wong & Wong, 2008). Ngoài ra, sinh viên cần nhận thức tốt về nhiệm vụ của mình trong chuyến đi. Sinh viên tham gia cần hiểu rõ lịch trình làm việc đã lên kế hoạch và các quy tắc, quy định liên quan đến chuyến đi (Campbell & Gedat, 2021).
Tìm hiểu về doanh nghiệp trước chuyến tham quan giúp sinh viên nhận được phần thưởng từ doanh nghiệp.
Giảng viên đóng vai trò là người dẫn dắt chuyên môn, sẵn sàng trả lời các câu hỏi giúp sinh viên kết nối kết nối những kinh nghiệm trong chuyến đi với những hiểu biết trước đó của họ. Các giảng viên có thể sử dụng bảng công việc cần làm (worksheet) để định hướng sinh viên đến các mục tiêu của chuyến đi. Một nhóm nhỏ có thể cùng tham gia hoàn thành bảng công việc cần làm thay vì từng học sinh. Bảng định hướng nội dung cần hoàn thiện này thúc đẩy sinh viên cộng tác và trao đổi thông qua dữ liệu thu được kết hợp với kinh nghiệm cá nhân đã tích lũy trước đó (Behrendt & Franklin, 2014).
Các hoạt động sau thời gian tham quan cũng rất hữu ích. Thời gian sau khi rời cổng nhà máy của doanh nghiệp là cơ hội tuyệt vời để ban tổ chức của nhà trường tiếp nhận phản hồi của học viên thông qua phiếu khả sát kết quả chuyến đi hoặc trò chuyện trực tiếp với sinh viên tham gia về những điều họ cảm nhận được. Kết quả phản hồi giúp nhà trường xem xét điều chỉnh để các chuyến đi sau hiệu quả hơn.
Tham quan thực tế có thể mang lại hiệu quả dài lâu. Ở môi trường đại học, Ateşkan và Lane đã phát triển các chương trình tham quan thực tế cho giáo sinh ở Thổ Nhĩ Kỳ. Những trải nghiệm thực tế mà giáo sinh có được trước khi tốt nghiệp có mối quan hệ lâu dài với niềm yêu thích nghề nghiệp và số lượng chuyến tham quan mà giáo sinh tổ chức cho thế hệ sau (Ateşkan & Lane, 2016).
2. Tổ chức hoạt động tham quan cho sinh viên khoa Công nghệ Thông tin
Chương trình đào tạo của khoa Công nghệ Thông tin (CNTT) được thiết kế với sự tham gia của doanh nghiệp với nhiều hoạt động và mục tiêu khác nhau từ khi sinh viên nhập học đến khi ra trường. Năm thứ nhất, tổ chức các buổi hội thảo để doanh nghiệp tư vấn giới thiệu về xu hướng công nghệ, nhu cầu tuyển dụng và thị trường lao động trong lĩnh vực CNTT, thông qua đó sinh viên có cái nhìn tổng quan về ngành nghề đã chọn và có động lực học tập.
Năm thứ hai, Khoa phối hợp tổ chức sinh viên đi tham quan doanh nghiệp để tìm hiểu môi trường thực tế của các doanh nghiệp CNTT, các công nghệ và giải pháp đang được triển khai, từ đó sinh viên có định hướng chuyên sâu cho mình. Từ năm thứ 3 đến khi tốt nghiệp, tổ chức các chương trình doanh nghiệp đến trực tiếp tại Khoa để tuyển dụng sinh viên thực tập, làm việc. Bên cạnh đó, Khoa và doanh nghiệp cũng phối hợp tổ chức các hội thảo chuyên sâu và tập huấn kỹ năng làm việc chuyên nghiệp cho sinh viên như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng viết CV và phỏng vấn xin việc…
Trong năm học 2020 - 2021, khoa CNTT phối hợp cùng trung tâm Hợp tác Doanh nghiệp (HTDN) tổ chức 6 chuyến tham quan tới công ty TNHH Phần mềm FPT, Gameloft Hà Nội, MISA, VTI, Nissan Automotive Technology Việt Nam và Huyndai Kefico Việt Nam cho 639 sinh viên. Đặc biệt, chuyến tham quan công ty TNHH Phần mềm FPT là một trong sáu chuyến đi ấn tượng có sự tham gia của hơn 350 sinh viên. Điều làm sinh viên hứng thú khi đến doanh nghiệp là được trao đổi trực tiếp về vị trí việc làm, yêu cầu của nhà tuyển dụng, những kỹ năng mà sinh viên dù đã tốt nghiệp vẫn còn yếu và thiếu. Nhờ vậy, sinh viên có những trải nghiệm học tập rất tự nhiên, có thêm động lực học tập và rèn luyện bản thân.
Sinh viên hứng thú với môi trường doanh nghiệp MISA.
Trong năm học 2021-2022, ngay sau khi sinh viên được quay trở lại trường học trực tiếp, khoa CNTT đã chủ động phối hợp cùng trung tâm HTDN tổ chức đưa gần 1.000 sinh viên năm thứ 2 đến học tập trải nghiệm tại 10 doanh nghiệp. Bên cạnh bốn doanh nghiệp thân thiết có mối quan hệ gắn kết lâu dài, nhiều doanh nghiệp mới có nhu cầu nhân lực cao đã chào đón sinh viên đến tham quan như Công ty Cổ phần hệ thống công nghệ ETC HCL Việt Nam, Rikkeisoft, VMO Holdings, Harvey Nash Việt Nam, Sun Asterisk Việt Nam…
Sinh viên chăm chú nghe chia sẻ từ đại diện công ty TNHH Sun Asterisk Việt Nam
Bên cạnh đó hoạt động tham quan doanh nghiệp, trong năm học 2021-2022, khoa CNTT đã phối hợp cùng doanh nghiệp tổ chức 10 hội thảo chuyên sâu về các chủ đề như: khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, blockchain, lập trình IoT, …Các hội thảo đã cập nhật những công nghệ, kiến thức mới nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mỗi hội thảo thu hút 300-500 sinh viên trong và ngoài Khoa tham gia.
Có thể nói, các hoạt động hợp tác doanh nghiệp nói chung và tham quan doanh nghiệp nói riêng đã góp phần chuẩn bị năng lực cho sinh viên trước khi ra trường, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của khoa CNTT. Kết quả này được khẳng định qua chất lượng tuyển sinh đầu vào của Khoa liên tục tăng trong những năm vừa qua. Năm 2021, các ngành đào tạo của Khoa có điểm chuẩn từ 25.3-26.05, điểm trung bình sinh viên nhập học từ 26-26.5. Kết quả khảo sát cho thấy, 15-20% sinh viên năm thứ 3 đã thực tập có lương tại doanh nghiệp, 90% sinh viên có việc làm trước khi nhận bằng tốt nghiệp, tỷ lệ có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp từ 95-98%.
Tài liệu tham khảo https://doi.org/10.1080/02619768.2015.1113252 |
Tuyển Thủy