Dịch vụ Internet vệ tinh của Elon Musk 'sợ' cây
Starlink cho rằng một cái cây cũng có thể làm gián đoạn kết nối Internet từ vệ tinh.
Dịch vụ Internet vệ tinh của Space X tiến hành thử nghiệm beta vào tháng 6/2020 ở các khu vực có vĩ độ cao như Seattle. Tuy nhiên, một số người dùng báo cáo có vấn đề trong quá trình thử nghiệm dịch vụ Starlink, Independent đưa tin.
“Chúng tôi muốn kết nối Internet vệ tinh nhưng trên mái nhà chúng tôi bao phủ toàn những cây cao từ 1,2 m. Vậy chỗ chúng tôi có khả năng kết nối được mạng lưới Starlink không, hay chúng tôi xui rồi”, một người dùng hỏi trên trang Reddit của Starlink.
Internet vệ tinh Starlink yêu cầu một tầm nhìn không bị cản trở giữa chảo và vệ tinh, tạo góc 100 độ và độ cao tối thiểu 25 độ xung quanh tâm đĩa. Ảnh: CNBC.
Ngoài ra, nhiều người dùng cũng nêu ra những vấn đề tương tự. Họ tìm lời khuyên về việc sử dụng giá đỡ để nâng antenna cao hơn từ khoảng 1,8-3 m để bắt tín hiệu trước khi sóng bị gián đoạn bởi những tán cây. Tuy nhiên, cây cột quá cao có vẻ không đỡ được chảo vệ tinh. Một người dùng đã thử đặt giá đỡ trên đỉnh mái nhà, nhưng cách này không hiệu quả.
Để lắp đặt kết nối Internet vệ tinh Starlink, người dùng phải mua chảo vệ tinh với giá 499 USD và trả tiền mạng hàng tháng là 99 USD. Mức giá này thay đổi tùy thị trường cung cấp. Chưa hết, Starlink yêu cầu một tầm nhìn không bị cản trở giữa chảo và vệ tinh, tạo góc 100 độ và độ cao tối thiểu 25 độ xung quanh tâm đĩa.
Do đó, cây cối, tòa nhà xung quanh và những chướng ngại vật khác sẽ trở thành rào cản lớn đối với người dùng ở khu vực thành thị.
Trang web Starlink giải thích rằng nếu sự kết nối giữa vệ tinh và chảo Starlink có thể nhìn bằng mắt thường, nó trông giống một chùm tia đơn giữa 2 vật thể. Khi vệ tinh di chuyển, chùm tia sẽ di chuyển theo. Phạm vi di chuyển nằm trong chùm tia được gọi là “trường nhìn”.
SpaceX sẽ phóng thêm nhiều vệ tinh Starlink vào quỹ đạo trong tương lai. Ảnh: Internet.
Theo hãng, cách tốt nhất để tránh bị chắn tầm nhìn là lắp đặt chảo ở những nơi cao nhất có thể, nhưng phải an toàn. Starlink lưu ý rằng chỉ một cái cây đơn lẻ cũng có thể làm gián đoạn kết nối Internet.
Dịch vụ Internet vệ tinh Starlink vẫn đang trong quá trình thử nghiệm beta và dự kiến sẽ phóng thêm nhiều vệ tinh lên quỹ đạo. Bên cạnh đó, thiết kế của Starlink không dành cho môi trường thành thị do những rào cản của các tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, chất lượng mạng ở những vùng nông thôn, nơi có nhiều cây cao cũng là một vấn đề đáng bàn.
“Nhiều người giải quyết vấn đề bằng cách lắp chảo cao hơn trên mái nhà, dù độ bền của bộ giá đỡ khi có gió lớn vẫn còn là nghi vấn. Và nếu gắn chảo lên cao như vậy thì lúc có gió bão, mưa lớn cần phải tháo gỡ xuống vì nó không đảm bảo an toàn”, ông Mark Jackson, tổng biên tập trang đánh giá các nhà cung cấp dịch vụ mạng ISPreview ở Anh cho biết.
Dù vậy, nhiều người dùng cho rằng Internet vệ tinh là một giải pháp hấp dẫn thay thế cho các nhà cung cấp Internet truyền thống do những vấn đề cạnh tranh và dịch vụ đã tồn tại từ lâu.
Bộ chảo vệ tinh Starlink. Ảnh: SpaceX
Nhiều người dùng Mỹ được sử dụng thử nghiệm đã báo cáo một số vấn đề liên quan đến dịch vụ Starlink.
"Tôi sẽ không đánh giá mạng Internet ở Mỹ tệ đến mức không đồng nhất với nhau. Trong khi ở thành phố và các khu vực đông dân cư dễ dàng kết nối mạng, khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa lại gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn", ông Jamie Steven, Giám đốc Sáng tạo tại Ookla (công ty tạo ra trang web Speedtest.net) cho biết.
Theo ông Steven, mật độ dân số thấp ở Mỹ, đặc biệt các khu vực phía Tây, là nguyên nhân khiến vùng nông thôn khó truy cập Internet. Chi phí để kéo mạng lưới cáp quang cho một cộng đồng chỉ với vài trăm hộ dân khá đắt đỏ. Do đó, lựa chọn mạng Internet vệ tinh như Starlink là giải pháp tối ưu thay thế cho dịch vụ kết nối DSL và cáp quang.
"Tôi là khách hàng trải nghiệm Starlink beta và sống ở một vùng nông thôn có nhiều cây cối rậm rạp. Tôi đã gặp một số vấn đề nhỏ với những cái cây cao trong sân nhà, nhưng nhìn chung dịch vụ này là một sự cải tiến đáng hoan nghênh so với dịch vụ DSL mà tôi từng sử dụng trước đây", một người dùng chia sẻ.
PV