Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022
Ngày 25/5, Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam-châu Á 2022 (Vietnam - Asia DX Summit 2022) chính thức khai mạc. Chương trình do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
Tham dự phiên khai mạc Diễn đàn, đặc biệt có sự góp mặt của lãnh đạo các bộ/ban/ngành Trung ương, địa phương và đại diện các doanh nghiệp như Công ty FPT Digital; Công ty TNHH Thương Mại Điện Tử Lazada Việt Nam; Công ty Cổ phần MISA; Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land… Các đại biểu, chuyên gia đã có cơ hội để chia sẻ những tiến bộ đạt được và thảo luận về giải pháp để các doanh nghiệp, tổ chức có thể đóng góp trong công cuộc Chuyển đổi số quốc gia.
Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam-châu Á 2022 diễn ra trong 2 ngày 25-26/5, với chủ đề “Hợp lực chuyển đổi số để phát triển kinh tế số”. Hơn 150 diễn giả sẽ tập trung bàn thảo tại 18 phiên hội nghị bao gồm 1 phiên khai mạc và 18 phiên chuyên đề, thiết kế theo 4 trục: Chính phủ số, kinh tế số, doanh nghiệp số và chuyển đổi số tại châu Á.
Bên cạnh các phiên hội nghị chính còn có các hoạt động bên lề như: Triển lãm nền tảng giải pháp số và kết nối cung cầu chuyển đổi số (trực tiếp & trực tuyến).
Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA chia sẻ: “Để thực hiện thắng lợi mục tiêu vô cùng thách thức của Thủ tướng Chính phủ, phát triển kinh tế số Việt Nam cần sự hợp lực từ tất cả các cấp chính trị, các thành phần kinh tế. Các nguồn lực của chúng ta hiện không chỉ thiếu, mà còn bị phân mảnh. Hợp lực giữa bộ, ngành với bộ, ngành giữa địa phương với địa phương, doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa các thành phần này với nhau sẽ tạo ra được những chương trình bài bản, có định hướng, những chính sách cởi mở, thông thoáng và những hệ sinh thái số phù hợp, tối ưu cho các cơ quan, tổ chức Việt Nam”.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA phát biểu tại sự kiện. |
Theo Báo cáo kinh tế số của Diễn đàn thương mại và phát triển của Liên Hợp Quốc (UNCTAD), năm 2019, kinh tế số ICT/VT đóng góp khoảng 4,5% GDP toàn cầu, kinh tế số internet/nền tảng đóng góp 15,5% GDP toàn cầu. Con số tương ứng tại nước Mỹ là 6,9% và 21,6% GDP và tại Trung Quốc là 6% và 30% GDP. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và nắm bắt xu thế này, một số nước nhận ra cơ hội, đã sớm ban hành các chiến lược, chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số của mình.
Tại Việt Nam, kinh tế số luôn nằm trong top đầu của ASEAN về tốc độ phát triển. Theo báo cáo "e-Conomy SEA 2021" do Tập đoàn Google, Bain (Mỹ) và Temasek (Singapore) phối hợp công bố, nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước, cao gấp 7 lần năm 2015, dự kiến đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng năm 2021 đạt 31%, dự kiến sẽ tăng trung bình khoảng 29% một năm đến năm 2025.
Báo cáo gần đây của Tổng cục Thống kê cho thấy bức tranh chi tiết hơn. Năm 2021, ước tính kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 163 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% GDP cả nước, trong đó cấu phần kinh tế số công nghệ thông tin và viễn thông đạt 126 tỷ USD, chiếm 5,5% GDP, kinh tế số internet/nền tảng đạt 14 tỷ USD, chiếm 1% GDP và kinh tế số ngành/lĩnh vực đạt khoảng 23 tỷ USD, chiếm 1,7% GDP.
Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.
Chuyển đổi số đã và đang tạo ra tài nguyên mới là dữ liệu, trở thành nguồn lực cho kinh tế số phát triển, mở ra không gian phát triển mới cho đất nước. Tuy nhiên, có thể thấy rất rõ, không gian phát triển mới của Việt Nam đang bị phân tán, phát triển cục bộ, thiếu sự quy hoạch, kết hợp một cách bài bản. Dữ liệu phân tán và chưa có được mức độ mở phù hợp, nguồn nhân lực, tài lực cho chuyển đổi số cũng chưa được tập trung, thậm chí các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số của các doanh nghiệp cũng đang được đầu tư, phát triển một cách tràn lan, chưa có sự quy hoạch, chưa có sự kết hợp một cách bài bản, có định hướng. Những điều này đang hạn chế quá trình tăng tốc chuyển đổi số, làm chậm sự phát triển của nền kinh tế số. |
Bảo Trân (T/h)