Điện thoại Made-in Việt Nam: Giấc mơ thành hiện thực?
Còn nhớ vào cuối năm 2007, rất nhiều người vẫn nghi ngờ khả năng hiện thực hóa giấc mơ sản xuất điện thoại tại Việt Nam khi Thuận Phát tuyên bố rộng rãi về việc đầu tư 70 triệu đô la Mỹ nhập khẩu dây chuyền thiết bị, công nghệ sản xuất của BenQ-Siemen cho dự án “Xây dựng nhà máy sản xuất bo mạch điện tử và máy điện thoại di động tại Việt Nam” ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Tây) cuối năm 2007.
Sở dĩ nhiều người nghi ngờ việc này bởi trước đó đã có nhiều đơn vị như Vinamobi, Postef cũng đã ấp ủ việc cho ra lò những sản phẩm điện thoại made in Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ khi có thông tin về để án sản xuất điện thoại của Postef tới nay không có thêm bất kỳ thông tin gì mới, còn Vinamobi thì bị rút giấy phép do chậm triển khai vào giữa năm 2007.
Từ những giấc mơ chưa thành…
Nếu ai đã từng đến Đà Nẵng thăm khu công nghệ cao Hoà Khánh (Liên Chiểu, Đà Nẵng) vào năm 2005 mới thấy, thực tế ông Lê Huy Hoàng, chủ nhân của dự án những chiếc điện thoại made-in Việt Nam thực sự khát khao có thể làm ra được những chiếc điện thoại đầu tiên trên mảnh đất quê hương với thương hiệu Vinamobi. Ông đã từng ấp ủ Nhà máy sản xuất điện thoại này không đơn thuần là nơi sản xuất mà phải trở thành một nhà máy chế tạo điện thoại di động. Nghĩa là hoàn thiện công nghệ sản xuất điện thoại di động trên cơ sở sử dụng thiết bị và linh kiện của nước ngoài, mặt khác sẽ phấn đấu đưa tỉ lệ nội địa hoá đạt khoảng 50%. Tuy nhiên, dù rất nỗ lực, nhưng dự án của ông cũng bị rút giấy phép do chậm triển khai. Đành gác lại giấc mơ này, ông chuyển sang tập trung kinh doanh và đầu tư các lĩnh vực khác.
Tiếp sau thông tin về dự án sản xuất điện thoại di động của Vinamobi, vào năm 2005, Postef cũng hồ hởi với Đề án sản xuất điện thoại di động thương hiệu Việt thứ hai, nhắm vào phân khúc giá rẻ, nhưng sau từng ấy thời gian, dự án này dường như bị rơi vào “quên lẵng” do tính khả thi không cao.
… đến nỗ lực từ doanh nghiệp trẻ
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận Phát hình thành từ Công ty TNHH Duy Phương, được thành lập vào năm 1993. Hoạt động đầu tiên của Công ty là nhập khẩu, phân phối xe gắn máy Nhật. Đến năm 2003, công ty mới tham gia vào thị trường phân phối điện thoại di động, và trở thành “Nhà phân phối chính thức các sản phẩm điện thoại di động Nokia tại Việt Nam”. Với xuất phát điểm là một đơn vị phân phối điện thoại di động với các thương hiệu nổi tiếng thế giới: Nokia; SonyEricsson; Motorola và sau này là HT Mobile (nay đổi tên mạng thành VietnamMobile, sử dụng công nghệ GSM thay cho CDMA trước đó), Thuận Phát đã nhanh chóng phát triển được mạng lưới với khoảng 500 đại lý bán buôn cho hàng ngàn đại lý cấp 2 trên cả nước. Quá trình phân phối sản phẩm đã giúp Thuận Phát nhìn ra được khoảng trống của thị trường và bắt tay vào nghiên cứu tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng cũng như việc sản xuất điện thoại di động.
Nhà máy sản xuất điện thoại di động của Thuận Phát được xây dựng tại Việt Nam từ năm 2008 với sản lượng 3 triệu máy một năm. Kỳ vọng của Thuận Phát là đạt doanh thu 2000 tỷ/năm. |
Và cho tới khi Thuận phát tuyên bố việc đầu tư 70 triệu đô nhập khẩu dây chuyền thiết bị, công nghệ sản xuất của BenQ-Siemen cho dự án “Xây dựng nhà máy sản xuất bo mạch điện tử và máy điện thoại di động tại Việt Nam” và được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhiều người vẫn chưa tin.
Tuy nhiên, ngày Thuận Phát cho ra lò loạt sản phẩm đầu tiên, trở thành cột mốc cho việc Người Việt hoàn toàn có thể làm ra những chiếc điện thoại di động made in Việt Nam thì người ta mới tin vào giấc mơ điện thoại Made in Việt Nam là có thực. Bởi trước đó, và cả hiện nay, một số đơn vị tuyên bố cung cấp hoặc sản xuất điện thoại thương hiệu Việt như FPT; ABtel, Thành Công Mobile mới chỉ dừng lại ở khâu làm thị trường và thương hiệu, hoặc cùng lắm là thiết kế mẫu mã, Việt hóa và bổ sung các ứng dụng cho người dùng Việt, các khâu còn lại các đơn vị này đều chuyển qua các Nhà sản xuất Trung Quốc, Đài Loan thực hiện. Như vậy cho tới nay mới chỉ có điện thoại của Thuận Phát – doanh nghiệp Việt là sở hữu thương hiệu cũng như điện thoại được sản xuất từ chính Nhà máy đặt tại Việt Nam.
Nhưng liệu những chiếc điện thoại này có được người tiêu dùng Việt Nam hưởng ứng tin dùng hay không? Điều đó còn phụ thuộc vào hệ thống phân phối cũng như sự tiện dụng và độ bền của nó với người Việt. Trong vai người mua hàng, tác giả đã tới 2 hệ thống siêu thị bán lẻ điện thoại di động lớn nhất Việt Nam hiện nay là Viễn Thông A và Thế giới di động để tìm hiểu thêm về sản phẩm của Công ty Thuận Phát, tuy nhiên, thật tiếc là tại đây không có trưng bày các mẫu điện thoại nào của Thuận Phát mới tung ra. Ở khu các sản phẩm khác (nơi dành cho điện thoại cấp thấp và điện thoại Việt Nam) tại Thế giới di động hiện chỉ có điện thoại thương hiệu Việt của FPT với nhiều model. Nhưng đây lại là các dòng sản phẩm FPT đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc. Đoàn doanh nghiệp chính phủ Myanmar tới thăm Nhà máy
Chúng tôi cũng đã liên lạc với đại diện Thuận Phát để hỏi thêm về việc này, ông Võ Minh Khôi, đại diện kinh doanh khu vực phía Nam cho biết, Thuận Phát đã triển khai bán hàng tại các tỉnh đông Nam Bộ, Miền Tây, tại TP.HCM chỉ tập trung vào các đơn vị bán sỉ. Dự kiến trong tháng 9, P-Phone sẽ xuất hiện trên các điểm bán hàng của: Xuân Hồng, Việt Thắng, Toàn Phong, Viễn Thông A và Phước Lập.
Hy vọng rằng, để hưởng ứng cho tinh thần “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” mà Chính phủ đang phát động, những model điện thoại do Thuận Phát sản xuất sẽ nhanh chóng tiếp cận được người tiêu dùng thông qua các kênh bán hàng phổ biến hiện nay.
Huyền Anh