Doanh nghiệp chuyển từ thử nghiệm AI sang chú trọng doanh thu từ AI

15:36, 04/12/2024

Năm 2025, các doanh nghiệp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ bước qua giai đoạn thử nghiệm AI để tập trung đánh giá tỷ suất lợi nhuận (ROI) của dự án, nhằm xây dựng nền tảng tăng trưởng dài hạn với các mô hình mã nguồn mở, tích hợp liền mạch và quản trị thống nhất giữa các giải pháp AI.

Doanh nghiệp kỳ vọng AI mang lại lợi ích dài hạn về đổi mới sáng tạo và tăng trưởng doanh thu

Báo cáo “Triển vọng AI tại châu Á - Thái Bình Dương năm 2025” (APAC AI Outlook 2025), do IBM ủy quyền Ecosystm thực hiện, cho thấy các doanh nghiệp (DN) trong khu vực đang có bước chuyển mình mạnh mẽ từ giai đoạn thử nghiệm AI sang tối đa hóa tác động từ các khoản đầu tư vào giải pháp công nghệ này.

Theo đó, 54% DN kỳ vọng AI sẽ mang lại lợi ích dài hạn trong các khía cạnh như đổi mới sáng tạo (ĐMST) và tăng trưởng doanh thu. Yếu tố then chốt nằm ở việc phát triển các giải pháp AI tối ưu hoá về chi phí, sử dụng linh hoạt các mô hình mã nguồn mở tùy chỉnh và tích hợp liền mạch giữa nhiều nhà cung cấp.

Việc theo đuổi các mục tiêu ngắn hạn trong gia đoạn khởi đầu của AI tạo sinh đang được thay thế dần bởi nhận thức sâu sắc hơn về tiềm năng của AI. Đồng thời, trọng tâm cũng đang chuyển từ các trường hợp sử dụng ít rủi ro và không thuộc cốt lõi, sang việc triển khai AI trong các chức năng kinh doanh cốt lõi nhằm đạt lợi thế cạnh tranh và cải thiện ROI.

Theo báo cáo của IBM, gần 60% các DN tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham gia khảo sát dự đoán họ sẽ hưởng lợi từ các khoản đầu tư AI trong 2 - 5 năm tới, trong khi chỉ 11% trong số đó kỳ vọng đạt được lợi nhuận trong hai năm đầu.

Đến năm 2025, trọng tâm đầu tư AI của các DN tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ hướng đến nâng cao trải nghiệm khách hàng (21%), tự động hóa quy trình nội bộ DN (18%), và quản lý vòng đời khách hàng cũng như tự động hóa bán hàng (16%).

Tuy nhiên, để hiện thực hoá những mục tiêu này, các DN phải giải quyết những thách thức chính, bao gồm tính phức tạp của dữ liệu (39%), chi phí cao cho việc triển khai và giải pháp (36%), và số lượng trường hợp sử dụng còn hạn chế (35%).

Ông Trương Nguyên Phát, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối Công nghệ của IBM Việt Nam, cho biết: "AI là một lực lượng mạnh mẽ thúc đẩy các DN Việt Nam hướng tới đổi mới, cạnh tranh toàn cầu và tăng trưởng bền vững".

Ông Trương Nguyên Phát: AI là một lực lượng mạnh mẽ thúc đẩy các DN Việt Nam hướng tới đổi mới, cạnh tranh toàn cầu và tăng trưởng bền vững.

Ông Trương Nguyên Phát kỳ vọng đến năm 2025, các DN tại Việt Nam sẽ đón nhận AI với trọng tâm là các chiến lược tập trung vào đổi mới lấy con người làm trung tâm và nâng cao năng suất. Điều này sẽ bao gồm việc sử dụng kiến trúc linh hoạt, mã nguồn mở và quản lý hiệu quả tích hợp liền mạch AI để đạt được những kết quả có thể đo lường.

"Sự chuyển đổi này sẽ tạo tiền đề hướng tới một kỷ nguyên của ứng dụng công nghệ, nơi AI được nhìn nhận như một yếu tố thực sự thúc đẩy tăng trưởng bền vững và nâng cao lợi thế cạnh tranh”, ông Trương Nguyên Phát nhấn mạnh.

5 xu hướng chiến lược định hình tương lai của AI tại châu Á - Thái Bình Dương

Chia sẻ về làn sóng AI trong tương lai, điều gì đang chờ đợi trong năm 2025, ông Ngô Thanh Hiền, Giám đốc Công nghệ IBM Việt Nam thông tin  5 xu hướng chiến lược định hình tương lai của AI tại châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Ngô Thanh Hiền: 5 xu hướng chiến lược định hình tương lai của AI tại châu Á - Thái Bình Dương.

Doanh thu từ AI đóng vai trò trung tâm

Năm 2025, các DN sẽ áp dụng cách tiếp cận chiến lược hơn đối với AI, ưu tiên các dự án dựa trên tính khả thi và tác động kinh doanh. Thách thức chính là mở rộng quy mô AI thông qua các trường hợp sử dụng nhằm tối đa hóa cơ hội doanh thu và ROI.

Các mô hình mã nguồn mở chuyên biệt nhỏ hơn trở thành giải pháp thay thế hiệu quả cho nhiều ứng dụng AI

Các mô hình được thiết kế theo mục đích cụ thể sẽ trở nên phổ biến, bao gồm những mô hình dành riêng cho ngôn ngữ địa phương, bối cảnh khu vực đặc thù và các tác vụ tính toán đơn giản.

Các mô hình “Rightsizing AI” (Tối ưu AI) yêu cầu ít dữ liệu đào tạo hơn, đồng thời giảm lượng khí thải carbon so với các mô hình ngôn ngữ lớn hiện đang chiếm ưu thế trong các cuộc thảo luận về AI.

DN triển khai các công cụ tiên tiến để tối ưu hóa khả năng hiển thị, quản lý hệ thống và tích hợp AI liền mạch

Các DN tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ ngày càng tận dụng các mô hình AI mã nguồn mở để thúc đẩy đổi mới và nâng cao hiệu quả.

Lợi ích dài hạn từ AI Khu vực Đông Nam Á (Nguồn: Ecosystm).

Giải pháp "Unified AI" (AI Hợp nhất), kết hợp AI với các công cụ điều phối mạnh mẽ sẽ đơn giản hóa việc quản lý các giải pháp này, mang lại tính linh hoạt, hiệu quả về chi phí, cải thiện bảo mật và khả năng tích hợp liền mạch giữa các nhà cung cấp khác nhau.

Trợ lý AI (AI agents) tái định nghĩa công việc trong tương lai

Các DN sẽ tăng cường xây dựng các quy trình làm việc tự chủ, được vận hành bởi các trợ lý AI (AI agents), để tự động thực hiện nhiệm vụ, hợp tác với nhân sự và tạo giá trị cho toàn bộ DN.

"Trợ lý AI", kết hợp giữa AI và tự động hóa, có tiềm năng mang lại những cải tiến đáng kể trong hiệu quả vận hành, trải nghiệm khách hàng và quá trình đưa ra quyết định.

Lý do các tổ chức đầu tư vào các giải pháp tích hợp trợ lý AI là:

Tính tự chủ: Trợ lý AI có thể tự thực hiện các nhiệm vụ, đưa ra quyết định và thích nghi với các hoàn cảnh thay đổi.

Trí tuệ: Ứng dụng GenAI, các tổ chức sẽ có thể hiểu các hướng dẫn phức tạp, suy luận và học hỏi từ kinh nghiệm.

Khả năng hợp tác: Trợ lý AI có thể hợp tác với người lao động, nâng cao năng lực và cải thiện hiệu quả công việc.

Khả năng thích ứng: Quy trình làm việc tự chủ có thể thích nghi với sự thay đổi trong như cầu của DN, cũng như những gián đoạn nằm ngoài dự đoán.

Tuy nhiên, các DN cần thiết lập các quy định nội bộ và thường xuyên đánh giá các mô hình nền tảng để đảm bảo việc sử dụng AI một cách có trách nhiệm.

Đổi mới lấy con người làm trung tâm thúc đẩy giai đoạn phát triển tiếp theo của AI

Mặc dù các công cụ với hiệu suất cao là trọng tâm chính trong việc ứng dụng AI, nhưng trong tương lai AI sẽ được tận dụng để tập trung nâng cao trải nghiệm và khả năng của con người.

"Cách tiếp cận AI lấy con người làm trung tâm" sẽ trở thành công cụ hỗ trợ nhân sự nâng cao vai trò của mình, tự động hóa các tác vụ thường xuyên và khám phá những cơ hội mới cho sự sáng tạo và đổi mới.

Bằng cách ưu tiên thiết kế các giải pháp AI có tính đồng cảm, các tổ chức có thể xây dựng mối quan hệ khách hàng và củng cố lòng trung thành với thương hiệu.

Ông Ngô Thanh Hiền cho biết: Đến năm 2025, các tổ chức sẽ chuyển trọng tâm từ việc chỉ áp dụng công cụ AI sang khai thác tiềm năng của chúng để thúc đẩy đổi mới lấy con người làm trung tâm. Mặc dù các công cụ với hiệu suất cao là trọng tâm chính trong việc ứng dụng AI, nhưng trong tương lai AI sẽ được tận dụng để nâng cao trải nghiệm và khả năng của con người.

Trong khi đó, theo ông Ullrich Loeffler, Tổng Giám đốc của Ecosystm, con người là thiết yếu trong quá trình phát triển của AI. Con người cần tham gia vào mọi giai đoạn của công nghệ - bao gồm cả việc duy trì giám sát các ứng dụng quan trọng.

“Mục đích của AI là tạo ra những tác động tích cực đối với thế giới, thúc đẩy nền văn hóa dựa trên niềm tin, sự hợp tác và đồng sáng tạo. Sự phát triển cần được tạo ra từ tư duy rằng AI cải thiện thay vì thay thế con người, cả hai làm việc và phát triển cùng nhau", ông Ullrich Loeffler cho biết./.