Doanh nghiệp CNTT truyền thông bàn giải pháp giảm kẹt xe tại TPHCM
09:54, 21/09/2015
Chiến lược phát triển TPHCM đến 2030 đã có chủ trương xây dựng thành phố thông minh, vì vậy chắc chắn tới đây tiến độ ứng dụng các giải pháp giao thông thông minh sẽ được...
Ngày 18/9, Hội tin học TPHCM (HCA) công bố chuỗi sự kiện gồm lễ trao giải thưởng Top 5, Huy Chương Vàng ICT Việt Nam và Hội thảo Toàn cảnh công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (VIO 2015) với chủ đề “Internet of things – Nền tảng hội tụ cho giao thông đô thị thông minh” lần thứ 20 sẽ diễn ra trong hai ngày 23 và 24/09.
Điểm mới của năm nay là ban tổ chức bổ sung thêm 2 giải mới Doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và Sản phẩm/dịch vụ/giải pháp triển vọng. Trong đó giải Doanh nghiệp khởi nghiệp thành công sẽ trao cho đơn vị công nghệ thông tin, viễn thông thành lập dưới 5 năm (tính đến 2014) có mức phát triển ổn định và liên tục (cả nhân sự, doanh thu và thị trường), có ý tưởng/giải pháp/sản phẩm phù hợp với xu thế công nghệ và ứng dụng, khách hàng/thị trường ổn định và ngày càng gia tăng.
Giải Sản phẩm/dịch vụ/giải pháp triển vọng trao cho những giải pháp, sản phẩm, dịch vụ mới, có tính sáng tạo, phù hợp với xu thể mới về công nghệ, đáp ứng nhu cầu mới của thị trường (xuất hiện trên thị trường trong vòng 03 năm trở lại).
Ông Vũ Anh Tuấn - Tổng Thư ký HCA cho biết việc chọn chủ đề hội thảo năm nay là "Nền tảng hội tụ cho giao thông đô thị thông minh" thể hiện được sự phát triển của xu hướng Internet of things. Internet of things là một trong 5 xu hướng trên nền tảng thứ ba (Third Platform) mà Hội Tin học TPHCM đã nêu ra từ VIO 2013 gồm: Điện toán đám mây (Cloud Computing), Dữ liệu lớn (Big Data), Di động (Mobility), Mạng xã hội (Social network), Internet của vạn vật (Internet of things).
Hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt nam cũng như các hãng công nghệ lớn có mặt tại Việt Nam đã và đang tham gia cung cấp giải pháp cho ngành giao thông. VIO 2015 sẽ tạo môi trường để các cơ quan từ Trung ương đến tỉnh thành, các Sở ngành cùng các doanh nghiệp về xây dựng, giao thông, công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) trong ngoài nước cùng gặp gỡ, chia sẻ, tìm kiếm giải pháp tốt nhất.
"Chiến lược phát triển TPHCM đến 2030 đã có chủ trương xây dựng thành phố thông minh, vì vậy chắc chắn tới đây tiến độ ứng dụng các giải pháp giao thông thông minh sẽ được áp dụng mạnh mẽ. Qua đó sẽ giúp cho các tuyến đường trong giờ cao điểm thông thoáng hơn và người tham gia giao thôngcó thể tìm ra những con đường để di chuyển tốt nhất trong mọi thời điểm", ông Vũ Anh Tuấn nhận định.
Ông Nguyễn Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Sao Bắc Đẩu cho rằng ứng dụng của Internet trong giao thông mô tả ngắn gọn là tìm những vật bao thông tin, những vật chứa thông tin để truyền tải và tổng hợp. Internet of things trong nghĩa hẹp của lĩnh vực giao thông, chính là cập nhật thông tin và truyền tải thông tin để giải quyết bài toán giao thông thông qua phân tích mức độ, lưu lượng và phương tiện vận tải trên đường bộ, đường thuỷ, hàng không để từ đó đưa ra thông tin quản lý, điều hành, điều tiết giao thông.
Theo ông Thắng, Việt Nam có mật độ dân số gần 90 triệu người, phương tiện giao thông dày đặc, hạ tầng đang trên đà xây dựng và phát triển, những hạ tầng cũ xen kẽ những hạ tầng mới. Do đó giao thông thông minh cũng là một bài toán khó, đòi hỏi chính sách của nhà nước, đòi hỏi các thành phần kinh tế tham gia, đòi hỏi các doanh nghiệp, đòi hỏi sự chung tay của người dân cũng như quyết tâm cao của tất cả các bên.
Nếu chúng ta không có một bài toán quy hoạch sâu vào giao thông thông minh, quy hoạch sâu vào giao thông và hạ tầng quốc gia, lấy nền tảng giao thông thông minh, quản trị các khu đô thị, quản trị môi trường thì chúng ta có thể hình được thì khi Việt Nam hội nhập với một ASEAN tới đây thì việc bùng nổ việc qua lại các nền kinh tế các nước chung quanh sẽ dẫn đến tắc nghẽn mật độ và lưu lượng xe qua lại khó khăn.
"Việc ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hoá trong giao thông thông minh đó là các bảng biển chỉ dẫn, hệ thống đo khí thải, đo độ ồn để người dân được thụ hưởng môi trường sống thân thiện với môi trường và phương tiện giao thông hoạt động có hiệu quả trên những con đường của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn của thế giới", ông Thắng nói.
Ông Đỗ Bá Dân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Trí Nam cho biết không chỉ là nói riêng Việt Nam mà còn rất nhiều các nước trên thế giới hệ thống điều khiển giao thông thông minh (ITS) chỉ mới đang bắt đầu. Bài toán khó nhất trong ITS là chính sách nhà nước và cần có những bộ quy chuẩn được các cơ quan nhà nước ban hành để cho các doanh nghiệp đi vào ITS tuân theo.
Ông Phạm Vũ Trung - Giám đốc khối giải pháp hạ tầng, công ty CMCSI Sài Gòn thì cho rằng giao thông thông minh nghĩa là chúng ta có sự điều khiển, giám sát để đưa ra những quyết định kịp thời cho những người tham gia giao thông, để họ có được những quyết định đúng đắn trong những định hướng quyết định cho mình, lộ trình cần thiết cho mình sao cho việc giao thông được thuận tiện hơn. Ngoài ra còn các việc về thanh toán, việc về quản lý sẽ được đơn giản hơn và hiệu quả hơn. Đây là một lĩnh vực lớn, tuy nhiên có thể chia ra thành nhiều công đoạn, thành những dự án nhỏ và có thể triển khai ngay.
Ví dụ như việc giảm kẹt xe, cơ quan nhà nước cần quyết định đầu tư cho dự án xử lý kẹt xe, còn doanh nghiệp sẽ tham gia xây dựng công nghệ, giải pháp thu thập thông tin và truyền tải đến những nơi có thể ra quyết định xử lý hiện tượng đó. Đối với người tham gia giao thông sẽ cần có thiết bị (chẳng hạn thông qua điện thoại di dộng có kết nối) có thể tiếp nhận thông tin từ ban quản lý để chọn con đường đi tốt nhất.