Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia

13:11, 08/12/2022

Ngày 8/12, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 4 năm 2022.

Quang cảnh sự kiện.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 4 năm 2022 với chủ đề Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đưa công nghệ số Việt Nam sang giai đoạn mới, giai đoạn nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, công nghệ số tiếp tục là điểm sáng khi năm 2022, doanh thu ước tính đạt 148 tỷ USD, doanh nghiệp công nghệ số có sự phát triển mạnh mẽ với 70.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập và hoạt động, xuất khẩu công nghệ số ước tính đạt 136 tỷ USD, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò của công nghệ số trong đổi mới số sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long.

Ông Phạm Đức Long nhấn mạnh, doanh nghiệp số Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần chuyển đổi số quốc gia, vươn ra toàn cầu. Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chính là cái nôi để công nghệ số trưởng thành và tiến ra thế giới.

Diễn đàn thu hút khoảng 1.000 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.

Tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nhiều chia sẻ và thông điệp gửi đến cộng đồng doanh nghiệp số tại Việt Nam. Theo Phó Thủ tướng, tổ chức diễn đàn công nghệ số thường niên là việc làm thiết thực. 

Diễn đàn là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá, huy động và tập hợp nguồn lực của cả xã hội để phát triển hàng nghìn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn.

Các chủ đề được trình bày và tập trung thảo luận tại diễn đàn bao gồm: Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển bền vững trong giai đoạn kinh tế trong nước và quốc tế đang gặp nhiều khó khăn, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế; Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia; Giải pháp nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu; Hợp tác giữa các doanh nghiệp CNS Việt Nam và các BigTech để đưa sản phẩm Make in Vietnam ra thị trường quốc tế...

Các diễn giả là đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp đã thành công ở thị trường trong và nước ngoài; đại diện đến từ các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới như là Google, Samsung, Mediatek...

Cũng tại diễn đàn, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam năm 2022 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức có sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam.

Hoạt động bên lề diễn đàn là triển lãm với hơn 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu, trải nghiệm các sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam tiêu biểu phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Với chủ đề, "Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu", VFTE 2022 thu hút nhiều lãnh đạo Chính phủ cùng các Bộ, ngành, chuyên gia, đại diện tập đoàn, công ty. Các lãnh đạo, chuyên gia sẽ cùng thảo luận về chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số trong nước, tìm cơ hội cũng như hướng khai phá thị trường nước ngoài.

Diễn giả trong hai phiên sáng, chiều là các lãnh đạo từ VNPT, FPT, CMC, Viettel, Momo, LLC (Mỹ), Cục xúc tiến Thương mại Hàn Quốc, MobiFone, Google Cloud... Những chủ đề tham luận này được đánh giá mang tính thời sự, có tầm ảnh hưởng lớn trong phát triển doanh nghiệp công nghệ số hiện nay, bao gồm: Phát triển nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia, phổ cập thanh toán số, bài học thành công từ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ở thị trường trong và ngoài nước, đưa sản phẩm Việt ra quốc tế... Doanh nghiệp cũng có điều kiện tìm hiểu sâu về cơ hội và nhu cầu chuyển đổi số tại thị trường nước ngoài; chính sách của nước ngoài về phát triển thị trường trong nước, quốc tế.

Đến buổi chiều, đại diện các doanh nghiệp tham luận với chủ đề kết nối hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Viet Nam và nước ngoài. Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp cũng có phiên đối thoại trực tiếp cùng đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông về chủ đề "Nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu".

Phương Mai (T/h)