Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí - truyền thông

09:06, 28/10/2021

Hội thảo đã bàn thảo vấn đề này từ nhiều chiều cạnh khác nhau trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lý luận chính trị (LLCT) và báo chí - truyền thông trong thời gian qua.

Sáng 27/10, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia (trực tiếp và trực tuyến): “Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí truyền thông trong tình hình mới”.

Hội thảo do PGS,TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì. Đồng chủ trì có PGS,TS. Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền và PGS,TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng khoa học Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, chuyên gia của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội đồng Lý luận Trung ương, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính trị Khu vực I, Học viện Kỹ thuật quân sự; các trường đại học trên địa bàn Hà Nội, Trường Cao đẳng Truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam); các đồng chí lãnh đạo ban Tuyên giáo các tỉnh, cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

PGS,TS. Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu Khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS,TS. Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh: “Hội thảo khoa học quốc gia Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí - truyền thông trong tình hình mới là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực thực tiễn tiếp tục quán triệt đầy đủ, thống nhất nhận thức, làm rõ và sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí - truyền thông trong tình hình mới. Quán triệt tinh thần các văn kiện Đại hội XIII của Đảng về xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, trên cơ sở đó thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm và đề xuất các giải pháp đúng đắn, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí truyền thông trong bối cảnh mới.

Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, PGS,TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh những thành tích nổi bật của công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí - truyền thông trong thời gian qua, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập còn tồn tại và những cơ hội, thách thức mới từ thực tiễn đặt ra, đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí - truyền thông cần phải tăng cường và gắn với triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

PGS,TS. Lê Văn Lợi đã gợi mở và đưa ra một số định hướng giải pháp trọng tâm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí - truyền thông đối với cơ sở đào tạo báo chí truyền thông ở Việt Nam nói chung, đối với Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói riêng. Đồng chí nhấn mạnh: Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở đào tạo báo chí hàng đầu ở Việt Nam hiện nay. Đặc thù của Học viện là cơ sở duy nhất trong cả nước đang đào tạo báo chí theo chuyên ngành chuyên sâu, bao gồm: Báo in, Báo ảnh, Phát thanh, Truyền hình, Báo mạng điện tử, Quay phim truyền hình. Để đáp ứng yêu cầu mới, nhất là bối cảnh phát triển báo chí - truyền thông hiện đại hiện nay, đặc biệt là thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc thay đổi, sửa đổi, bổ sung, cập nhật, hoàn thiện hệ thống giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo về đào tạo, bồi dưỡng về báo chí là việc làm cấp bách hiện nay.

PGS,TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu Đề dẫn Hội thảo.

Hội thảo diễn ra trong hai phiên, hơn 100 bài tham luận gửi đến và 9 ý kiến tham luận trao đổi trực tiếp tại hội trường. Trong đó, các nhà khoa học đã tập trung nêu rõ nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu về vai trò, tầm quan trọng của đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí - truyền thông; đưa ra những vấn đề lý luận về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí - truyền thông trong tình hình mới; chỉ rõ thực trạng và những vấn đề đặt ra trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí - truyền thông trong tình hình hiện nay.

Các ý kiến tham luận, trao đổi của các nhà khoa học đã tập trung làm rõ những đổi mới về nội dung, chương trình đào tạo các ngành lý luận chính trị và báo chí - truyền thông dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0; sự cần thiết phải xây dựng mạng lưới, hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; triển khai đề án mở mã ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị; xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực báo chí - truyền thông.

Một số ý kiến trao đổi, tham luận đã nêu bật bối cảnh trong nước, quốc tế tác động đến quá trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí - truyền thông trong tình hình hiện nay; đồng thời dự báo tình hình, xác định các định hướng, quan điểm, giải pháp, kiến nghị nhằm tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí - truyền thông trong tình hình mới.

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo “Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí - truyền thông trong tình hình mới”.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn hiện nay, các nhà khoa học đã đưa ra đề xuất các giải pháp và khuyến nghị nhằm đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới như: trực tiếp gắn với trực tuyến, phương pháp đào tạo tích cực, gắn với chuyển đổi số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...

Kết luận hội thảo, PGS,TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã khẳng định ý nghĩa khoa học và thực tiễn của Hội thảo “Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí - truyền thông trong tình hình mới”. Hội thảo đã cung cấp các luận cứ khoa học hữu ích cho việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện nội dung, chương trình, phương thức đào tạo nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí - truyền thông trong bối cảnh mới, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

PGS,TS. Phạm Minh Sơn trân trọng cảm ơn những tham luận, ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quý báu của các nhà khoa học cho chủ đề hội thảo. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu của hội thảo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ chắt lọc để trình lên các ban, bộ ngành Trung ương và địa phương. Từ đó, giúp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí - truyền thông của Việt Nam xác định đúng định hướng, có các giải pháp thiết thực đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới.

Chân Hoàn (T/h)