Đổi mới sáng tạo - yêu cầu sống còn trong kỷ nguyên số
Có một sự thật khá bất ngờ rằng, những “kẻ vô sản” đang góp phần làm thay đổi thế giới một cách ngoạn mục. Ví như Uber một thương hiệu cung cấp dịch vụ vận tải lớn nhất thế giới nhưng không hề sở hữu một chiếc xe nào. Hay như facebook - nơi chia sẻ thông tin lớn nhất thế giới nhưng không hề tạo ra bất kỳ nội dung nào.
Airbnb - thương hiệu cho thuê nhà nổi tiếng toàn cầu nhưng không hề sở hữu bất kỳ 1 bất động sản nào hay Alibaba - nhà bán lẻ giá trị nhất thế giới thậm chí còn chẳng có lấy một kho hàng…
Vậy thì chìa khoá thành công của các thương hiệu này là gì? Câu trả lời chính là: Luôn đổi mới và sáng tạo để thích nghi và tạo ra những sản phẩm đón đầu với kỷ nguyên số.
Trong chuyên đề “Đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số” - Tiến sĩ Vũ Thị Minh Luận - Giảng viên Học viện Chính sách và phát triển sẽ giải thích và làm rõ các khái niệm: Đổi mới sáng tạo là gì? Tại sao phải đổi mới sáng tạo? Các loại hình đổi mới sáng tạo và các hoạt động lĩnh vực cần đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số?...
Theo TS. Vũ Thị Minh Luận, đổi mới sáng tạo là việc tạo ra và ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
Đổi mới sáng tạo có tầm quan trọng rất lớn và là chủ đề nóng trong bất kỳ giai đoạn nào, ngành nghề nào và đặc biệt trong giai đoạn thế giới đang phát triển với tốc độ chóng mặt như hiện nay. Đổi mới sáng tạo được coi là tiền đề tạo ra năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Nó là mấu chốt để đạt được sự tăng trưởng dài hạn của tổ chức và doanh nghiệp trong bất kỳ giai đoạn nào. Đổi mới sáng tạo còn là yếu tố sống còn mà nếu không nhanh chóng thực hiện thì doanh nghiệp sẽ đi đến bờ vực suy thoái, lạc hậu và sụp đổ vì không thể cạnh tranh được với các đối thủ trong phân khúc kinh doanh của mình.
Vậy đổi mới sáng tạo được thực hiện ở những khâu nào? Câu trả lời là ở hầu hết tất cả các khâu và nó cần được thực hiện một cách đồng bộ. Trong đó, nhấn mạnh vào việc thực hiện đổi mới sáng tạo trong sản phẩm, dịch vụ, nhân sự, truyền thông quảng cáo, marketing, bán hàng, chăm sóc khách hàng; đổi mới sáng tạo trong quản trị vận hàng; quản trị tài chính... Trong mỗi khâu, doanh nghiệp cần có những động thái để ứng dụng công nghệ, tìm ra giải pháp tối ưu, thích ứng và đón đầu xu hướng... từ đó cải thiện nâng “chất” cho các mắt xích trong từng thời kỳ.
Việc đổi mới sáng tạo cần thực hiện trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu thị trường dài hạn và ngắn hạn => từ đó thực hiện tái cấu trúc để loại bỏ những yếu tố lỗi thời, lạc hậu trong kinh doanh. Tiếp đó là thực hiện chuyển đổi số một cách triệt để; luôn nghiên cứu áp dụng các mô hình kinh doanh mới và nắm bắt những xu hưởng để chuyển đổi mô hình kinh doanh. Cuối cùng là tìm kiếm nguồn lực cho đổi mới sáng tạo.
Hàng triệu doanh nghiệp lớn nhỏ hiện nay đang sử dụng tư duy đổi mới sáng tạo để phát triển tổ chức tạo ra những dịch vụ và dự án mới thành công… Trong chuyên đề của mình TS. Vũ Thị Minh Luận sẽ đưa ra các Case Study từ thực tế giúp người học có thể hình dung và tìm thấy bài học kinh nghiệm áp dụng thực tiễn phát triển cho doanh nghiệp mình.
TS. Luận cũng cho rằng, từ thực tế cho thấy, việc đầu tư vào việc nghiên cứu về đổi mới sáng tạo luôn là yêu cầu cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp, nếu không đổi mới sáng tạo doanh nghiệp không thể tồn tại trong môi trường biến đổi nhanh, linh hoạt và mang tính cạnh tranh cao như hiện nay.
PV