Đổi mới và phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam vững mạnh
Ngày 29/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị Giao ban các Hội Khoa học và Kỹ thuật ngành toàn quốc năm 2021. Ông Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; Ông Phạm Quang Thao - Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; Ông Nguyễn Quyết Chiến - Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam chủ trì hội.
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc tại hội nghị.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng cho biết, từ sau Đại hội VIII đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội ngành toàn quốc đã có nhiều cố gắng, thể hiện nhiều vai trò quan trọng trong việc đoàn kết, tập hợp và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN). Thông qua các cấp Hội đã tập hợp được nhiều hội viên từ Trung ương đến địa phương xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, Liên hiệp Hội Việt Nam đã thể hiện là tổ chức trách nhiệm, giới thiệu đại biểu ưu tú của trí thức tham gia vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân; làm cầu nối giữa các hội thành viên với các cơ quan của Đảng, Nhà nước để tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn, chủ trương, chính sách, xây dựng phát triển đất nước qua các hoạt động về khoa học công nghệ, làm tốt các hoạt động phổ biến kiến thức, công tác tư tưởng cho trí thức, chính sách với trí thức, đào tạo nguồn nhân lực...
Đặc biệt là hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng, với tinh thần vì cộng đồng, tính trung thực trong khoa học để phản ánh khách quan ý kiến của đội ngũ trí thức KH&CN, thông qua việc triển khai các hoạt động tư vấn phản biện, các chuyên gia, các nhà khoa học của các Hội ngành toàn quốc đã có những đóng góp tích cực vào việc hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời góp phần nâng cao vị thế và vai trò của hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.
Các Hội ngành toàn quốc có vai trò hết sức quan trọng đối với công tác tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam. Và trong hội nghị này, mong các đại biểu cho ý kiến về việc thành lập các Khối thi đua và cơ chế hoạt động của các khối thi đua hội ngành toàn quốc; Đổi mới phương thức hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Quang Thao trình bày tại hội nghị.
Tại hội nghị, Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Quang Thao cho biết, nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các Hội ngành toàn quốc trong thời gian tới, cần xây dựng tầm nhìn, chiến lược phát triển của Hội ngành toàn quốc về mô hình tổ chức, kế hoạch nguồn lực nhân sự, nguồn lực tài chính, truyền thông và quảng bá hình ảnh của tổ chức.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình phối hợp hoạt động đã ký kết với các Ban, bộ, ngành. Tham gia tích cực các hoạt động giám sát do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì.
Mở rộng mối quan hệ liên kết giữa Hội ngành toàn quốc với các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt với các doanh nghiệp để mở rộng phạm vi hoạt động và tăng nguồn lực hoạt động.
Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế giữa Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội ngành với một số tổ chức quốc tế, chú trọng các nước đối tác có tiềm lực KH&CN mạnh.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về các Hội ngành toàn quốc; thiết lập cơ chế để tăng cường các hoạt động giao lưu, giao ban của nhóm các Hội ngành toàn quốc trong cùng lĩnh vực; kiến nghị, đề xuất với Nhà nước có lộ trình chuyển giao một số dịch vụ công cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hỗ trợ và tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, tài chính ban đầu để các hội tham gia thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước.
Hình thành các khối Hội ngành toàn quốc theo lĩnh vực chuyên môn
Ông Nguyễn Quyết Chiến - Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, việc phân chia khối chỉ nhằm nâng cao hoạt động chuyên môn, không tạo thành một cấp hội mới. Khối hoạt động theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, đoàn kết, hợp tác, cùng phát triển.
Bên cạnh hoạt động theo khối, các hội có quyền và nghĩa vụ hoạt động độc lập theo quy định của Điều lệ Liên hiệp Hội Việt Nam và Điều lệ của Hội; Các hội có lĩnh vực chuyên môn tương đồng thì xếp vào một khối, bảo đảm số đơn vị vừa phải, dễ tổ chức họp, dễ đánh giá kết quả hoạt động, cho ý kiến về thi đua, khen thưởng; Các khối bình bầu hoặc cử một hội làm Khối trưởng. Khối trưởng có trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ chung của Khối; Đoàn Chủ tịch Liên hiệp hiệp Hội Việt Nam sẽ cử thành viên của Đoàn Chủ tịch theo dõi và chỉ đạo hoạt động của khối; Cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam có trách nhiệm tham mưu, giúp Đoàn Chủ tịch hỗ trợ hoạt động của khối.
Ông Nguyễn Quyết Chiến - Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam.
Ông Chiến cũng cho biết thêm, dự kiến chia các khối như sau: Khối khoa học cơ bản; Khối khoa học công nghệ; Khối khoa học kỹ thuật; Khối khoa học kinh tế - xã hội; Khối khoa học môi trường và biến đổi khí hậu; Khối khoa học về nông - lâm - ngư nghiệp; Khối y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Phương thức hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời gian tới
Cũng theo Ông Nguyễn Quyết Chiến - Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam cho hay, để hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng được hoàn thiện hơn, đã thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và triển khai các nhiệm vụ chính trị cũng như chuyên môn được giao. Cụ thể như sau:
Đối với nhiệm vụ chính trị: Đó là sự đổi mới về cách tổ chức quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước ngày càng phù hợp với đối tượng trí thức. Nhiều hình thức tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng giúp trí thức KH&CN nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với đất nước, dân tộc; phát huy tinh thần sáng tạo, tinh thần hợp tác trong hoạt động KH&CN.
Đối với các nhiệm vụ chuyên môn: Bằng nhiều hình thức, cách thức tổ chức các hoạt động chuyên môn như TV,PB&GĐXH; TT&PBKT; KH,CN&MT, Liên hiệp Hội Việt Nam đã chủ động tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; các chương trình, dự án, đề án lớn về phát triển KH&CN, giáo dục và đào tạo, kinh tế - xã hội trước khi cấp có thẩm quyền quyết định; cố gắng truyền bá kiến thức KH&CN; tổ chức phong trào nhân dân sáng tạo, áp dụng có hiệu quả những tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống; mở rộng nhiều loại giải thưởng, hội thi sáng tạo KH&CN, phát hiện, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong hoạt động sáng tạo KH&CN; mở rộng nhiều phương thức phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo trong hoạt động KH&CN nhằm thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo trí thức KH&CN tham gia hoạt động hội.
Tuy nhiên, phương thức hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng tốt trước những thay đổi nhanh chóng của xã hội. Theo đó, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn chưa có nhiều đóng góp nổi bật trong việc giải quyết những vấn đề lớn, bức xúc của đất nước về phát triển KH&CN, GD&ĐT, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, tăng trưởng kinh tế; việc thông tin về kết quả hoạt động, quảng bá hình ảnh của Liên hiệp Hội Việt Nam đối với xã hội chưa nhiều; nhiều vấn đề quan trọng cần có ý kiến tư vấn, phản biện của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên vẫn chưa được các cơ quan, ban, ngành chủ động đặt yêu cầu; một số hội ngành toàn quốc chưa phát huy được vai trò nòng cốt trong việc tổ chức các phong trào quần chúng tiến quân vào khoa học kỹ thuật, còn thiếu sự chủ động kết nối và hợp tác chặt chẽ với các Bộ quản lý nhà nước để giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến lĩnh vực hoạt động chuyên môn của Hội; chưa tổ chức được những diễn đàn phù hợp để trao đổi thông tin và tạo môi trường thuận lợi để trí thức bày tỏ quan điểm và đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương, chính sách phát triển đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực KH&CN, GD&ĐT và chính sách đối với trí thức...
Từ thực tế trên, yêu cầu bức thiết đặt ra là Liên hiệp Hội Việt Nam cần tổng kết các phương thức hoạt động (phương thức lãnh đạo, quản lý và triển khai nhiệm vụ) trong thời gian qua, nhất là giai đoạn 2015-2020. Việc đánh giá phương thức hoạt động trong giai đoạn 2015-2020 cần xác định rõ những thành tựu cũng như hạn chế nhằm bổ sung, hoàn thiện và đưa ra các phương thức mới mang tính hệ thống, đồng bộ và tổng thể lâu dài cùng những giải pháp khả thi để thực hiện hiệu quả những phương thức đó, ông Chiến cho biết.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi và đưa ra nhiều ý như cần tiếp tục vận động để Quốc hội thông qua Luật về Hội theo tinh thần mới, thể chế hóa các chức năng quan trọng của các hội ngành toàn quốc trong sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Cần cụ thế hóa quy định về hợp tác công tư như phương thức cơ bản huy động nguồn trí lực và tài lực của xã hội, không chỉ trong đầu tư, mà trong các khâu, từ xây dựng chiến lược, chính sách phát triển ngành kinh tế - kỹ thuật, đến tổ chức thực hiện, kiểm soát và đánh giá việc thực hiện chính sách.
Ngoài ra, nghiên cứu các hình thức và tổ chức liên ngành, bằng cơ chế hợp tác thật sự hữu cơ giữa các thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam; Xây dựng cơ chế hợp tác với Bộ Khoa học và công nghệ để chủ động đề xuất, xây dựng và thực hiện các chương trình khoa học công nghệ liên ngành phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế xã hội; Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam và các thành viên; tiến hành đánh giá hàng năm để tạo động lực và sức ép cho mọi tổ chức, cá nhân phải thường xuyên đổi mới.
Đại biểu đưa ra nhiều ý kiến tại hội nghị
Theo vusta.vn