Đổi từ CMND 12 số sang CCCD gắn chip, cần biết những điều gì?

15:45, 21/04/2021

Việc chỉ có 16 tỉnh, thành phố tiến hành cấp Căn cước công dân (CCCD) mã vạch, các tỉnh còn lại vẫn cấp CMND 12 số cho đến cuối năm 2020. Hiện nay, khi muốn chuyển CMND 12 số sang CCCD gắn chip, người dân cần biết những điều sau:

Công an TP Hà Nội cấp CCCD gắn chip cho người dân.

Theo luật Căn cước công dân ra đời năm 2014 và có hiệu lực từ 1-1-2016. Trong thời gian này, chỉ có 16 tỉnh, thành phố tiến hành cấp thí điểm  Căn cước công dân (CCCD) mã vạch và các tỉnh còn lại vẫn cấp CMND 12 số cho đến cuối năm 2020.

Từ các tháng đầu năm 2021, Bộ Công an đã triển khai cấp đồng loạt thẻ CCCD gắn chip cho công dân cả nước, thay thế CMND và CCCD mã vạch.

Vậy, khi muốn cấp đổi CMND 12 số sang CCCD gắn chip, người dân cần biết những quy định sau đây:

Số định danh được giữ nguyên

Điều 19 Luật Căn cước công dân, số thẻ CCCD là số định danh cá nhân, là dãy chữ số gồm 12 số.

Theo Điều 13 Nghị định 137/2015, số định danh là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.

Cấu trúc số định danh cá nhân trên CMND 12 số và số định danh trên CCCD gắn chip hoàn toàn giống nhau.Do đó, khi công dân cấp đổi từ CMND 12 số sang CCCD gắn chip thì số định danh không bị thay đổi.

Ảnh: minh họa

Không bị đổi số khi chuyển sang CCCD gắn chip

Theo Thông tư 57/2013/TT-BCA về mẫu thẻ Chứng minh nhân dân, mỗi công dân Việt Nam chỉ được cấp một Chứng minh nhân dân và có một số Chứng minh nhân dân riêng. Số Chứng minh nhân dân gồm 12 số tự nhiên, do Bộ Công an cấp và quản lý thống nhất trên toàn quốc. Trường hợp đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân thì số ghi trên Chứng minh nhân dân được đổi, cấp lại vẫn giữ đúng theo số ghi trên Chứng minh nhân dân đã cấp lần đầu.

Thẻ Căn cước công dân mã vạch và Căn cước công dân gắn chip cũng có 12 số và là mã số định danh cá nhân.

Theo Điều 12 Luật CCCD, số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.

Mã số này không thay đổi dù công dân đổi CMND 12 số sang CCCD gắn chip.

CMND bị cắt góc khi đổi sang CCCD gắn chip

Theo Thông tư 40/2019/TT-BCA, khi làm CCCD gắn chip, trường hợp Chứng minh nhân dân 12 số còn rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì cán bộ cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cùng Chứng minh nhân dân chưa cắt góc cho công dân đến làm thủ tục để sử dụng trong thời gian chờ cấp thẻ Căn cước công dân.

Khi trả thẻ Căn cước công dân, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị công dân nộp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cùng với Chứng minh nhân dân và tiến hành cắt góc phía trên bên phải mặt trước của Chứng minh nhân dân đó, ghi vào hồ sơ, trả Chứng minh nhân dân đã cắt góc cho công dân.

Trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ Căn cước công dân qua đường chuyển phát đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan quản lý căn cước công dân nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành cắt góc và trả Chứng minh nhân dân đã cắt góc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ của công dân. 

Có thể vẫn được cấp Giấy xác nhận số CMND

Mặc dù số trên CMND 12 số và số trên CCCD gắn chip là như nhau nhưng theo quy định tại Thông tư 40/2019/TT-BCA, công dân vẫn có thể được cấp Giấy xác nhân số CMND. Đó là trường hợp Chứng minh nhân dân 12 số bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì cán bộ Công an tiến hành thu, hủy Chứng minh nhân dân đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.

Như vậy, nếu thuộc trường hợp dùng CMND mà bị hỏng, bong tróc, khi làm thủ tục cấp CCCD gắn chip, công dân được cấp Giấy xác nhận số CMND. Nếu cán bộ Công an “quên”, công dân có thể tự đòi quyền lợi cho mình.

Không cần thay đổi thông tin trên giấy tờ khác

Do số định danh trên CMND 12 số và CCCD là cùng một số nên người đang sử dụng số CMND 12 số khi đổi qua CCCD gắn không cần thực hiện thủ tục đổi, cập nhật thông tin trên các giấy tờ như sổ bảo hiểm xã hội, hộ chiếu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng)…

Mặc khác, khoản 3 Điều 38 Luật Căn cước công dân, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.

Trọng Lương (T/h)